BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng văn hóa, con người mới trong Quân đội nhân dân hiện nay” của Đại tá, TS Bùi Bạch Đằng, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Sĩ quan Chính trị trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".

dai bieu
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học.

Thực hiện đường lối đổi mới trên lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1998), khẳng định: Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước,… là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ.”(1). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (01/2021) xác định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển; chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh con người Việt Nam là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam trong điều kiện mới, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước; xây dựng, giữ gìn và phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước.

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, phản ánh hệ giá trị thiêng liêng, sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của một Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; đến việc giáo dục, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cấp ủy, chỉ huy các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch học tập, nghiên cứu và phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến quan trọng về kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phát huy giá trị đặc biệt, tạo động lực quan trọng để cán bộ, chiến sĩ Quân đội bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, học tập và phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Quân đội, nhất là ở một số đơn vị cơ sở còn những hạn chế nhất định, chưa phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với quá trình thực hiện nhiệm vụ. Việc cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa sát với chức trách, nhiệm vụ, hoạt động của bộ đội.

Hiện nay, trước những tác động phức tạp, khó đoán định của tình hình thế giới, khu vực, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thời cơ, thách thức mới. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã và đang đặt ra những nội dung, yêu cầu mới. Việc xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa, con người mới trong Quân đội là vấn đề chiến lược, vừa có ý nghĩa lâu dài, vừa mang tính cấp bách. Để phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng văn hóa, con người mới trong Quân đội hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là,tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khẳng định và làm lan tỏa những giá trị cốt lõi, đặc sắc của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng hệ giá trị rất thiêng liêng, phong phú; hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; đồng thời, kết tinh, chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xác định và cụ thể hóa giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với các hoạt động của Quân đội, phù hợp với văn hóa, con người mới trong Quân đội. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiên cứu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ chiên sĩ về cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tham quan thực tế, báo công tại các khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nghiên cứu vận dụng, lan tỏa các giá trị cốt lõi, đặc sắc trong Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đảm bảo yêu cầu về tính toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tính đặc thù của mỗi cơ quan, đơn vị. Nghiên cứu, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phải gắn liền với quá trình thực hiện nhiệm vụ, được thể hiện bằng những việc làm, hoạt động cụ thể.

Hai là, vận dụng, phát triển giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chăm lo, phát triển văn hóa quân sự hiện nay.

Giá trị văn hóa quân sự rất phong phú, phản ánh những giá trị đặc trưng riêng có của hoạt động quân sự, trong đó hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là giá trị cốt lõi. Để giá trị văn hóa quân sự không ngừng tỏa sáng, yêu cầu quan trọng hiện nay là tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 855-CT/QUTW, ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, phát huy vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa quân sự. Tổ chức chặt chẽ việc quy hoạch xây dựng doanh trại gắn với quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, cảnh quan, công trình văn hóa đảm bảo thống nhất, thiết thực; tạo môi trường và điều kiện sống tốt về tinh thần và sức khỏe của bộ đội. Mở rộng giao lưu văn hóa với quân đội các nước, tạo điều kiện để phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, Quân đội; tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến, tốt đẹp, lành mạnh từ bên ngoài. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ và những giá trị văn hóa tốt đẹp của Quân đội. Kiên quyết phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa quân sự.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa lan tỏa giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Vận dụng, phát triển giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể hóa chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mớiphù hợp với nhiệm vụ, hoạt động của bộ đội và tính chất, đặc điểm hoạt động của từng lực lượng. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên, quần chúng về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phải đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện của đơn vị và tính đặc thù, đặc trưng của mỗi nhiệm vụ. Kết hợp tham quan Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào hoạt động học tập, huấn luyện và sinh hoạt của bộ đội. Thường xuyên tổ chức diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy bộ đội thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài để tuyên truyền, quảng bá về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với bộ đội. Thông qua công tác tuyên truyền về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, khơi dậy cho cán bộ, chiến sĩ lòng tự hào, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ra sức cống hiến và trưởng thành.

Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách phục vụ việc lan tỏa giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội tiếp tục quan tâm đầu tư, xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hóa phục vụ việc lan tỏa giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên xây dựng, lan tỏa giá trị mô hình các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm cho việc học tập, thụ hưởng giá trị văn hóa Hồ Chí Minh của mỗi cán bộ, chiến sĩ trở thành nhu cầu tự thân, mang tính tự giác, tạo chuyển biến tích cực trong chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động tuyên truyền, cổ động, giáo dục về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cần ưu tiên đặc biệt đối với công tác bảo tồn, lưu giữ các di sản, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với lịch sử truyền thống, quá trình ra đời, chiến đấu và trưởng thành của mỗi cơ quan, đơn vị trong Quân đội.

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, được trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị với tư cách là “bảo vật”. Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng văn hóa, con người mới trong Quân đội hiện nay là vấn đề chiến lược, được toàn quân triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ; cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

Chú thích:

(1) Nguyễn Phú Trọng, “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979 (12/2021), tr. 4.

Đại tá, TS Bùi Bạch Đằng

Bài viết khác:

THÔNG BÁO TỔ CHỨC LỄ VIẾNG

 THỜI GIAN TỔ CHỨC LỄ VIẾNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức vào các buổi sáng: Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật. 

Thứ Hai và Thứ Sáu không tổ chức lễ viếng.

Mùa nóng (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10):

  • Thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút.
  • Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ.

Mùa lạnh (từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm sau):

  • Thời gian từ 8 giờ đến 11 giờ.
  • Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút.

Ngày 19/5, 2/9 và Mồng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

  1. Ban Tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, số 17 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. 
    Điện thoại: 024 38455128
  2. Ban Đón tiếp, Văn phòng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, số 1 Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội. 
    Điện thoại: 024 38455168 - 024 37345484
  3. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội.
    Điện thoại: 069 591930024 38455168 - 024 37345484

Đọc thêm

Thông tin

Thống kê truy cập (Phiên truy cập)

105514466
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tổng cộng
47401
47401
1412759
105514466