Thứ hai, 09/12/2024

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại; đời sống của nông dân và cư dân nông thôn liên tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng liên tục trong nhiều năm qua. Đó là thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong tiến trình đổi mới tư duy về phát triển kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.

phat trien nong thon 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan triển lãm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngày 12-10-2024 _Ảnh: TTXVN.

Trong giai đoạn từ cuối những năm 70 đến đổi mới (Đại hội VI, năm 1986), tình hình kinh tế - xã hội nước ta hết sức khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề từ hậu quả chiến tranh cùng với tác động tiêu cực của bao vây, cấm vận. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nông nghiệp. Tuy vậy, nhược điểm của mô hình phát triển lúc đó về căn bản chưa được khắc phục, đồng thời chúng ta vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế, cộng với việc đất nước ta phải thường xuyên đối phó với hành động bao vây, cấm vận kinh tế, biến động bất lợi trên thị trường thế giới, gây cho chúng ta không ít khó khăn. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng diễn ra phổ biến, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; xuất khẩu không bù đắp được nhập khẩu; thị trường, giá cả diễn biến phức tạp, tỷ lệ lạm phát lên đến 700% vào năm 1986.

Mặc dù vậy, đất nước ta cũng đứng trước thời cơ, thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế to lớn. Đó là, hàng triệu héc-ta đất nông nghiệp có thể khai hoang và đưa vào sản xuất; là khả năng tăng vụ và thâm canh, tăng năng suất cây trồng; hàng triệu héc-ta đất rừng chưa được khai thác hiệu quả, bền vững. Đó là, lực lượng lao động chưa được huy động hết, là đội ngũ công nhân có nghề, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đông đảo chưa được sử dụng hợp lý để đẩy mạnh hoạt động kinh tế, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, mở mang ngành, nghề, làm hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, xây dựng từng bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13-10-1981, của Ban Bí thư, “Về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (còn gọi là khoán 100) là bước đột phá đầu tiên trong tiến trình đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chỉ thị này tạo động lực giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, làm thay đổi hình thức khoán và cho phép xã viên tự chủ trong khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và người nông dân được làm chủ sản lượng vượt khoán. Sản lượng lương thực tăng nhanh, nếu năm 1980 chỉ đạt 11,64 triệu tấn thì đến năm 1985 là 18,2 triệu tấn.

Giai đoạn 1986 - 1990: Đột phá về tư duy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt, sử dụng lãng phí, nhất là đất nông nghiệp và tài nguyên rừng. Lưu thông không thông suốt, phân phối rối ren, vật giá tăng nhanh, tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống và xã hội. Một số mất cân đối lớn trong nền kinh tế giữa cung và cầu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, năng lượng, nguyên liệu, vận tải..., giữa thu và chi, xuất khẩu và nhập khẩu,... chậm được thu hẹp, có mặt còn gay gắt hơn trước. Đời sống của nhân dân, nhất là công nhân, viên chức còn nhiều khó khăn. Nhiều người lao động thất nghiệp và thiếu việc làm. Nhiều nhu cầu tối thiểu của nhân dân về đời sống vật chất và tinh thần chưa được bảo đảm; thiếu hàng tiêu dùng thông thường và thuốc men; nhà ở, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt văn hóa ở nhiều nơi còn thiếu thốn, nghèo nàn.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã đánh giá đúng thành tích đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc sai lầm và khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân, nêu ra biện pháp khắc phục, xác định nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988, “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Nghị quyết đưa ra tư duy đổi mới với các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, nhằm khắc phục một số sai lầm trong cách tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp trước đó, nhằm:  Đáp ứng yêu cầu giải phóng sức sản xuất; gắn sắp xếp, tổ chức lại sản xuất với cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp. Phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành; chuyển nền nông nghiệp nước ta còn mang nặng tính chất tự cung, tự cấp ở nhiều vùng sang sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên môn hóa kết hợp kinh doanh tổng hợp phù hợp với đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái; không ngừng mở rộng thị trường nông thôn cho công nghiệp phát triển, gắn nông nghiệp với công nghiệp và giao thông, vận tải thành cơ cấu kinh tế thống nhất. Giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích, nhất là bảo đảm lợi ích chính đáng của người sản xuất, trước hết là đối với người trồng lúa; không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, góp phần tích luỹ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Các giải pháp mang tính đột phá đó mang lại kết quả rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp bắt đầu khởi sắc, bình quân thời kỳ 1986 - 1990, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%; lạm phát phi mã năm 1986 (700%) đã được kiềm chế và giảm mạnh vào năm 1990 (còn 67,5%); chỉ số tăng giá bình quân hằng tháng của thị trường năm 1986 là 20%, năm 1987 - 10%, năm 1988 - 14%, thì năm 1989 là 2,5% và năm 1990 là 4,4%. Tình hình cung, cầu lương thực, thực phẩm có chuyển biến tốt. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, năm 1988 còn phải nhập hơn 45 vạn tấn gạo, chúng ta đã từng bước vươn lên đáp ứng được nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân và cải thiện cán cân xuất, nhập khẩu. Hàng hóa trên thị trường, nhất là hàng tiêu dùng dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi, trong đó nguồn hàng sản xuất trong nước tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng cũng tăng hơn trước và có tiến bộ rõ rệt về mẫu mã, chất lượng. “Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 439 triệu rúp và 384 triệu USD năm 1986, lên 1.019 triệu rúp và 1.170 triệu USD năm 1990”(1). Đã xuất hiện một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung về lương thực, trồng cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; đời sống của nhân dân so với 5 năm trước ổn định hơn và một số mặt được cải thiện. Từ cuối năm 1988 trở đi, vấn đề lương thực xét cân đối chung trên phạm vi cả nước đã được giải quyết tốt hơn. Nhu cầu mặc được đáp ứng khá. Nhà ở của một bộ phận dân cư cả ở thành thị và nông thôn được cải thiện.

Giai đoạn 1991 - 2000: Đổi mới toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp nối quan điểm của Nghị quyết số 10, Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 10-6-1993, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, “Về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn” đã có nhiều quan điểm chỉ đạo mới, đó là giải quyết đồng bộ các yếu tố nông nghiệp và nông thôn trong mối quan hệ mật thiết, tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển thuận lợi, đồng thời tác động tích cực đến xây dựng nông thôn mới. Giải quyết đồng thời vấn đề kinh tế nông nghiệp với các vấn đề chính trị - xã hội nông thôn, khơi dậy mọi tiềm năng, nội lực của khu vực nông thôn. Tiếp đó, Nghị quyết số 07-NQ/HNTW, ngày 30-7-1994, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, “Về phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới”, đưa ra quan điểm chỉ đạo: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu, phải được đặc biệt coi trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mối quan hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp được thực hiện bằng quan hệ trực tiếp và gián tiếp. Gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, xây dựng nông thôn mới. Đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới hệ thống chính trị ở nông thôn... Xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển, đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển.

phat trien nong thon 2
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các nông dân xuất sắc tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024 _Ảnh: TTXVN

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại hội VIII của Đảng tiếp tục chỉ đạo thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” với các yêu cầu đột phá, bao gồm phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp, hình thành các vùng tập trung chuyên canh, có cơ cấu hợp lý về cây trồng, vật nuôi; thực hiện thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa, sinh học hóa...; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, từng bước xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Với quan điểm phát triển mới, sau 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000 và 15 năm đổi mới, tiến trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã gặt hái nhiều thành công rực rỡ. Sản lượng lương thực quy thóc tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước, từ 22,0 triệu tấn năm 1991 tăng lên 35,6 triệu tấn năm 2000, bình quân mỗi năm tăng trên 1,36 triệu tấn. Tốc độ tăng sản lượng lương thực cao hơn tốc độ tăng dân số nên lương thực bình quân đầu người tăng dần qua các năm, từ 327,5kg năm 1990 tăng lên 458,2kg năm 2000. Tổng sản lượng thủy sản từ 890,6 nghìn tấn năm 1990 đã tăng lên đạt 2.148,8 nghìn tấn năm 2000, tốc độ tăng bình quân mỗi năm là 8,4%. Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, trở thành một trong những ngành mũi nhọn để tăng kim ngạch xuất khẩu, mang lại lượng ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Tổng diện tích rừng năm 2000 đạt 10,9 triệu héc-ta, tăng 1,8 triệu héc-ta so với năm 1990, nâng độ che phủ của rừng từ 27,7% năm 1990 lên 33,2% năm 2000; giá trị sản xuất lâm nghiệp từ năm 1991 đến năm 2000 tăng bình quân mỗi năm 1,2%.

Khu vực nông thôn được tập trung đầu tư phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng cơ bản. Giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô và cơ sở vật chất. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được nâng lên. Nước ta đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn về ăn, ở, mặc, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, điện sinh hoạt, học tập, đi lại, giải trí... được đáp ứng ngày càng tốt hơn.

Giai đoạn 2001 - 2010: Khởi đầu tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục phát triển quan điểm của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX nêu quan điểm chỉ đạo: Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái từng vùng; chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu lao động, tạo việc làm thu hút nhiều lao động ở nông thôn. Qua đó, nhằm đổi mới toàn diện kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, Hội nghị Trung ương 5  khóa IX đã ban hành Nghị quyết, “Về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010” với điểm mới là chủ trương tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện, trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội nông thôn nhằm phát huy mọi tiềm năng, nội lực trong nước kết hợp chặt chẽ với sự hỗ trợ quốc tế để xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại, văn minh; đồng thời, khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổng kết 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng... Gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng, miền, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đại hội chỉ đạo: Xây dựng hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng làng, xã, ấp, bản có cuộc sống no ấm, văn minh, sạch đẹp, gắn với việc hình thành khu dân cư đô thị hóa. Phát huy dân chủ, xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội ở nông thôn.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng, ngày 5-8-2008, Hội nghị Trung ương 7  khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, “Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Nghị quyết là sự kết tinh của tư duy đổi mới toàn diện và đồng bộ nhất về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đưa ra 5 nhóm quan điểm mới; nhóm mục tiêu đến các năm 2010 và 2020; và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh: 1- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 2- Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt; 3- Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực để giải phóng và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển.

Với quan điểm đổi mới toàn diện, đồng bộ như vậy, sau 25 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn liên tục phát triển, đạt nhiều thành tựu. Trong 10 năm (2001 - 2010), tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt gần 5,5%/năm. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực. An ninh lương thực quốc gia được bảo đảm tốt; bình quân lương thực đầu người tăng từ 445kg năm 2000 lên hơn 500kg năm 2010. Việt Nam bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu trung bình hơn 4 triệu tấn gạo/năm. Thủy sản phát triển rất nhanh, tỷ trọng tăng cao trong cơ cấu nội ngành, xuất khẩu tăng mạnh. Việc trồng rừng sản xuất được đẩy mạnh với chương trình trồng mới 5 triệu héc-ta; tỷ lệ che phủ năm 2010 đạt trên 38,7%. Xuất khẩu nông sản tiếp tục được mở rộng, một số sản phẩm chiếm thị phần lớn trên bản đồ xuất khẩu thế giới, như thủy sản, gạo, cao-su, cà-phê, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm đồ gỗ... Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt mức kỷ lục 19,15 tỷ USD. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, những nhu cầu thiết yếu của nhân dân được đáp ứng đầy đủ. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư, phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... đã tác động tích cực đến việc sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người hộ nông dân tăng từ 2,7 triệu đồng/người năm 1999 lên gần 10 triệu đồng/người năm 2010.

Giai đoạn 2011 - 2020: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn diện, mọi mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kế thừa và phát huy thành tựu to lớn đã đạt được, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Theo đó, tiếp tục khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ với tổ chức sản xuất, giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; quy hoạch phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển.

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 đạt 2,93%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2020 đạt 341,7 tỷ USD, bình quân đạt 34,17 tỷ USD/năm, tăng trưởng 5,38%/năm, riêng năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới thu hút được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, đạt thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Đến hết năm 2020, có trên 62% xã, 173 huyện đạt chuẩn và 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân phát huy tốt hơn vai trò chủ thể theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phát triển các mô hình sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao; phúc lợi xã hội và đời sống người nông dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng nhanh, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh, bình quân giảm từ 1 - 1,5%/năm, đã về đích trước 10 năm thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo.

phat trien nong thon 3
Đồng bào Tây Nguyên thu hoạch cà phê _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước tiến hành đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ghi nhận những thành tựu to lớn đã đạt được, đó là: Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành, nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, về đích sớm hơn so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, nền nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; lao động nông thôn có xu hướng già hóa; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hóa; ô nhiễm môi trường gia tăng; năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh còn hạn chế.

Trên tinh thần đó, ngày 16-6-2022, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19- NQ/TW, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đưa ra các quan điểm mới, mang tính thời đại với nhiều đột phá, bám sát tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước(2), đó là:

1- Khẳng định mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

2- Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cấp độ cao hơn, phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

3- Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo tinh thần đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

4- Nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

5- Nâng cao yêu cầu về xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn trở thành nơi “đáng sống”. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Đánh giá tổng thể sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, giá trị gia tăng toàn ngành tăng liên tục(3); sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ chỗ thiếu hụt triền miên, cung không đáp ứng cầu, đến nay không chỉ cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực và ổn định kinh tế - xã hội, mà còn phục vụ đắc lực cho xuất khẩu. Nếu năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 486 triệu USD, thì đến năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp của Việt Nam đạt 53,01 tỷ USD, gấp 109 lần so với năm 1986, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD, như cà-phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ,... Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU),... Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên và giữ ổn định ở mức 42,02%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (khoảng 29%). Đến nay, cả nước có 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 283 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới(4). Môi trường nông thôn khang trang, sạch đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại; hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sạch, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thu nhập, đời sống của người dân nông thôn tăng liên tục, nếu năm 1986 thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn đạt khoảng 1.600 đồng/người/tháng(5), thì năm 2023 đạt khoảng 4,17 triệu đồng/người/tháng(6). Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục, nếu năm 1986, tỷ lệ hộ nghèo là trên 50%, thì đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 5,71%(7). Chỉ số phát triển con người tăng liên tục suốt mấy thập niên qua, từ 0,561 năm 1985 đến 0,726 năm 2022, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ(8).

Sự phát triển vượt bậc của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới là minh chứng thực tế sống động về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng ta. Trong công cuộc đổi mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng đã thể hiện lối tư duy sáng tạo, không ngừng đổi mới; kiên định, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường với phương châm: Tập trung giải phóng năng lực sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên./.

---------------------

(1) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng

(2) Hướng tới các mục tiêu: đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

(3) Bình quân khoảng 5,5%/ năm trong giai đoạn 1986 - 2010; giai đoạn 2011 - 2015 đạt trung bình 3,1%. Những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XXI, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp có xu hướng chậm lại, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,7%; giai đoạn 2021-2023 tiếp tục tăng cao, đạt 3,46%

(4) Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tại Hội nghị toàn quốc nông thôn mới, ngày 25-4-2024

(5) Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Những dấu ấn quan trọng về kinh tế - xã hội trong hành trình 75 năm thành lập và phát triển đất nước qua số liệu thống kê, Tạp chí Kinh tế và Dự báo online, ngày 2-9-2020, http://kinhtevadubao.vn/nhung-dau-an-quan-trong-ve-kt-xh-trong-hanh-trinh-75-nam-thanh-lap-va-phat-trien-dat-nuoc-qua-so-lieu-thong-ke-15850.html

(6) Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023

(7) Quyết định số: 134/QĐ-BLĐTBXH, ngày 31-1-2024, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025

(8) UNDP, Báo cáo Phát triển con người (HDR) 2023/24.

NGUYỄN DUY HƯNG

Phó Trưởng ban, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Kinh tế Trung ương

Theo Tạp chí Cộng sản

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: