Thứ năm, 18/04/2024

 Cô nữ sinh người Dao 14 tuổi năm ấy được gặp Bác Hồ 2 lần trong ngày, được che ô, quàng khăn quàng đỏ lên cổ Bác…

Được gặp Bác 2 lần 

Bac Ho tro chuyen voi cac hoc sinh 
Tấm ảnh ghi lại buổi Bác Hồ trò chuyện với các học sinh Trường Thiếu nhi rẻo cao
 khu tự trị Việt Bắc, cô nữ sinh Triệu Thị Kim Tặng (đứng sau vai trái của Bác)
 đang hát vang bài ca kết đoàn.

Ngày ấy, cô nữ sinh Triệu Thị Kim Tặng tròn 14 tuổi, cô là một trong ba nữ sinh được cử đi đón Bác Hồ khi Bác lên thăm nhân dân tỉnh Thái Nguyên (năm 1960).

“Sáng hôm đó (13/3/1960) tôi cùng 2 người bạn là Chi Thị Khẩn dân tộc Lô Lô, Đào Thị Lý dân tộc Mông được cử đi đón Bác Hồ ở ngoài sân vận động Thái Nguyên - nơi Bác về trò chuyện với bà con các dân tộc Việt Bắc. Tôi là người được giao nhiệm vụ cầm ô che cho Bác nên được đứng ngay bên cạnh Bác.” 

“Tôi còn nhớ rất rõ Bác mặc bộ quần áo “kiểu Tôn Trung Sơn” màu ghi, đằng sau vai áo bên phải có một miếng vá nhưng trong mắt tôi Bác mặc bộ đồ đó rất đẹp, rất giản dị, gần gũi với những người dân ở đây, gần gũi với chúng tôi…”.

Sau khi nhận những bông hoa tươi thắm từ tay các học sinh Trường Thiếu nhi rẻo cao khu tự trị Việt Bắc, Bác Hồ vui vẻ và nhanh nhẹn bước lên khán đài trò chuyện với bà con, “nhìn Bác rất hồng hào” - cô bé che ô cho Bác nhớ lại.

Cô nữ sinh Triệu Thị Kim Tặng không chỉ vinh dự được gặp Bác 1 lần mà ngay chiều hôm đó, Bác vào thăm Trường Thiếu nhi vùng cao, khu tự trị Việt Bắc nơi cô học, cô lại vinh dự được giao nhiệm vụ quàng lên cổ Bác chiếc khăn quàng đỏ.

“Bác hỏi chúng tôi: Các cháu có nhớ nhà không? Có được ăn no không? Bác còn dặn: Các cháu là con em tiêu biểu của các dân tộc nên phải cố gắng chăm học, ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô giáo, rèn luyện tốt để thành cháu ngoan Bác Hồ, để sau này làm cán bộ phục vụ cho dân tộc mình”.

Sau đó, “Bác Hồ cũng trò chuyện với các thầy cô giáo và nhân viên trong trường. Rồi Bác bắt nhịp cho chúng tôi hát bài Kết đoàn, rồi Bác rời hội trường trong khi chúng tôi vẫn đang hát…”

Bà Tặng kể, chính lần gặp Bác Hồ đó đã tiếp thêm nghị lực cho cô nữ sinh trẻ vượt qua khó khăn để tiếp tục xây ước mơ trở thành cán bộ phục vụ dân tộc, quê hương mình.

13 tuổi (năm 1959), cô bé Tặng dời bản Dao nghèo Nà Lẹng (ruộng cạn) nằm chon von nơi đỉnh đèo Gió (xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái - nay là Bắc Kạn) về theo học tại Trường Thiếu nhi vùng cao, khu tự trị Việt Bắc (Thái Nguyên).

Ba Trieu Kim Minh Tang
 Bà Triệu Thị Kim Tặng với tấm hình chụp ảnh Bác Hồ (Ảnh Minh Thúy)

Ôm con đi “xóa mù” ở vùng cao

Bà Tặng theo học ngành sư phạm bởi bà nghĩ ngành này giúp bà mang kiến thức đến cho con em đồng bào dân tộc vùng cao - như nơi bà sinh ra và sống thời thơ ấu. Ngay sau khi ra tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên, năm 1965), bà Tặng về giảng dạy ở trường học của xã Lam Vĩ (huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên). 

Bà nhớ đó là những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả bởi bà đang mang thai người con đầu lòng, chồng bà (ông Đặng Văn Lâm, nguyên là Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, cũng là bạn học cùng Trường Thiếu nhi vùng cao với bà) lại đang theo học tận Trung Quốc nên bà phải nỗ lực thực hiện tốt nhất công việc của người giáo viên "cắm bản".

Không chỉ dạy cái chữ cho bà con, bà Tặng cũng tuyên truyền vận động bà con loại bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay, mê tín dị đoan… 

“Cắm bản" ở các xã vùng sâu, vùng xa gần 20 năm, đến  năm 1984, bà Tặng chuyển về công tác tại Phòng Bổ túc văn hoá, Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Nguyên, phụ trách mảng xoá mù chữ bậc tiểu học. 

Với công việc này, bà đi khắp các bản làng xa xôi của tỉnh, có những lúc đi bộ cả 2 ngày trời, rồi cuộc sống đầy khó khăn, cái bụng chưa no nên nhiều người không muốn học cái chữ - khiến người giáo viên xóa mù chữ như bà Tặng có lúc cảm thấy mệt mỏi. Nhưng chính những lúc mệt mỏi đó, bà Tặng nhớ lời dặn dò của Bác Hồ, bà lại bước tiếp.

Có những thời gian chồng đi xa, một nách 2 con nhỏ, bà Tặng vẫn “cắp con” đi “xóa mù” cùng, những vùng cao ở Đồng Hỷ, Chợ Đồn, Na Rì, Bạch Thông… đều in dấu chân mẹ con cô giáo Tặng. Có những lúc cô giáo Tặng phải ở lại với bà con, ngày đi làm cùng họ, tối về vận động họ học chữ, cách làm này của cô giáo Tặng sau này đã được nhân rộng tại địa phương.

Năm 2001, cô giáo Tặng nghỉ hưu, nhưng “hưu” mà chẳng “nghỉ”, bà Tặng được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 13, phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên. Năm 2002, bà vào Ban Chi ủy phụ trách công tác Mặt trận của phố Gia Bảy. Năm 2003, bà làm Bí thư Chi bộ… Đến năm 2006, bà được bầu làm tổ Trưởng Tổ dân phố 13. 

Bà quyết tâm góp phần làm thay đổi bộ mặt khu phố, từ chỗ đi lại trong tổ dân phố trên những lối mòn đất đỏ bà vận động bà con làm đường bê tông, rồi làm đường dẫn nước sạch, làm luôn đường điện áp. Quá trình làm nhiều người ủng hộ, nhiều người… chửi nhưng bà vẫn kiên trì. Và vì đó, bà Tặng cũng được bà con dân phố “phong tặng” danh hiệu “người chịu đựng nhất khu phố”.

Nhờ làm được hạ tầng tốt, giờ đây khu phố của bà Tặng đã thay đổi bộ mặt, xóa hẳn được nhà lá, 100% là nhà xây cao tầng. “Tôi luôn tậm niệm lời Bác dạy suốt chặng đường tôi đi, suốt những việc tôi làm và tôi thấy thành công” - bà Tặng nói với giọng rất nhẹ nhàng, nụ cười tươi cả trong ánh mắt.

Nguồn: vtc.vn

Thúy Hằng (st)

 

Bài viết khác: