Cách mạng Tháng Tám thành công, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, chiến tranh bùng nổ. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sỹ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

            Ngày 16/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

            Cũng trong thời gian này, tại một cuộc họp ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn huyện Đại Từ (Thái Nguyên), đại diện cho Đảng và Nhà nước đã chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc.

             Tháng 7 năm 1955, “Ngày Thương binh” được đổi thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

            Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” của cả nước.

            Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thương binh, liệt sỹ.  

Bh vieng nghia trang LS
Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sỹ

            Đã 65 năm trôi qua kể từ Ngày Thương binh - Liệt sỹ đầu tiên ấy, mỗi năm cứ đến ngày 27 tháng 7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến Bác và thêm tự hào về bước phát triển của công tác thương binh, liệt s theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Người. Cứ đến những ngày này mỗi người dân Việt Nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thươngbinh, bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Biết bao người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hay để lại một phần thân thể, đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, như Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: "Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...". 

             Nhân dịp này Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Kế hoạch 1037/KH-LĐTBXH, tiếp tục đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa với Người có công và thân nhân của họ, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các Bộ, Ban , ngành, đoàn thể Trung ương, các cấp ủy chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực cụ thể để tất cả Người có công và nhân thân của họ đều được quan tâm, chăm sóc, ổn định về vật chất, động viên về tinh thần.

            Tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng, tham dự Hội nghị gồm có các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước các vị lão thành cánh mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 400 đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công tiêu biểu đại diện cho gần 8,8 triệu người có công với cách mạng trên cả nước. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay đối tượng Người có công có khoảng 8,8 triệu người (chiếm gần 10% dân số). Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công cũng được duy trì thường xuyên. Hầu hết, người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm…Hàng vạn người có công được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho con, em của họ có việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống…Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công bao gồm: các cơ sở nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng, sản xuất dụng cụ chỉnh hình đã có những hình thức quản lý hoạt động hiệu quả hơn, năng động hơn. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sỹ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 các công trình ghi công liệt sỹ, trong đó có 237 Đài tưởng niệm liệt sỹ, 3.540 Nhà bia ghi tên liệt sỹ và 3.077 Nghĩa trang liệt sỹ với tổng số trên 780.000 mộ, trong đó 630.000 mộ có đầy đủ thông tin và khoảng 303.000 mộ còn thiếu thông tin, hơn 208.000 hài cốt liệt sỹ chưa phát hiện, quy tập được. Nhiều công trình ghi công liệt sỹ trở thành công trình lịch sử - văn hóa, như: Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (là nơi quy tụ hơn 10.333 phần mộ của các liệt sỹ, có tổng diện tích 140.000m2); Nghĩa trang Điện Biên Phủ; Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sỹ Bến Dược, Đài tưởng niệm liệt sỹ Thái Nguyên; Khu di tích kỷ niệm 10 cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc... đặc biệt phải kể đến như Thành cổ Quảng Trị chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ - ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25 tháng 7, chúng xả vào Thành Cổ hơn 5000 quả đại bác. Nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường quân và dân ta đã đánh địch bật ra khỏi Thành Cổ. Nơi đây là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam chỉ có một nấm mồ chung, một nấm mồ tượng trưng. Những nơi này đã chở thành một tượng đài kỷ niệm chiến tranh bất diệt,một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế.

            Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của cả nước ngày càng thu hút được đông đảo các tấm lòng hảo tâm quan tâm đóng góp. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước đã vận động được 1.263 tỷ đồng (riêng năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, cả nước đã vận động được 242 tỷ đồng), trong đó Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương đạt 17,5 tỷ đồng.

            Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo trong toàn Đoàn và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Tuần “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” (từ ngày 20 tháng7 đến ngày 27 tháng 7). Các cấp bộ Đoàn và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa ngày 27 tháng 7; chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; động viên, thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sỹ, các di tích lịch sử văn hóa; tổ chức các hoạt động của tuổi trẻ giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Theo báo cáo đăng ký của các địa phương, tính đến thời điểm này, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 33.216 hoạt động giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ; tổ chức thắp nến tri ân tại 2.098 nghĩa trang liệt sỹ với trên 800.000 ngôi mộ của các Anh hùng liệt sỹ; tổ chức trên 569.000 ngày công làm đẹp các nghĩa trang và công trình Tổ quốc ghi công các Anh hùng liệt sỹ… thu hút hơn 1 triệu đoàn viên thanh niên, sinh viên tham gia.

            Tối ngày 20 tháng 7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã dâng hương, hoa tại Đài tưởng niệm Trung tâm Thành cổ và làm lễ thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn tưởng nhớ các Anh hùng liệt s đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong chiến dịch bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh và thân nhân các gia đình liệt sỹ.

thăp hương tương niem cac AHLS tai thanh co Qt
Thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh Internet

            Trong những ngày tháng 7 tri ân này, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những hoạt động tích cực hưởng ứng Kế Hoạch 1037/KH-LĐTBXH, tiếp tục đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa với Người có công và thân nhân của họ, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị. Ban Quản lý Lăng đã xây dựng Kế hoạch 1898/KH-TM về phục vụ lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Lãnh đạo Ban và tập thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ đã có những hoạt động thiết thực như: động viên, thăm hỏi, tặng quà, thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; Tham gia khởi công xây dựng nhà tình nghĩa ở Phú Thọ, Sầm Sơn; Dự lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sỹ ở Thành cổ Quảng Trị; ngày 26 tháng 7 Lãnh đạo Ban và tập thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng đã dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và vào Lăng viếng Bác; Thăm gia đình chính sách ở tỉnh Thái Bình; các đoàn viên thanh niên Đoàn 285 đã đến thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt nam anh hùng trên địa bàn; tập trung trang trí, làm đẹp khu vực Lăng và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; phục vụ công tác đón tiếp các Đoàn chính sách, Đoàn Người có công của các địa phương, các tổ chức xã hội về báo công dâng Bác và đặt hoa tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ. 

            65 năm qua, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần. Đến nay, hầu hết những người có công và thân nhân, con em người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa," chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội./.

                                                                                                            Kim Yến


 

Bài viết khác: