Luôn dành tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đến những người con của các gia đình liệt s, ngay từ tháng 11 năm 1946, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến s đã hy sinh, "gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt s", "nhận con các liệt slàm con nuôi"(1), đồng thời đề nghị Ban Hành chính các địa phương toàn quốc phải báo cáo về các trường hợp con liệt s, và sau khi xác định đúng sự thật thì đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chủ tịch ở Hà Nội.

Đối với những thương binh, bệnh binh, Người khẳng định: Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sỹ thật là đáng quý! Họ "thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế"... Tuy nhiên, Người cũng căn dặn, chớ nên công thần, ỷ lại và cũng tránh mặc cảm, tự ti để luôn cố gắng vươn lên "tàn mà không phế". Trên tinh thần đó, Người biểu dương: Đồng chí Trần Chút (ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), dù mất một tay, đã bốn lần liền được bầu làm Chiến sỹ nông nghiệp trong tỉnh, được cử đi dự Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Văn Hơn (miền Nam), mất một tay, về sản xuất ở xã Liên Thành đã được bầu làm Chiến sỹ nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Đồng chí Phạm Hữu Hoạt, mất một chân, là Chiến sỹ xuất sắc về ngành Chăn nuôi. Đồng chí Phạm Văn Tiêm, ở Nông trường quốc doanh Đông Hiếu, 12 lần được khen thưởng, được bầu làm Chiến sỹ thi đua toàn ngành, v.v. cùng nhiều chiến sỹ gương mẫu khác nữa. Quyết định chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là Ngày Thương binh - Liệt sỹ, "lòng Bác và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân" đã luôn ở bên cạnh, tiếp sức, chia sẻ với những đau thương mất mát của các thương binh, gia đình liệt sỹ. Người xung phong gửi một chiếc áo lót lụa,... một tháng lương... một bữa ăn của mình và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch với tổng cộng là 1.127 đồng để giúp các chiến sỹ bị thương. Người động viên và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư, tặng quà hoặc quyên giúp quà tặng cho những thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Không chỉ "nghiêng mình trước linh hồn các chiến sỹ và các đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc", mong họ "chí quyết thắng ngày càng vững chắc", Người còn nhiều lần tặng những món quà, như khăn mặt, áo quần mà đồng bào các nơi đã gửi biếu, hoặc gửi lương của Người, tặng Huy hiệu v.v… đến cho các thương binh, bệnh binh, đồng thời nhờ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh chuyển lời thân ái của Người "an ủi những chiến sỹ và đồng bào hoặc bị thương", chia sẻ, động viên gia đình thân nhân các liệt sỹ. Nhân ngày Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Ban Tổ chức chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu Người để bán đấu giá gây quỹ giúp thương binh. Thể hiện lòng biết ơn đối với thương binh, nhiều tập thể và cá nhân muốn mua chiếc áo ấy. Cuối cùng, Liên hiệp Công đoàn Bắc Kạn đã mua được với giá cao nhất: 46.700 đồng Đông Dương. Trong khi đó, ở Nam Bộ, ông Cao Triều Phát cũng vận động bà con tín đồ đạo Cao Đài mua chiếc áo ấy với giá 100.000 đồng Đông Dương, nhưng do giao thông khó khăn cho nên bức điện của ông đến Ban Tổ chức quá muộn. Nhận được điện do Ban Tổ chức chuyển đến, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Bắc Kạn quyết định gửi tặng chiếc áo này cho ông Cao Triều Phát và tín đồ đạo Cao Đài ở Nam Bộ. Sau khi nghe Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho ông Cao Triều Phát. Cùng với bức thư, Người cũng gửi tặng ông tấm ảnh của mình làm kỷ niệm. Tấm ảnh này được in trên giấy ảnh cũ, trên đầu bức ảnh có dòng chữ viết tay mực tím "Tặng ông Cao Triều Phát. Đoàn kết - Kháng chiến - Thống nhất - Độc lập". Phía dưới bức ảnh ở bên trái có ghi dòng chữ viết tay mực tím "10-47", bên phải có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mực tím ở trên dấu triện vuông của Người. Áo, thư và ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giao cho ông Bùi Thái Dương mang vào Nam Bộ trao trực tiếp cho ông Cao Triều Phát. Nhưng lúc đó ông Cao Triều Phát đang bận công tác, nên ông Thái Dương đành viết thư xin cáo lỗi và nhờ Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ chuyển tới ông và quý đạo hữu tín đồ thư và quà tặng của Người. Ông Cao Triều Phát đã giữ gìn chiếc áo, bức thư và tấm ảnh của Người rất trân trọng. Đó là những kỷ vật ông luôn mang theo bên mình như những báu vật trong suốt những năm kháng chiến. Khi tập kết ra Bắc, ông đem theo các kỷ vật đó và sau khi ông qua đời, gia đình đã trao những báu vật ấy cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ. Một lần khác, nhận được bốn chiếc chiếu của thương binh, bệnh binh Trại Dệt chiếu của tỉnh Tuyên Quang, Người rất vui lòng. Xúc động trước tình cảm của các thương binh, Người hỏi thăm cặn kẽ: Học dệt được chiếu cần bao nhiêu ngày tháng? Trung bình, dệt được một chiếc chiếu thường cần mấy giờ, và bao nhiêu vốn? Bán một chiếc được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn đủ mặc không? Sau đó, Người gửi biếu một chiếc áo do chị em phụ nữ tặng để làm “Giải thưởng thi đua trong Trại”. Suốt cuộc đời, Bác Hồ luôn luôn hết lòng yêu thương con người, đặc biệt là đối với những người đã dâng hiến một phần cuộc đời mình cho Tổ quốc và nhân dân. Bác đã gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh "30.600 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương là 45.000 đồng để cụ làm quà cho anh em", v.v. Đêm giao thừa năm 1956, Người đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội, hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống, công việc của các thương binh và căn dặn: "Các chú tàn mà không phế". Sự khuyến khích, lời động viên của Người đã trở thành khẩu hiệu sống, lao động và học tập của bao thế hệ thương binh, bệnh binh. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta (bản thảo viết năm 1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những dòng tâm huyết để căn dặn chúng ta những vấn đề liên quan đến việc quan tâm, chăm sóc những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, và chính sách đối với những người có công với cách mạng: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng Hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

 Cùng với thời gian, những chủ trương, chính sách cụ thể, những phong trào như: Đền ơn đáp nghĩa, Đi tìm đồng đội, Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chính sách đối với những người có công, v.v. của Đảng và Nhà nước, của toàn dân ta ngày càng sôi nổi và phong phú. Trong những năm từ 1997 đến 2003, từ 2005 đến 2008 trong phạm vi cả nước, chúng ta đã trao tặng 231.373 nhà tình nghĩa và 628.927 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, giải quyết nhà ở, học hành, dạy nghề, tạo việc làm, chữa bệnh, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần. Đồng thời với việc đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả giải quyết những chính sách, chế độ sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã tăng cường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ từ Trung ương xuống địa phương với lực lượng vũ trang và nhân dân để tổ chức tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ, tu sửa, nâng cấp, quản lý tốt các Nghĩa trang, Đài tưởng niệm, Bia ghi tên liệt sỹ, v.v... Làm tốt những điều đó, chúng ta không chỉ tri ân những người đã khuất, cổ vũ động viên người còn sống, thấm sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", mà còn góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cùng nhau ôn lại tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sỹ, cũng là một cách thiết thực để chúng ta thắp nén tâm nhang trước anh linh các liệt sỹ, đồng thời góp phần làm cho tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỏa sáng trong thực tiễn. 

TS Văn Thị Thanh Mai
Theo
baomoi.com
Kim Yến (st)

 

Bài viết khác: