Thứ sáu, 17/05/2024

Suốt cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Người không ham danh vọng, không có của riêng. Người là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, giá trị của toàn nhân loại. Bác từng tâm sự: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Riêng phần mình, Người chỉ có mong muốn nhỏ bé, đơn giản là “làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Ước nguyện của riêng Bác hết sức bình dị, tự nhiên, đời thường nhưng đã tạo nên một nét văn hoá Hồ Chí Minh.

Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, luôn muốn sống hòa mình vào thiên nhiên để thỏa tấm lòng yêu quý, nâng niu trân trọng những nét đẹp thi vị của tự nhiên và làm cho tâm hồn được thư thái. Phong cách sống gần gũi, hòa quyện, quý trọng thiên nhiên một cách bình dị, thanh tao của Người mang đậm bản sắc, cốt cách tâm hồn Việt; thể hiện nhân cách và vẻ đẹp bình dị mà cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tình yêu thiên nhiên, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Dù việc nước bận rộn, nhưng trong những điều kiện và hoàn cảnh cho phép, Bác vẫn tìm và tạo cho mình được một không gian nho nhỏ để tận hưởng cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, hưởng thụ những giá trị cuộc sống do thiên nhiên ban tặng. Vì thế chúng ta có thể thấy những nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc đều là những địa danh vừa bảo đảm sự bí mật thiết yếu về mặt an ninh, quốc phòng, vừa gần gũi với thiên nhiên, đất nước.Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội (Khu Di tích K9) là một trong những địa danh lịch sử - văn hoá như vậy, nơi gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống và cả khi Người đã qua đời.

phong cach K9 1
Khu Di tích K9 thể hiện rõ nét phong cách sống gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên của Bác Hồ.
Ảnh: https://hanoi.gov.vn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: "Bác luôn sống gần gũi với thiên nhiên, mỗi khi tìm đến chỗ ở, Bác thường ưng những nơi có sông, có núi”. Đó là một trong những lý do Người chọn Khu Di tích K9 để xây dựng nhà làm việc của Bác và Trung ương. Sự kiện này bắt đầu vào một ngày của tháng 5 năm 1957, Bác đến thăm Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Bác đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy đây là nơi sơn thủy hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Người đã nhận ra linh khí trong thế núi hình sông của vùng đất này. Dãy Tản Viên Sơn ở phía Đông, dãy Thiết Sơn ở phía Tây lại thêm Đà giang độc đáo liền kề, xét theo phong thủy thật là đắc địa cho việc dựng căn cứ. Về giao thông rất thuận tiện: Đường bộ cách thủ đô Hà Nội 70 km, cách thị xã Sơn Tây 20 km. Đường hàng không thì phía Bắc có đỉnh núi U rồng cao hơn 130 m so với mực nước biển, dưới chân núi có một bãi đất rộng, bằng phẳng nên máy bay có thể cất cánh và hạ cánh rất thuận lợi. Đường thủy cũng rất thuận lợi, thuyền có thể xuôi, ngược theo dòng sông Đà. Theo trí tưởng tượng dân gian, khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu cúi xuống uống nước sông Đà. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại không quân ra miền Bắc.

Khu Di tích K9 là một di tích lịch sử còn ở dạng nguyên khai. Những hiện vật ở đây đều là hiện vật gốc, được giữ gìn hầu như nguyên vẹn như khi Bác Hồ còn sống và làm việc tại đây. Đến với địa danh lịch sử này, mọi người đều có thể cảm nhận, thấu hiểu được phong cách sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên của Bác.

Bác Hồ đến khu vực Đá Chông, từ tâm thức Người đã có ý nguyện riêng tạo ra một nơi sống và làm việc cho mọi người và bản thân mình, nơi cảnh quan đẹp hài hoà, hữu ích. Nơi này đã trở thành một nơi mang dấu ấn văn hóa của Người đã tạo ra nó. Hay nói như cách định nghĩa của M. Goóc-ki: Văn hóa là "thiên nhiên thứ hai".

Ngay từ khi xây dựng ngôi nhà, làm đường sá, Bác đã yêu cầu giữ lại tất cả các cây trồng lấy gỗ. Các ngôi nhà, đường sá đều được làm trên những khoảng trống không có cây trồng.

Ngôi nhà làm việc hai tầng còn được gọi với cái tên thân mật là Nhà sàn (vì được thiết kế mô phỏng theo kiểu nhà sàn tại Phủ Chủ tịch) do chính tay Bác chỉnh sửa thiết kế, chọn hướng để xây dựng. Bác đã có chỉ đạo rất cụ thể cho việc xây dựng ngôi nhà như: Hệ thống cửa ban đầu là cửa đóng then cài, nhưng sau Bác gợi ý cho anh em làm cửa đẩy. Khi nào cần, tất cả các cửa có thể tháo ra tạo sự thông thoáng cho phòng họp bên trong, bệ cửa trở thành ghế ngồi mỗi khi cuộc họp đông người, hoặc giờ nghỉ giải lao. Trên tầng 2 các cửa sổ không làm chắn song để có thể nhìn trọn vẹn bức tranh thiên nhiên bên ngoài. Ngay trước cửa sổ bàn làm việc phía Đông của ngôi “Nhà sàn” trong khuôn viên của vườn rau và hoa, Bác trồng cây vú sữa của miền Nam thân yêu.

phong cach K9 2
Không gian xanh bao quanh Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến năm 1969. Ảnh: https://hanoi.gov.vn

Bác còn gợi ý anh em đào hầm trú ẩn ngay cạnh ngôi nhà để bảo đảm an toàn, căn hầm được đào sâu xuống dưới lòng đất, có thể trú ẩn được khoảng 10 người, nắp hầm được xây cao và được trồng cây bên trên để ngụy trang.

phong cach K9 3
Dựa vào thiên nhiên để tạo hầm trú ẩn - Sự sáng tạo trong cách ngụy trang của Người. Ảnh: https://hanoi.gov.vn

Một nét rất đặc biệt nữa, đó là xung quanh ngôi nhà hai tầng và đường đi đều được trải sỏi, mọi người gọi là “Con đường rèn luyện sức khoẻ”. Theo lời kể của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Người thích đi bộ, tắm sông và thỉnh thoảng uống một ly rượu thuốc trong bữa ăn, tránh ăn no, không ngủ trưa và hoạt động thân thể, buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn". Khi thi công con đường này, công nhân xây dựng muốn lát gạch hoặc láng bê tông cho bằng phẳng, nhưng Bác đã yêu cầu đổ sỏi cuội cho mát và để khi đi bộ bàn chân sẽ tiếp xúc với sỏi cuội cho "chân cứng đá mềm", tăng thêm sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Mỗi buổi sáng đi tập thể dục, Bác thường đi theo con đường sỏi này. Dọc hai bên đường sỏi là hai hàng râm bụt khá to được trồng từ khi xây dựng khu căn cứ để gợi nhớ những cây trồng trong vườn nhà Bác ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

phong cach K9 4
Hai hàng râm bụt trên con đường sỏi đi bộ. Ảnh: http://www.bqllang.gov.vn

Trước sân “Nhà sàn” là cả một không gian rộng lớn, bể nước hình bán nguyệt ở giữa có hòn non bộ tự nhiên như hòn đá chông. Khi xây dựng căn cứ, Bác đã chỉ đạo anh em xây quây mỏm đá, thả cá, thả rùa vào tạo tiểu cảnh trang trí cho khu vực rất đẹp.

phong cach K9 5
Hòn non bộ - tạo tiểu cảnh trang trí đẹp cho khu vực. Ảnh: https://hanoi.gov.vn

Bên ngoài ngôi nhà kính đặc biệt, còn một cây thông trên 70 năm tuổi. Khi xây dựng ngôi nhà, thực hiện mong muốn của Bác, anh em đã giữ lại cây thông này vừa để bảo vệ môi trường cũng là để ngụy trang. Mỗi lần cây thông to ra lại được đơn vị nới rộng lỗ tường chứ không được chặt cây.

phong cach K9 6
Cây thông đặc biệt này vẫn trường tồn với thời gian. Ảnh: https://hanoi.gov.vn

Sinh thời, Bác luôn căn dặn mọi người phải bảo vệ và trồng nhiều cây xanh để góp phần bảo vệ môi trường, làm trong lành không gian sống. Người nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; “cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp”; “phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”. Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Và Bác là người tiên phong trong phong trào trồng cây, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Khi xây dựng Khu Di tích K9, không chỉ yêu cầu giữ lại các cây xanh, hạn chế chặt cây, Bác còn khuyến khích mọi người trồng thêm nhiều cây xanh trong khu vực. Bác tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng các loại cây nhãn, quế, vải, bưởi, rau xanh và trồng hoa. Trước cửa “Nhà sàn” sừng sững 2 cây ngọc lan là do Bác Hồ cùng với bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) trồng từ năm 1961 và 2 cây vàng anh do Bác và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô G.M Ti-tốp trồng năm 1962. Hiện nay, các cây này bốn mùa vẫn xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thuỷ chung của nhân dân Việt Nam.

Điều đặc biệt của cảnh quan thiên nhiên Khu Di tích K9 là hệ thống rừng có hệ động thực vật phong phú đa dạng, có giá trị về khoa học, lịch sử, văn hóa và bảo tồn. Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ năm 1938 - 1942), nơi đây là đồn điền Satupô do một Kỹ sư canh nông người Pháp cai quản để trồng thông và khai thác quặng. Khi Bác chọn nơi đây làm căn cứ, những đồi thông này đều được giữ nguyên. Cho đến ngày nay, khu vực này vẫn còn giữ được nhiều cây thông có độ tuổi gần 100 năm, xen kẽ với những cây gỗ cao, tán rộng như: Long não, Sau sau, Trám… tạo thành những vạt rừng rậm rạp. Rừng ở đây đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị cảnh quan, giá trị thẩm mỹ tôn tạo cho các giá trị lịch sử - văn hóa ở các Khu Di tích; là nhân chứng sống chứng kiến một giai đoạn lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh; là khu vực bảo vệ hữu hiệu nhất đối với Bác và Bộ Chính trị trong thời gian sống và làm việc tại K9. Rừng K9 còn đóng vai trò không nhỏ đối với phòng hộ ven sông Đà, bảo vệ môi trường vùng ven đô thị thành phố Hà Nội. 

Có thể nói, với tư cách là chủ thể, Bác Hồ đã không chỉ giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ mà còn cải tạo, điểm tô cho thiên nhiên, mang thiên nhiên trở lại phục vụ con người, biến thiên nhiên trở thành cái đẹp dành cho con người thưởng thức, thụ hưởng thiên nhiên ban tặng.

Nhờ vậy, các công trình ở Khu Di tích đều được ẩn mình trong một không gian xanh của những tán rừng nguyên sinh. Rừng cây, vườn cây ở Khu Di tích đã bảo đảm bí mật cho Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng lên làm việc, nghỉ ngơi, tiếp khách quốc tế trong những năm cuối đời của Bác. Sau khi Bác qua đời, thiên nhiên nơi đây tiếp tục chở che để cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay) và chuyên gia y tế Liên Xô thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt (từ năm 1969 - 1975).

Di sản của Người để lại cho nơi đây chính là đạo đức, phong cách sống cao đẹp, giản dị, cùng một cảnh quan thiên nhiên đã được Người chăm sóc và gìn giữ. Vì vậy, trong quá trình quản lý Khu Di tích K9, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn Khu Di tích. Bởi thế cho đến hôm nay, các công trình đều được ẩn mình trong một không gian xanh của những tán rừng nguyên sinh.

Những người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Khu Di tích K9 đã làm tròn ý nguyện của Bác, đó là gìn giữ một không gian xanh, giao hòa với thiên nhiên. Đến K9 bất kỳ ai cũng có cảm giác giống như đến một nơi nào khác Bác đã từng sống, đó là sự tràn ngập của thiên nhiên, cây cỏ. Tất cả dường như đều đã được cố gắng tốt nhất để gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ thủa ban đầu. Tất cả những gì của thiên nhiên vẫn còn nguyên vẹn. Những con đường sỏi, những bậc đá trên đường dẫn xuống sông, hòn non bộ, những vườn cây tự tay Người trồng tỉa, những cánh rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn vẫn được lưu giữ như thuở nào.

Bảo tồn nguyên vẹn di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9 chính là bảo tồn một không gian thiêng liêng, một không gian thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Nơi đây đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa vô giá, được nhân dân ngưỡng mộ, thành kính tưởng niệm, tham quan học tập.

phong cach K9 7
Học viện Chính trị Công an nhân dân báo công dâng Bác tại Khu Di tích K9.

Ảnh: http://cand.com.vn

Cùng với việc bảo tồn nguyên vẹn các di vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng ủy Đoàn 969, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực hết mình trong việc tôn tạo, trang trí cảnh quan môi trường Khu Di tích K9 ngày càng xanh, sạch, đẹp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mở rộng tham quan Khu Di tích K9, phục vụ tốt hơn khách tham quan đến tưởng niệm Bác và tham quan khu vực.

Ngày nay, khi đến với Khu Di tích K9, mọi người có thể dễ dàng bắt gặp không gian cảnh quan tươi đẹp với nhiều chi tiết mới như hai cây đại cổ thụ ở trướcNhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng trưng cho sự thanh khiết, thiêng liêng; hai Văn bia được khắc trên hai khối đá quý Corindon do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An dâng tặng; hàng trăm cây quý của các tỉnh thành, địa phương, doanh nghiệp mang đến trồng, tiêu biểu có cây thị cổ thụ của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương trồng trong khuôn viên của Khu Di tích; tiếp nối trước Nhà tưởng niệm là hồ khu B, bốn mùa nước trong xanh, sơn thủy hữu tình, xung quanh hồ là đường ra vào của Khu Di tích được trồng các loại cây xanh tỏa bóng mát cho du khách; đặc biệt trên bốn bến nhìn ra hồ được trồng 08 cây dừađược lựa chọntừ Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc,làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp, nơi Cụ Phóbảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống, hoạt động, dạy học, bốc thuốc giúp nhân dân trong vùng, đưa ra trồng tại Khu Di tích K9; cây sen hồng Kim Liên của mảnh đất Nam Đàn, Nghệ An hay hàng râm bụt được lấy giống từ vườn nhà Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Làng Sen, Kim Liên vừa mới được trồng trên tuyến đường đi vào Khu Di tích tiếp nối với hàng râm bụt phía trước “Nhà sàn” khi Bác Hồ sống và làm việc tại nơi đâylàm cho không gian cảnh quan thêm hấp dẫn,gần gũi. Những hàng râm bụt nơi đây như hình bóng thân yêu của quê hương xứ Nghệ, của tuổi thơ êm đềm, vẫn bênBác Hồtrong giấc ngủ ngàn thu…

Nhớ lời Bác dạy:Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”,hàng năm, cứ mỗi độ Xuân sang, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Khu Di tích K9, tạo cảnh quan, môi trường Khu Di tích K9 ngày càng xanh, sạch, đẹp. Nơi đây cũng lưu giữ rất nhiều cây do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành ở Trung ương trồng, hoặc các địa phương trồng, gửi tặng.

phong cach K9 8
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
 phát động“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2014.

Ảnh: http://www.bqllang.gov.vn

phong cach K9 9
Đồng chí Chủ tịch Nước
Trần Đại Quang trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Khu Di tích K9. Ảnh: http://www.bqllang.gov.vn

Đơn vị cũng không ngừng nỗ lực chăm sóc, bảo vệ hệ thống rừng K9, giữ lá phổi xanh cho khu vực. Ngày 02/11/2012,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1649/QĐ-TTg “Về việc thành lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”, gọi tắt là Khu rừng K9, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.Quyết định số 1649/QĐ-TTg là cơ sở và căn cứ pháp lý để Ban Quản lý Lăng tổ chức triển khai các nội dung nhằm bảo tồn và tôn tạo các giá trị về cảnh quan và môi trường của Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9.

Tròn 60 năm kỷ niệm ngày Bác về Đá Chông (1957-2017), Khu Di tích K9 vẫn còn in đậm bóng hình Bác; rừng cây, vườn cây, hoa lá nơi đây đang được chăm sóc, bảo vệ tốt nhằm góp phần bảo tồn nguyên vẹn di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tồn một không gian thiêng liêng, một không gian thể hiện phong cách sống gần gũi, hòa đồng với thiên nhiên của Người. Tại Khu Di tích K9, thông qua cảnh quan, môi trường và những hiện vật lịch sử, mọi người càng hiểu biết đầy đủ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với tất cả tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ luôn nỗ lực hết mình trong việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường ở K9, phát triển Khu Di tích ngày càng xanh tươi, đẹp đẽ, để góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá và những giá trị lịch sử của Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới, nhất là khi BanQuản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng tham quan Khu Di tích K9,tổ chức đón tiếp đồng bào, khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh,sinh hoạt chính trị, văn hóavà tham quantại KhuDi tích; đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

ThS. Hoàng Thị Thu Hiền

Bài viết khác: