Thứ năm, 18/04/2024

Chỉ mục bài viết

136. 40 cán bộ, chiến sỹ lái máy bay có thành tích chiến đấu được gặp Bác Hồ

Trời Hà Nội hôm đó nhiều mây và hơi lạnh. Gió mùa Đông Bắc đã tràn về. Cầu Long Biên mới bị địch đánh, ta đã sửa chữa xong. Chiếc xe chở các chiến sĩ lái máy bay vừa vượt dốc lên cầu Long Biên, Đồng Văn Đe ngồi ở phía sau, đã lên tiếng:

- Cầu Long Biên đây rồi! - Tạm biệt Hà Nội! Phạm Ngọc Lan ngoái nhìn ra ngoài, thốt lên một câu như vậy, khiến cả xe xôn xao, mỗi người nói một câu chẳng đâu vào đâu cả...

- Nếu tình hình không gấp, tối nay mình được về Trường Y một tý thì thú biết mấy!

- Lại định về khoe với cô em: "Anh được lên gặp Bác Hồ chứ gì?".

- Này, các cậu nhớ những quả chuối hôm nay Bác cho chúng mình ăn là do tay Bác trồng đấy!

- Cậu hỏi ai mà biết nhanh vậy? Cả xe cười vang lên vui vẻ, chiếc xe chồm lên cầu, lắc lư như xay lúa. Đồng Văn Đe nhìn ra khoảng tối mênh mông của dòng sông Hồng. Anh hiểu tâm trạng của các bạn trong lúc này, họ cũng như anh vừa trải qua những phút xao động khác thường. Chắc ai cũng ghi nhớ suốt cuộc đời về buổi tối mùa đông giữa ngày chiến tranh này, các anh được lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ kính yêu...

Một buổi gặp trong một buổi tối ngắn ngủi, nhưng thật đầm ấm. Thời gian, khung cảnh và những lời Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của Đảng, của cả dân tộc nói với các anh; tình cảm của các anh đối với Bác, giống hệt một buổi họp mặt của người cha với đàn con, có những người chiến sĩ đã về thăm cha mẹ và lại ra đi như các anh...

Hà Nội đang chiến đấu. Mấy ngày nay, lúc nào các anh cũng nghĩ, cũng nói toàn chuyện chiến đấu với địch. Bỗng tối nay các anh được gặp Bác. Đồng chí Chính ủy Đặng Tính, nói: "Không quân gần đây có nhiều tiến bộ, được Bác khen và muốn gặp một số chiến sĩ có thành tích. Các đồng chí đại diện cho binh chủng Không quân lên gặp Bác ở Phủ Chủ tịch là một vinh dự lớn cho cả Quân chủng Phòng không - Không quân".

Nhớ lại lúc từ sân bay về Hà Nội, Đồng Văn Đe cố mường tượng ra quang cảnh sắp đến, ở Phủ Chủ tịch, anh sẽ nói gì với Bác? Nghe tiếng nói của anh, chắc Người sẽ nhận ra là con em miền Nam Thành đồng. Sự tưởng tượng phong phú đến đâu cũng hết sức hạn chế. Nay trở lại sân bay, Đe cũng tự cười mình. Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của cả nước, của toàn Đảng, của cả Đồng Văn Đe, mà trong mấy chục năm nay anh vẫn tưởng như được sống bên Bác. Vậy mà khi bước vào Phủ Chủ tịch, Đe lại có cảm giác lần đầu tiên mới được nhìn thấy Bác. Lúc ấy, cả Đe cùng 40 anh em đều muốn chạy ùa lại vây quanh Bác. Nhưng lúc đó, đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài đã cất tiếng hô nghiêm và bước lên, báo cáo với Bác:

- Báo cáo Bác, quân số 42, có mặt đủ ạ! Bác cười! "Chú hô nghiêm, sao không báo cáo theo kiểu quân sự?". Bác vừa nói vừa giơ tay ngang lông mày, chào theo kiểu đi nghiêm. Thế là không khí bỗng sôi nổi hẳn lên, đầm ấm hẳn lên. Bác và mọi người cùng cười vui vẻ, ngay từ phút đầu. Đe cảm thấy như mình vẫn từng ngày, từng giờ được sống bên Bác. Bác bảo mọi người ngồi xuống, rồi Bác tươi cười hỏi?

- Thế chú nào bắn rơi 4 tàu bay Mỹ trở lên? Đồng chí Chính ủy Đặng Tính đứng dậy, báo cáo:

- Thưa Bác, đồng chí Bảy, đồng chí Mẫn, đồng chí Trung ạ!

- Chú Bảy, chú Mẫn, chú Trung đâu, giơ tay lên Bác xem? Ba anh cùng đứng dậy, sung sướng hướng lên phía Bác. Bác âu yếm nhìn ba chiến sĩ. Khi ấy vì chăm chú ngắm nhìn Bác và quá xúc động trước đôi mắt hiền từ, âu yếm của Bác, nên khi Bác hỏi "chú nào bắn rơi 2 máy bay?" (có người giật áo Đe), mãi anh mới giơ tay lên cùng với số đông anh em trong đoàn. Anh mải tập trung sự chú ý để thuộc ngay những lời Bác nói: "Các chú đánh khá nhưng đừng thấy Bác khen mà mũi to ra". Mọi người đều cười vui. Tiếng cười làm cho không khí càng ấm cúng, thoải mái hơn.

Khi nói, Bác là người cha hiền từ, ai chưa được một lần ở bên Bác, làm sao hiểu điều đó! Từ bé, Đồng Văn Đe đã được học tập cách nói, cách viết, dáng đi của Người. Giờ đây khi nghe Bác nói, từng lời của Bác càng làm cho Đe sửng sốt: "Đánh giỏi nhưng chớ chủ quan, tự mãn như người ăn quá no rồi khó mà ăn thêm được nữa!"... Bác cho toàn thể anh em chụp ảnh kỷ niệm. Bác, cháu ngồi ngay trên nền nhà rải thảm. Bác cho các cháu của Người ăn trái cây, ăn kẹo, ăn chuối, nghe đồng chí Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo. Trong số phi công được cử lên gặp Bác, còn vắng mặt đồng chí Nguyễn Văn Cốc! Đe ngồi bên cạnh anh Trần Hanh, nghe anh nói nhỏ: "Lần này gặp anh em ta, Bác vui hơn trước nhiều". Anh Hanh so sánh thế rồi lý giải luôn: "Lần trước cách đây 8 tháng, các chiến sĩ Không quân được lên gặp Bác, kể cả đồng chí Phó Chính ủy Nguyễn Xuân Mậu mới có bảy người. Lần này đông lên gấp bảy lần và số đông bắn rơi từ hai đến ba máy bay Mỹ trở lên cũng nhiều hơn, nên Bác vui hơn...".

Qua cầu Gia Lâm, chiếc xe chở các phi công của Đoàn Không quân Yên Thế 923 vượt lên bóp còi như chào tạm biệt Hà Nội. Sân bay Gia Lâm đây rồi. Tạm biệt, ngày mai ta lại gặp nhau trên bầu trời Hà Nội. Một đoàn xe xích bật đèn sáng trưng kéo pháo chạy ầm ầm. Có tiếng hỏi to sau lưng Đe.

- Hôm mồng 4 nó đánh chỗ này đấy hả?

- Không, nó ném bom Yên Viên cơ! Rồi chỗ này cũng sẽ bị nó đánh! Những tốp máy bay địch bị ta chặn kích hôm mồng 5, có 18 chiếc nó định ném bom vào đây cũng nên? Xe qua cầu Đuống, rẽ trái, ngoặt sang đường số 3. Đe có cảm giác sân bay đã ở trước mặt. Ngày mai anh chưa đến phiên trực Đoàn trưởng Đoàn Yên Thế đã nhắc Đe có kỷ luật bay tốt, nhưng đánh chưa giỏi. Sắp tới, anh cần áp dụng giữa học và hành tốt hơn nữa. Gió Bắc thổi ào ào trên mui xe. Chợt Đồng Văn Đe nhớ đến lá thư trong túi ngực, mải vui đã quên mất. Đe suy nghĩ giờ này ba anh đang ở đâu? Mỗi lần nghĩ đến người cha, một cán bộ cao cấp của Quân giải phóng miền Nam, nghĩ tới những người thân yêu và quê hương, Đe lại muốn được về ngay trong ấy để giáp mặt với những tên lính Mỹ bằng súng AK và lựu đạn. Hoặc đánh Mỹ bằng chiếc MIC-21 của mình như Chính ủy quân chủng đã khuyên nhủ anh như vậy...

(Theo đồng chí Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, trích trong "Bác Hồ với bộ đội Phòng không - Không quân")

137. Tình thương của Bác với các chiến sỹ

Mùa hè năm 1967, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá Hà Nội, Bộ Chính trị đề nghị Bác Hồ tạm thời rời thành phố Hà Nội, nhưng Người không đồng ý. Bác nói: "Tôi ở lại Thủ đô cùng với đồng bào và chiến sĩ!"...

Tháng 5-1967, địch đánh phá vào nhiều mục tiêu ngay trong nội thành Hà Nội. Quân và dân Hà Nội trải qua những ngày chiến đấu ác liệt và căng thẳng. Vậy mà Bác vẫn sống và làm việc ở ngôi nhà sàn của Người. Tất nhiên vào thời điểm đó, cơ quan chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được để bảo đảm an toàn cho Bác. Hàng ngày, để nắm vững tình hình chiến đấu phòng không, Bác thường xuyên gọi điện đến Cục Tác chiến và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.

Ngoài bản đồ theo dõi tác chiến ở chiến trường miền Nam, Bác còn cho làm thêm bản đồ theo dõi hoạt động của máy bay Mỹ trên miền Bắc. Lúc đó, Hà Nội báo động phòng không rất nhiều, cả ngày lẫn đêm. Việc đó đã gây phiền cho Bác. Vì thận trọng, chúng tôi đã nhiều lần mời Bác xuống hầm quá sớm. Bác có ý không hài lòng. Bác Hồ vẫn nán lại làm việc cho xong một việc gì đó, vì Bác rất quý thời gian. Bác không chịu xuống hầm khi máy bay của địch còn ở xa. Bác gợi ý nên làm một cái kẻng báo động phòng không, cho cả cơ quan và Bác. Bác chấp hành theo kẻng báo động rất nghiêm. Từ ngày có chiếc kẻng, chúng tôi phải nắm tình hình địch chính xác hơn, kẻng là lệnh, không thể thiếu chính xác được!

Những trận chiến đấu xuất sắc của quân và dân Thủ đô những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5-1967 là những chiến công mừng thọ Bác 77 tuổi. Mỗi khi nghe tôi báo cáo và Bác xem báo, nghe đài biết được những chiến công đó, Bác Hồ đã gửi tặng lẵng hoa cho bộ đội phòng không - không quân và gửi thư khen quân và dân Hà Nội. Bác theo dõi rất chặt chẽ những bước leo thang của Không quân Mỹ. Bác thường hỏi tôi cặn kẽ về tình hình Hà Nội, Hải Phòng: "Các cụ già, em nhỏ đã sơ tán ra sao? Bộ đội ăn ở thế nào? Sinh hoạt trong điều kiện chiến đấu liên tục, ác liệt hiện nay ra sao? Có đủ nước uống không? Ngày đêm trên mâm pháo, trên ca bin tên lửa thì tắm vào lúc nào? Một đêm ngủ được mấy giờ?"...

Mỗi lúc nhắc đến người dân, đến bộ đội đang phải sản xuất và chiến đấu dưới bom đạn giặc, giọng nói và ánh mắt của Bác thường biểu lộ sự quan tâm sâu sắc. Những câu hỏi của Bác hướng cho chúng tôi nhiều mặt của cuộc chiến đấu đang diễn ra hằng ngày. Chúng tôi phải đi nhiều địa phương, đơn vị để nắm tình hình, hỏi đi hỏi lại để có số liệu chính xác báo cáo với Bác, một câu hỏi mà bao giờ cũng phải trả lời nghiêm túc, chính xác. Mùa hè năm ấy trời rất nóng. Bác không quen dùng quạt điện. Dù trời nóng thế nào, Bác chỉ dùng quạt giấy hoặc chiếc quạt bằng tàu lá cọ, tự quạt cho mình. Nhiều lần tôi nhìn thấy lưng áo Bác ướt đẫm mồ hôi. Bác mải mê làm việc hoặc đang suy nghĩ điều gì, nhiều lúc quên cả quạt. Tôi đề nghị Bác dùng quạt điện và máy điều hòa, nhưng Bác gạt đi ngay. Tôi chưa hề thấy Bác phàn nàn về sự oi ả của mùa hè mà chúng tôi và Bác đang phải chịu đựng. Nếu có nhắc đến trời nắng, trời nóng, Bác lại nhắc đến chiến sĩ ở ngoài trận địa.

Một ngày đầu tháng 7, Bác gọi tôi đến và nói:

- Trời nắng quá, Bác định lên thăm các chú bộ đội trực chiến ở trên sân thượng Hội trường Ba Đình. Nhưng Bác già rồi, sợ leo không nổi, chú còn khỏe, chú lên thăm xem các chú ấy có đủ nước uống không? Nắng thế này làm sao đảm bảo sức khỏe để đánh giặc?

Sau này tôi mới biết, nhiều buổi trưa trời nắng, Bác không nghỉ, cứ đi đi lại lại mãi và nhìn lên sân thượng Hội trường Ba Đình. Sau nhiều lần lượng sức mình không thể leo lên sân thượng thăm các chiến sĩ, Bác mới gọi tôi nói như vậy. Tôi lên sân thượng Hội trường Ba Đình ngay trưa hôm ấy. Mặt bê tông nóng hầm hập. Ngoài tấm bạt che mưa, che nắng, các chiến sĩ Khẩu đội súng máy phòng không 14,5mm không có cách gì làm giảm bớt cái nắng như thiêu, như đốt. Thoáng nhìn những gương mặt trẻ trung da sạm nắng, tôi hiểu tất cả. Tuy nhiên, tôi vẫn hỏi thăm anh em bằng tất cả những câu hỏi mà Bác đặt ra cho tôi. Tôi đi một vòng quanh công sự nhỏ đắp bằng những bao cát sơ sài, tấm bạt che mưa bị gió, mưa làm rách. Anh em nói nước uống ở đây không thiếu, nhưng mọi người vẫn uống dè xẻn vì ở trên cao ngại đi lấy, vả lại càng uống nhiều, càng đổ mồ hôi...

Trước khi ra về, tôi mới nói với các chiến sĩ biết tôi là ai, từ đâu đến thăm: Bác Hồ cử tôi lên đây các đồng chí ạ! Bây giờ Cụ đang đứng ở dưới kia trông lên đấy! Tôi nói mấy lời đơn giản ấy với bao xôn xang. Bác đã để tâm đến ụ súng máy này từ bao giờ? Còn bao người nhìn thấy nó mà không hề bận tâm vì nó chút nào.

- Bác, Bác hỏi đến chúng tôi ư?

Các chiến sĩ họ hỏi tôi.

- Bác Hồ có khỏe không? Tại sao Bác không đi sơ tán? Nhìn những gương mặt chiến sĩ bừng sáng say sưa kể chuyện, tôi tìm cách rút lui:

- Bác đang đợi mang tin về. Chào các đồng chí nhé! Vừa thấy tôi trở về, Bác nhắc ngay: Chú phải nói đúng những điều mà chú thấy! Tôi báo cáo với Bác những điều tai nghe mắt thấy ở Khẩu đội súng máy Phòng không trên sân thượng Hội trường Ba Đình. Bác yên lặng ngồi nghe tôi nói, Bác lại hỏi:

- Các chú ấy uống nước đun sôi à?

Tôi thưa: - Đúng là như vậy. Đôi khi anh em còn rang gạo hoặc lấy cơm cháy để nấu nước vừa có mùi thơm, vừa dễ uống. Ngồi im lặng một lúc, Bác nói:

- Chú xem lại sổ tiết kiệm của tôi, còn bao nhiêu, chú rút ra chuyển số tiền ấy sang Bộ Quốc phòng nói rằng Bác tặng số tiền đó cho các chú bộ đội phòng không Hà Nội để có thêm nước giải khát trong những ngày nắng nóng! Đồng thời, Bác gọi điện thoại sang Bộ Tổng tham mưu cho đồng chí Tổng tham mưu trưởng, sao các chú để công sự của đơn vị pháo ở trên nóc Hội trường Ba Đình sơ sài, cần cho sửa ngay.

Ngày 11-7-1967, đồng chí Lê Hữu Lập, cán bộ hành chính trong bộ phận giúp việc của Bác đã ra Ngân hàng Hoàn Kiếm, rút toàn bộ số tiền tiết kiệm của Bác, được 25.000 đồng (tương đương với 25 lạng vàng lúc đó). Số tiền được chuyển sang Bộ Quốc phòng để Tổng cục Hậu cần mua nước giải khát cho bộ đội phòng không Hà Nội, như Bác đã chỉ thị. Ít lâu sau, chúng tôi nhận được thư của Đại tá Đặng Tính, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân gửi lên Bác Hồ. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân chủng, anh Tính đã cảm ơn Bác. Trong thư, anh báo cáo: Quân chủng đã lập được chiến công mới, bắn rơi 6 chiếc máy bay Mỹ để mừng thọ Bác!

Vào những ngày hè nóng bỏng cùng tháng ấy, tôi thường hồi hộp theo dõi từng trận đánh trả máy bay Mỹ của quân và dân ta, báo cáo kịp thời những thành tích, chiến công mới của chúng ta vừa giành được. Tôi luôn luôn nhớ đến câu nói của Bác: "Các chú cứ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ là Bác khỏe, Bác vui!".

(Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác Hồ, trích trong "Bác Hồ với bộ đội Phòng không - Không quân")

138. Người mẹ bên bàn thờ Bác Hồ

Sau ngày Bác Hồ qua đời, tháng 12/1969, cán bộ nhân dân Rạch Dược, ấp 7B, xã Hiệp Tùng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, người góp công, người góp vật liệu xây dựng phủ thờ Bác Hồ để tưởng nhớ và tỏ lòng tôn kính đối với Người. Phủ thờ Bác Hồ được xây dựng giữa một làng rừng, bằng cây gỗ của địa phương.

Hàng ngày, cán bộ và nhân dân trong vùng căn cứ cách mạng này tới lui thăm viếng, chăm nom và nhang khói cho phủ thờ. Chiến tranh ác liệt, bà con nhân dân Rạch Dược vẫn quyết tâm bảo vệ phủ thờ. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, đứng giữa mưa nắng, đạn bom của chiến tranh, phủ thờ Bác Hồ cũng dần dần xuống cấp, hư hao. Từ năm 1976, mẹ Trần Thị Bái, lúc đó đang là cán bộ của Hội Phụ nữ xã Hiệp Tùng (tên cũ là xã Quách Văn Phẩm B, huyện Duyên Hải, tỉnh Cà Mau), đã lãnh trách nhiệm nhận tấm ảnh Bác và bộ lư hương ở phủ thờ về nhà thờ cúng Bác cho tới ngày hôm nay. Mẹ Trần Thị Bái nhớ lại:

- Lúc ấy nhà rất nghèo, đến nỗi không sắm nổi cái tủ thờ, buộc lòng mẹ phải cắm bốn cái cây trong nhà và để tấm ván lên làm bàn thờ Bác Hồ. Gần ba mươi năm, ngày nào mẹ Trần Thị Bái cũng cúng cơm nước, hương khói cho vong linh Bác Hồ một cách đều đặn. Những ngày sinh nhật Bác 19-5, ngày Bác từ trần 02-9, mẹ làm mâm cơm cúng trang trọng, tôn nghiêm như ngày giỗ ông bà ruột thịt của mình. Mẹ thường nói với mọi người:

- Trong lòng tôi chỉ có Bác Hồ là hơn hết. Bác đã đưa gia đình tôi và cả dân tộc Việt Nam ra khỏi cảnh bị áp bức, bóc lột, lầm than. Vì vậy, lúc nào tôi cũng tôn thờ Người, cầu nguyện cho anh linh của Người. Làm được điều đó, lòng tôi thanh thản vô cùng. Mẹ Trần Thị Bái sinh ra từ một gia đình nông dân ở tỉnh Hà Nam. Năm cô bé Bái được 8 tuổi, gia đình nghèo khó quá, cha mẹ phải dứt ruột cho bé đi làm con nuôi ở thành phố Sài Gòn, một phương trời xa lạ. Cuộc đời của mẹ đã lớn lên trong cảnh khổ đau và đầy nước mắt.

Năm 16 tuổi, Trần Thị Bái xin cha nuôi cho mình tham gia hoạt động cách mạng, khi đó tham gia tổ chức Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ ở Khu 7, Khu 8, Khu 9… Từ Sài Gòn, đường hoạt động của mẹ chuyển dịch vô Đồng bằng sông Cửu Long rồi gắn bó trọn đời mình với vùng đất của cực Nam Tổ quốc. Đến cuối đời, mẹ Trần Thị Bái mong muốn chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cho phép xây dựng một phủ thờ ở địa phương để bà con nhân dân trong vùng đến thăm viếng, chăm nom bàn thờ Bác. Trần Thị Bái, một người có cuộc sống thật đẹp. Kể về mẹ, chúng tôi muốn ghi lại rằng rừng xanh U Minh có một hình bóng chiến sĩ cách mạng, một công dân thương yêu, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh thật cảm động. Người ta trong phong tục dân gian lo hậu sự cha mẹ ông bà, cúng cơm hàng ngày một năm, còn mẹ Trần Thị Bái vượt qua thông lệ đó, cúng cơm, hương khói cho vong linh Bác Hồ hàng ngày mấy chục năm trời. Một tấm lòng yêu thương Bác vô vàn.

(Theo Đình Đằng - Trung Thực, trích trong "Miền Tây Nam bộ nhớ mãi Bác Hồ")

Tâm Trang (tổng hợp)

 

Bài viết khác: