Thứ năm, 18/04/2024

1. Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2020.

Theo đó, Nghị định này sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

“Điều 17. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện như sau:

1. Bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và phải bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi;

b) Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất;

c) Dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất; dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, từng loại vị trí;

d) Phương án bố trí tái định cư (dự kiến số hộ tái định cư, địa điểm, hình thức tái định cư);

đ) Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nguồn vốn để thực hiện;

e) Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

g) Dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thể hiện các nội dung nêu trên cho toàn bộ dự án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong các nội dung quy định tại Khoản này phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Căn cứ vào khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương sau khi đã có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ, ngành có dự án đầu tư; tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với Bộ, ngành có dự án đầu tư”.

2. Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020.

Thông tư này hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (viết tắt là dự án PPP) gồm: Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình.

Dau tu xay dung
Ảnh minh họa: Internet

Thông tư này áp dụng với các đối tượng sau:

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án PPP.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng, xác định chi phí đầu tư xây dựng làm căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của các dự án sử dụng vốn khác.

Theo đó, Thông tư này đã hướng dẫn chi tiết về “chi phí gián tiếp“ trong thành phần “chi phí xây dựng” của nội dung dự toán xây dựng.

Cụ thể, chi phí gián tiếp trong thành phần “chi phí xây dựng” sẽ bao gồm:

- Chi phí chung: Chi phí quản lý chung của doanh nghiệp; chi phí quản lý, điều hành sản xuất tại công trường; chi phí bảo hiểm cho người lao động do người sử dụng lao động nộp.

- Chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công.

- Chi phí một số công việc không xác định được khối lượng từ thiết kếnhư: Chi phí an toàn lao động và bảo vệ môi trường cho người lao động trên công trường và môi trường xung quanh; chi phí thí nghiệm vật liệu của nhà thầu; chi phí di chuyển lực lượng lao động trong nội bộ công trường; chi phí bơm nước, vét bùn không thường xuyên.

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng chi phí gián tiếp có thể bổ sung một số chi phí gián tiếp khác gồm: Chi phí di chuyển máy, thiết bị thi công đặc chủng đến và ra khỏi công trường; chi phí bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công (nếu có); chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công xây dựng (nếu có); chi phí kho bãi chứa vật liệu (nếu có); chi phí xây dựng nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, khí nén, hệ thống cấp nước tại hiện trường, lắp đặt, tháo dỡ một số loại máy (như trạm trộn bê tông xi măng, trạm trộn bê tông nhựa, cần trục di chuyển trên ray, cần trục tháp, một số loại máy, thiết bị thi công xây dựng khác có tính chất tương tự).

Ngoài ra, các nội dung dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình cũng được quy định cụ thể trong Thông tư này.

3. Thông tư số 12/2019/TT-BTP ngày 31/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019.

Theo Thông tư, báo cáo định kỳ về kết quả công tác tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp gồm có báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và báo cáo kết quả công tác tư pháp hằng năm.

Đối với các báo cáo định kỳ của các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp được lồng ghép trong báo cáo định kỳ chung về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và báo cáo kết quả công tác tư pháp hằng năm.

Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với các báo cáo định kỳ khác (nếu có) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, thời gian chốt số liệu do cơ quan ban hành chế độ báo cáo định kỳ quy định.

Thời hạn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo định kỳ cho Bộ Tư pháp chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối kỳ báo cáo.

Thời hạn Bộ Tư pháp gửi báo cáo định kỳ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào ngày 25 của tháng cuối kỳ báo cáo.

Hình thức báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp được thể hiện bằng văn bản điện tử có chữ ký số.

Báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp được gửi bằng một trong các phương thức sau:

- Gửi qua Hệ thống văn bản và Điều hành.

- Gửi qua Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tư pháp kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia do Văn phòng Chính phủ xây dựng.

- Gửi qua Hệ thống thư điện tử.

- Các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

4. Thông tư số 13/2019/TT-BKHĐT ngày 31/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định năm 2020 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020.

Thông tư này quy định năm 2020 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh; hệ thống chỉ số giá để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh; hệ thống chỉ tiêu thống kê tính theo giá so sánh; phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh và chuyển giá trị của các chỉ tiêu thống kê theo năm gốc 2010 và 2020.

Phương pháp tính một số chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh như sau:

Thứ nhất, tích lũy tài sản:

- Tích lũy tài sản gộp:

Tích lũy tài sản gộp của kỳ báo cáo theo giá so sánh theo loại tài sản tính như sau:

Tích lũy tài sản gộp của kỳ báo cáo theo giá so sánh theo loại tài sản

=

Tích lũy tài sản gộp của kỳ báo cáo
theo giá hiện hành theo loại tài sản

Chỉ số giá tương ứng theo loại tài sản của kỳ báo cáo so với kỳ gốc

- Tích lũy tài sản thuần:

Tích lũy tài sản thuần của kỳ báo cáo theo giá so sánh theo loại tài sản tính như sau:

Tích lũy tài sản thuần của kỳ báo cáo theo giá so sánh theo loại tài sản

=

Tích lũy tài sản gộp của kỳ báo cáo theo giá so sánh theo loại tài sản

-

Khấu hao tài sản
cố định của kỳ báo cáo
theo giá so sánh
theo loại tài sản

Trong đó:

Khấu hao tài sản
cố định của kỳ báo cáo theo giá so sánh theo loại tài sản

=

Khấu hao tài sản số định của kỳ báo cáo theo giá hiện hành theo loại tài sản

Chỉ số giá của các loại tài sản tương ứng của kỳ báo cáo so với kỳ gốc

Thứ hai,tiêu dùng cuối cùng:

- Tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước:

Tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước của kỳ báo cáo theo giá so sánh tính như sau:

Tiêu dùng cuối cùng
của Nhà nước
của kỳ báo cáo
theo giá so sánh

=

Tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước
của kỳ báo cáo theo giá hiện hành

Chỉ số giá tương ứng của nhóm ngành quản lý nhà nước của kỳ báo cáo so với kỳ gốc

- Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư:

+ Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư do chi mua sản phẩm hàng hoá và dịch vụ ở thị trường từ ngân sách hộ dân cư (cá nhân) của kỳ báo cáo theo giá so sánh tính như sau:

Tiêu dùng cuối cùng
của hộ dân cư do chi mua
sản phẩm hàng hoá
và dịch vụ ở thị trường
từ ngân sách hộ dân cư
(cá nhân) của kỳ báo cáo
theo giá so sánh

=

Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư do
chi mua sản phẩm hàng hoá và dịch vụ ở thị trường từ ngân sách hộ dân cư (cá nhân) của kỳ báo cáo theo giá hiện hành

Chỉ số giá tiêu dùng tương ứng theo nhóm hàng của kỳ báo cáo so với kỳ gốc

+ Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư từ sản phẩm vật chất tự túc của kỳ báo cáo theo giá so sánh tính như sau:

Tiêu dùng cuối cùng
của hộ dân cư từ
sản phẩm vật chất tự túc
của kỳ báo cáo
theo giá so sánh

=

Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư
từ sản phẩm vật chất tự túc của kỳ báo cáo theo giá hiện hành

Chỉ số giá tiêu dùng tương ứng theo nhóm hàng của kỳ báo cáo so với kỳ gốc

Ngoài ra, các chỉ tiêu khác cũng được quy định cụ thể trong Thông tư này.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: