Thứ bảy, 20/04/2024

Chỉ mục bài viết

 113. Bác Hồ dạy chúng tôi làm báo

Cách đây hơn sáu thập kỷ, vào mùa Xuân năm 1948 (xuân Mậu Tý), lực lượng Công an nhân dân ngày đó mới chưa đầy ba tuổi. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân đã lập nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân.

Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vẫn là một công tác đặc biệt thường xuyên được coi trọng… để động viên tổ chức toàn dân vượt mọi khó khăn quyết đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đối với lực lượng Công an nhân dân thì công tác chính trị tư tưởng lại càng quan trọng.

Nhận thức sâu sắc điều đó, Sở Công an Khu 12 một mặt ra sức tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, mặt khác coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Chấn chỉnh tờ nội san, cơ quan tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn công tác của lực lượng. Sở Công an Khu 12 lúc bấy giờ hoạt động trên một địa bàn tương đối rộng gồm sáu tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Ninh. Cũng mùa Xuân năm đó, nội san Bạn Dân ra số "Xuân" với nội dung, hình thức được cải tiến một bước đáng kể và được in bằng máy. Sau khi nhận được số báo mới in xong, mọi người đều hăng hái nhiệt tình góp sức để phát hành nhanh chóng, mong sao báo đến tay bạn đọc đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Một buổi tối giáp Tết năm ấy, mọi người quây quần trong phòng họp của Sở, kể cho nhau nghe về những chiến công của quân và dân ta trên chiến trường Việt Bắc, những lần được gặp Bác Hồ tại các cuộc hội nghị, những lớp học hoặc những lần được bảo vệ Bác. Và cũng trong buổi nói chuyện đầm ấm cuối năm ấy, đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an Khu 12 nghĩ đến việc gửi thư chúc Tết Bác Hồ và kính biếu Người một tờ báo Xuân.

Về kỷ niệm này, đồng chí Hoàng Mai kể lại: Đêm đó, tại phòng làm việc ở núi rừng Việt Bắc, tôi ngồi viết thư chúc Tết Bác Hồ. Nội dung chính là chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu mãi mãi để cùng với Trung ương Đảng, toàn dân đánh thắng hoàn toàn giặc Pháp xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Đồng thời, kính biếu Bác một số báo Tết của Sở Công an Khu 12 và đề nghị Bác cho ý kiến chỉ bảo để tờ báo có thể làm tròn chức năng của mình.

Tôi chọn một phong bì đẹp, có in một nhành hoa Xuân và tìm một tờ báo đẹp nhất đóng gói cẩn thận, ngoài phong bì tự tay viết một dòng chữ “Kính gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!” rồi đưa giao liên của Sở gửi theo đường nhanh nhất. Mặc dù với niềm hy vọng thiết tha rằng Bác sẽ đọc và sẽ trả lời, nhưng rồi vẫn lo Bác bận trăm công nghìn việc quan trọng của cách mạng, của đất nước, không biết Bác có thời gian đọc và trả lời không... Nhưng một điều rất bất ngờ đã đến! Một buổi sáng mùa Xuân năm Mậu Tý (năm 1948), mưa Xuân lất phất đầy trời, cây đào dưới góc sân đang nở rộ như cùng vui Xuân với những người chiến sĩ công an. Tôi đang làm việc thì đồng chí giao liên đưa đến một phong bì đề chính tên tôi. Cầm phong bì, nhìn nét chữ đề ngoài phong bì mà linh tính như mách bảo, có thể là thư của Bác. Tôi hồi hộp bóc thư. Nhìn tiêu đề của bức thư và con dấu, chữ ký… đúng là thư của Bác rồi. Tôi mừng quá, đọc một lượt nhanh rồi đọc lại một lần nữa, lần nữa…

Ngày 11 tháng 3 năm 1948

Gửi: Đồng chí Hoàng Mai.

Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng báo theo cháu nói từ 24 đến 32 trang thì dài quá, cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thiết thực, mọi người đều có thể hiểu và làm được như thế mới có tác dụng giúp thúc đẩy công tác, đẩy mạnh thi đua, trên báo cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách, đạo đức…

Chào thân ái và quyết thắng!

Hồ Chí Minh.

Sau khi nhận được thư Bác, tờ nội san của Công an Khu 12 đã chấn chỉnh lại theo ý kiến chỉ bảo của Bác. Và cũng từ mùa Xuân ấy, Công an Khu 12 cũng như khắp nơi hưởng ứng phong trào học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy. Lời Bác dạy năm xưa cho đến nay đã hơn 65 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Lực lượng Công an nhân dân đã lấy đó làm phương châm, nguyên tắc và là kim chỉ nam cho mọi hành động và công tác hằng ngày.

(Dẫn theo lời kể của đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an Khu 12)

114. Bác Hồ đặt tên cho Thảo

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm chăm lo thế hệ trẻ. Những lời dạy, sự chăm sóc động viên của Người là động lực để lớp lớp thanh niên trưởng thành trong cách mạng. Trong số những chiến sĩ cảnh vệ vinh dự được bảo vệ Bác, có nhiều đồng chí được Người đặt tên như: Đồng chí Phùng Thế Tài, người cận vệ đầu tiên bảo vệ Bác từ Côn Minh (Trung Quốc) trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm đi khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước. Hoặc tám chiến sĩ cảnh vệ: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến- Nhất - Định - Thắng - Lợi bảo vệ Bác trở lại chiến khu Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp… Và trong số các chiến sĩ cảnh vệ được Bác Hồ đặt tên có đồng chí Nguyễn Văn Thảo, chiến sĩ thuộc Đại đội 34, Tiểu đoàn 600 (nay là Trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an).

Trong trang sử vàng của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ghi lại, ngày ấy vào cuối năm 1953, Trung ương Đảng quyết định tổ chức Hội nghị căn cứ địa để đánh giá tình hình kết quả các mặt công tác bảo vệ căn cứ địa. Sau hội nghị, Ban Bảo vệ căn cứ địa đã tổ chức triển khai và thực hiện theo nghị quyết đã đề ra.

Một trong những nội dung cần triển khai ngay là tăng cường lực lượng bảo vệ căn cứ địa; đặc biệt tăng cường lực lượng cho đơn vị bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương. Theo kế hoạch, một số chiến sĩ được bổ sung vào đơn vị bảo vệ Bác Hồ ở Yên Sơn (Tuyên Quang).

Với tình cảm và sự quan tâm, ngay tối hôm vừa mới đến nhận nhiệm vụ, các chiến sĩ cảnh vệ được Bác cho gọi lên hỏi chuyện. Xung quanh bếp lửa hồng, các chiến sĩ cảnh vệ bảo vệ Bác và các đồng chí mới được bổ sung về đơn vị ngồi quây quần bên Bác. Mọi người thấy Bác rất vui và chủ động nói chuyện với mọi người. Bác ân cần hỏi thăm từng người một, không khí thật thân mật và đầm ấm. Đến lượt đồng chí Nguyễn Văn Thểu, chiến sĩ mới được bổ sung tự giới thiệu. Sau khi nghe xong, Bác ngạc nhiên hỏi:

- Sao chú tên là Thểu?

Không giấu nổi xúc động, Thểu lặng người đi và nghẹn ngào kể lại quãng đời niên thiếu của mình.

- Thưa Bác! Ngày ấy khi Đảng chưa giành được chính quyền, nhà cháu nghèo lắm, cha mẹ cháu phải đi cày thuê cuốc mướn cho địa chủ để sinh nhai. Khi sinh cháu, cha mẹ cháu đặt tên cháu là: "Thằng cu Nậy". Biết là tên đó không hay nhưng bố mẹ cháu vẫn cứ đặt vì xung quanh bọn trẻ con nhà nghèo đều đặt tên xấu như vậy. Thế rồi không may cho gia đình cháu, năm 1945 mẹ cháu bị chết đói. Từ đó cha cháu trong cảnh “gà trống nuôi con”. Do quá khó khăn, cơ cực không nuôi nổi các con, cha cháu đã phải bán các em cháu cho địa chủ để làm người ở. Còn cháu vẫn phải lang thang, thất tha thất thểu đầu đường xó chợ làm thuê để kiếm ăn. Và cũng từ đó mọi người quen gọi cháu là: "Thằng Thểu". Thế là cái tên "Thằng cu Nậy" mà cha mẹ cháu đặt cho cháu mất đi từ đấy. Cho đến khi lớn lên, đi bộ đội, vào lực lượng Cảnh vệ cháu vẫn tên là Thểu.

Lặng nghe Thểu kể, Bác và mọi người xúc động. Người nắm tay Thểu động viên:

- Bác cháu ta đi làm cách mạng là để xóa bỏ nếp sống cũ, xây dựng đời sống mới, cháu nên thay tên mới để thể hiện sự thay đổi của đời mình. Nói đến đây, Bác dừng lại nhìn các chiến sĩ của mình một lượt rồi Người nói tiếp:

- Từ nay, Bác đặt tên chú là Thảo, như thế vừa giữ được phụ âm đầu là Th mà vẫn giữ được kỷ niệm của thời thơ ấu, lại có ý nghĩa chú cũng như các chiến sĩ của chúng ta hiếu thảo với nhân dân.

Thểu sung sướng không cầm được nước mắt, quay sang ôm chầm lấy Bác, ấp úng mãi mới nói được thành lời:

- Thưa Bác! Cháu cảm ơn Bác, cháu xin hứa với Bác sẽ cố gắng phấn đấu để xứng đáng với cái tên Bác đặt và với lòng mong mỏi của Bác.

Các chiến sĩ ngồi xung quanh vô cùng xúc động và kính phục Bác, suốt cuộc đời hoạt động của mình, lúc nào Bác cũng nghĩ đến dân đến nước. Bác mong sao cho đất nước được độc lập tự do, nhân dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Vì vậy, khi đặt tên cho chiến sĩ của mình, Bác cũng gắn với dân, gắn với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bác muốn người chiến sĩ ai cũng trung với Đảng, hiếu với dân.

115. Trận bóng chuyền ngày Tết

Là cận vệ của Bác Hồ từ tháng 5-1945 cho đến khi Người qua đời, ông là một trong tám người vinh dự được Bác Hồ đặt tên theo khẩu hiệu: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi.

Ba mươi sáu năm tham gia lực lượng Cảnh vệ, trong đó có 28 năm là lãnh đạo Cục, ông là Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), Bộ Công an.

Khi cung cấp tư liệu để phục vụ công tác biên soạn lịch sử cảnh vệ Công an nhân dân Việt Nam, ông kể lại: Ngày 25-5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên tổng khởi nghĩa giành chínhquyền về tay nhân dân. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn và chăm lo việc ăn nghỉ của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Đăng Ninh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã bổ sung tôi vào tổ cận vệ bảo vệ Người. Và tôi đã vinh dự trở thành cận vệ của Bác Hồ từ thời điểm lịch sử đó.

Hỏi về những kỷ niệm với Bác Hồ kính yêu, ông Hoàng Hữu Kháng kể lại: Tôi vô cùng vinh dự có 24 năm được bảo vệ và phục vụ Bác Hồ, do đó có rất nhiều kỷ niệm về Người. Nhưng có một kỷ niệm gắn với ngày Tết cổ truyền là Xuân Kỷ Sửu (năm 1949), anh em bảo vệ, phục vụ thi đấu bóng chuyền dưới sự điều khiển của Bác và được nhận phần thưởng của Người.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan Trung ương, Chính phủ sơ tán lên chiến khu Việt Bắc. Mặc dù đời sống vật chất lúc đó còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng noi gương Bác, chúng tôi vẫn giữ được tinh thần văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là vào những dịp ngày lễ và đón Xuân.

Hôm ấy, chỉ một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, đồng chí Hồ Tùng Mậu - Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban tổ chức các hoạt động trong dịp Tết của Cơ quan Phủ Chủ tịch đang chủ trì buổi họp bàn về chương trình đón Xuân mới. Đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao, mọi người đang phát biểu rất sôi nổi thì ai đó bỗng reo lên:

- Bác Hồ! Bác Hồ đến các đồng chí ơi!

Không ai bảo ai, mọi người đứng dậy đồng thanh:

- Chúng cháu chào Bác ạ! Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác vẫy chào mọi người, cười hiền hậu:

- Năm nay các cô, các chú đón Tết thế nào, có tổ chức văn nghệ và thi đấu bóng chuyền mừng Xuân mới không?

Sinh thời, Bác Hồ bận trăm công ngàn việc, phải lo toan nhiều việc lớn của đất nước nhưng Người vẫn tranh thủ luyện tập thể dục thể thao để có sức khỏe phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước. Bác còn vận động toàn dân, toàn quân hằng ngày phải thường xuyên rèn luyện thân thể để giữ gìn sức khỏe.

Trước câu hỏi của Bác, đồng chí Hồ Tùng Mậu đứng lên lễ phép:

- Thưa Bác! Năm nay cơ quan đón Tết rất vui, có tổ chức cả văn nghệ và thi đấu bóng chuyền "cổ truyền" đấy ạ.

Bác nhìn mọi người vui vẻ cười:

- Hôm thi đấu, các cô, các chú nhớ gọi Bác sang xem nhé.

Mọi người phấn khởi đáp lời Bác, không khí càng thêm nhộn nhịp.

Sáng mùng 2 Tết, mặt trời vừa ló lên khỏi dãy núi phía trước mặt, xua tan màn sương mờ trắng đục, đem lại cho núi rừng Việt Bắc không khí ấm áp của ngày Xuân.

Tại sân bóng chuyền nằm trên một quả đồi, đội bóng chuyền Tổ bảo vệ do tôi làm Đội trưởng và đội bóng chuyền Tổ phục vụ do đồng chí Chánh làm đội trưởng đã sẵn sàng vào trận. Dưới sự điều khiển của Bác, những gương mặt cầu thủ tươi rói đang chờ lệnh. Bác thổi "tuýt..." một hồi còi rồi vui vẻ tuyên bố:

- Bác làm "trọng tài chính" cho hai đội thi đấu mừng Xuân, các chú tích cực đua tài. Đội nào thắng sẽ được phần thưởng của Bác. Hai đội nhất trí không? Tất cả các vận động viên và cổ động viên hai đội đều reo hò sung sướng. Những tràng pháo tay kéo dài vang dội cả khu rừng. Cuộc thi đấu diễn ra hào hứng và gay cấn. Cả hai đội đều quyết tâm để giành phần thưởng của Bác kính yêu. Kết cục, đội bóng của Tổ bảo vệ chúng tôi thắng hai séc. Tôi dẫn cả đội khoái chí dàn hàng ngang hân hoan đón chờ phần thưởng của Bác, đội bạn tuy thua nhưng chẳng có gì buồn cả, lại còn kéo nhau đứng nối tiếp theo hàng của đội thắng chúng tôi.

Đồng chí Chánh lại gần, đứng nghiêm trước Bác, nói nhỏ nhưng không giấu được vẻ láu lỉnh:

- Thưa Bác! Đội chúng cháu cũng thắng một séc đấy chứ ạ!

Đồng chí Chánh vừa dứt lời thì một số cổ động viên cũng chạy đến xếp hàng cùng các vận động viên của hai đội phấn chấn:

- Thưa Bác! Chúng cháu cũng nằm trong thành phần đội thắng, vì chúng cháu có công cổ vũ cho đội thắng ạ! Cả bên thắng, bên thua và mọi người xem thi đấu đều cười vang. Không khí thật vui vẻ và đoàn kết. Trước tình thế đó, Bác cũng không nhịn được cười, Người trìu mến nhìn tất cả anh em chúng tôi nói:

- Đúng, các chú nói đúng, các chú đều chiến thắng, chúng ta đều chiến thắng. Năm mới sẽ là năm thắng lợi của quân và dân ta. Bác mở hộp thuốc lá, rồi tự tay chia cho mỗi người một điếu. Đón nhận phần thưởng của Bác, chúng tôi ai nấy đều vui mừng và xúc động. Cuối sân đằng kia, mấy cây đào cũng đang thi nhau khoe sắc như vui cùng chúng tôi.

(Theo lời kể của ông Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Công an)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: