Thứ sáu, 29/03/2024

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và quan tâm đặc biệt. Với Bác, trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước. Bác nói: “cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Đặt niềm tin và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trẻ em là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc: “Bác mong các cháu chăm ngoan. Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng. Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”, Bác còn thường xuyên quan tâm nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành, đoàn thể. Trong Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Qua các bài nói, bài viết và bằng những việc làm cụ thể, Người đã đặt nền tảng tư tưởng và nêu tấm gương sáng về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ươm “mầm xanh tương lai” của đất nước.

uom mam

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở Phủ Chủ tịch.

Không chỉ dành tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, Người còn kêu gọi các cháu tham gia cùng dân tộc chống giặc ngoại xâm. Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” Bác đã thể hiện tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ em nước nhà khi đất nước có xâm lăng phải sống trong cảnh “bạo tàn” của giặc Nhật, giặc Tây. Bácviết: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan”. Hình ảnh “như búp trên cành” đó chính là mầm non của quê hương, đất nước phải được nuôi dưỡng và học hành đến nơi đến chốn, nhưng vì “Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”. Do nước nhà bị ách cai trị của thực dân nên các “búp trên cành” cũng phải “Làm tôi tớ người ta bên ngoài”. Từ nỗi đau, xót xa ấy, Bác đã vận động, giáo dục, giác ngộ các cháu phải hành động: Vậy nên trẻ em nước ta/Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay. Đây không chỉ thể tình cảm của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng mà còn kêu gọi các em đoàn cùng toàn dân tộc đánh giặc ngoại xâm. Tinh thần ấy cần phải được xây dựng từ thế hệ “búp măng non” và đó là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng. Tình cảm của Bác Hồ đối với “mầm xanh” của dân tộc có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên, nhi đồng cả nước, không chỉ thôi thúc các em cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà mà còn có sức sống mãnh liệt đến hôm nay.

Trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư hàng đầu cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em.

Sự quan tâm đó, thể hiện rõ nét nhất vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Ngày này hằng năm là cơ hội để cả cộng đồng, toàn xã hội đẩy mạnh, quan tâm thích đáng hơn đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vì sự phát triển và bình đẳng cho trẻ em. Bên cạnh tổ chức các hoạt động thường niên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển của đất nước còn thường xuyên thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khuyến khích, vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân quan tâm ủng hộ các chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng các công trình dành cho trẻ em.

Tuy vậy, thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với con trẻ, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến  thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu. Một số địa phương chưa khơi dậy và phát huy hết các nguồn lực, vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học, cộng đồng cơ sở đối với bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác truyền thông vận động để mọi người dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa rộng khắp đến vùng núi, sâu, xa. Việc quản lý  trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt thiếu chặt chẽ, việc phát hiện, can thiệp sớm các đối tượng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại chưa kịp thời, để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội.

Để công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em thực sự đạt hiệu quả cao, đúng với ý nghĩa ươm những “mầm xanh tương lai” của đất nước, cần sự góp sức, chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Đồng thời, tập trung giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống của trẻ em, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, bạo lực; trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị suy dinh dưỡng; góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tương lai của đất nước có thể chất, sức khỏe, trí tuệ, phẩm chất đạo đức nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Tương lai của đất nước có phồn thịnh hay không là nhờ vào thế hệ ấy. Vì vậy, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 nói riêng, tháng hành động vì trẻ em nói chung là thời gian để mỗi gia đình và toàn xã hội nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm mình về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cùng với mục tiêu thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và chăm sóc trẻ em; khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em có điều kiện vươn lên trong học tập, được hỗ trợ kinh phí chữa trị các bệnh hiểm nghèo, tham gia các hoạt động xã hội, còn cần tạo điều kiện cho trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được phát triển bình đẳng trong môi trường an toàn và thân thiện. Trong tháng hành động vì trẻ em hàng năm cần đẩy mạnh hơn nữa các phong trào, tổ chức chiếu phim miễn phí cho trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho các em được vui chơi, giải trí trong dịp hè, tổ chức cho các em vùng sâu vùng xa tham quan, được về Thủ đô vào Lăng viếng Bác, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thiết thực, trợ giúp trẻ em: Tổ chức phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ bị tim bẩm sinh; cấp học bổng, tặng quà dịp lễ Tết…  

Để công tác bảo vệ trẻ em thực sự đạt hiệu quả cao, đúng với ý nghĩa ươm “mầm xanh tương lai” của đất nước cần: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội, tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút các tổ chức nhân đạo, từ thiện… tham gia các hoạt động trợ giúp chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật… và hãy “Lắng nghe trẻ em nói”!

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, dù trong điều kiện nào, Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư ngày càng tăng cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tháng hành động vì trẻ em, các cấp ủy đảng, mỗi tổ chức, mỗi người, cả cộng đồng bằng việc làm cụ thể, thiết thực, hãy chung tay, góp sức phấn đấu thực hiện “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, tạo mọi điều kiện để trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn không bạo lực, không bị xâm hại, nhằm tạo ra thế hệ tương lai của đất nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo http://www.xaydungdang.org.vn

Kim Chi (st)

Bài viết khác: