Thứ hai, 06/05/2024

Trong mấy cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng trăm bài thơ viết về những tấm gương hy sinh cao cả của người lính. Tôi không biết chính xác ai là người liệt sĩ đầu tiên của quân đội ta, hy sinh năm nào, ở đâu… nhưng bài thơ đầu tiên viết về liệt sĩ được lưu hành rộng rãi, đó là bài thơ “Viếng bạn” của Hoàng Lộc viết đầu năm 1948, trước bài thơ “Lượm” của Tố Hữu viết cuối năm 1949 và “Khóc Hoài” của Vĩnh Mai, năm 1950.

      Viếng bạn

Hôm qua còn theo anh

Đi ra đường quốc lộ

Hôm nay đã chặt cành

Đắp cho người dưới mộ.

 

Đứa nào bắn anh đó

Súng nào nhắm trúng anh

Khôn thiêng xin chỉ mặt

Gọi tên nó ra anh

 

Tên nó là đế quốc

Tên nó là thực dân

Nó là thằng thổ phỉ

Hay là đứa Việt gian

 

Khóc anh không nước mắt

Mà lòng đau như cắt

Gọi anh chửa thành lời

Mà hàm răng dính chặt

 

Ở đây không gỗ ván

Vùi anh trong tấm chăn

Của đồng bào Cửa Ngăn

Tặng tôi ngày phân tán

 

Mai mốt bên cửa rừng

Anh có nghe súng nổ

Là chúng tôi đang cố

Tiêu diệt kẻ thù chung.

Hoàng Lộc

thi u t² ng
Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 viếng đồng đội cũ - liệt sĩ Hoàng Văn Minh ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: HỒNG SƠN

Hoàng Lộc sinh tháng 2-1922 ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Hoàng Lộc vốn là học sinh Trường Bưởi (Hà Nội), sau lên chiến khu gia nhập bộ đội, làm phóng viên của Báo Xông Pha, tờ báo của Vệ quốc quân khu 12 (bộ đội Hà Nội) đóng ở Bắc Giang. Khi Chiến dịch Thu Đông năm 1947 diễn ra, Hoàng Lộc tình nguyện đi mặt trận, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với những người lính chiến. Bài thơ “Viếng bạn” được viết trong dịp đó:                  

 Trong tập bút ký “Chặt gọng kìm đường số 4”, Hoàng Lộc có nói rằng, bài thơ này viết là do đọc đoạn nhật ký “Khóc đồng chí TH. hy sinh ngày 8-1-1948 trong trận Bố Củng” của đồng chí T. Mặc dù điểm xuất phát vậy, nhưng đọc bài thơ, bạn đọc cảm nhận rằng, nhân vật tôi chính là Hoàng Lộc, phóng viên mặt trận, khóc một người đồng đội hy sinh.

Hôm qua còn theo anh

Đi ra đường quốc lộ

Hình như có kỷ niệm riêng của Hoàng Lộc với người liệt sĩ này. Không phải là “cùng anh” mà “theo anh”, nghĩa là người dẫn đường là anh, hoặc anh là người đi chiến đấu, còn tôi chỉ “theo anh” để viết bài. Anh là chính, còn tôi là phụ. Bạn đọc trẻ sinh ra trong hòa bình có thể ít cảm xúc ở câu thứ hai : “Đi ra đường quốc lộ”, coi đó là chuyện bình thường, không có gì đáng nói. Nhưng, ai đã từng trải qua những năm tháng ở rừng, khi lực lượng ta còn yếu, kẻ thù kiểm soát không những ở các thành phố mà cả các con đường, nhất là những con đường quốc lộ. Lính tráng, xe cộ địch tuần tra và việc vượt đường quốc lộ của ta là cực kỳ nguy hiểm. Đường quốc lộ được nhắc đến trong bài thơ này là Quốc lộ 4, chạy dọc biên giới Việt-Trung, từ Lạng Sơn, qua Cao Bằng, đến Quảng Ninh. Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, ta mới giải phóng được quốc lộ này, còn thời điểm tác giả viết bài thơ “Viếng bạn”, quốc lộ do thực dân Pháp kiểm soát. “Đi ra đường quốc lộ”, chỉ chữ “ra” thôi, cũng biết bộ đội chúng ta ở trong rừng.

Hôm nay đã chặt cành

Đắp cho người dưới mộ.

Hai câu này cho thấy rằng, người viếng bạn không phải là đồng chí T., người đã cùng chiến đấu bên cạnh và chứng kiến sự hy sinh của bạn mình. Người đến bên mồ viếng bạn, đã xa bạn một ngày rồi, mang kỷ niệm “ra đường quốc lộ” với bạn. “Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ”. Khi chôn cất liệt sĩ xong, trước khi từ biệt, đồng đội thường chặt những cành cây đắp lên mang ý nghĩa gửi tình cảm của mình ở lại, nhưng trong hoàn cảnh này, tôi tin rằng, khi tác giả đến viếng thì bạn đã yên nghỉ dưới mồ rồi, người viếng có thể đã chặt cành cây đắp thêm lên mồ bạn. Chữ “chặt cành” vừa mang nghĩa cụ thể là chặt cành cây, vừa mang một nghĩa bóng là phải chia lìa, phải dứt một cái gì quý giá. Đứng bên mộ bạn, tác giả muốn biết “đứa nào” đã bắn bạn mình:

Tên nó là đế quốc

Tên nó là thực dân

Nó là thằng thổ phỉ

Hay là đứa Việt gian

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chúng ta có rất nhiều kẻ thù. Ngoài kẻ thù chính là giặc Pháp (Pháp đế quốc, thực dân) còn có bọn Việt gian, những người Việt làm tay sai cho Pháp. Và đặc biệt ở vùng núi phía Bắc, bọn thổ phỉ hoạt động chống phá cách mạng. Lực lượng thổ phỉ này, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc nhiều năm, chúng ta còn phải mất nhiều công sức để tiêu diệt chúng. Chỉ cần đọc khổ thơ này thôi, chúng ta cũng biết được thời điểm bài thơ ra đời là những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.


Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. 
Ảnh: Khôi Nguyên.

Những người lính vĩnh biệt đồng đội, “Khóc anh không nước mắt… Mà hàm răng dính chặt”. Họ nén chịu đau thương, nén chịu sự mất mát, không bao giờ bi lụy. “Biến đau thương thành sức mạnh”, căm thù thì phải tính chuyện trả thù, đó là ý nghĩ thường trực của người lính trong lễ truy điệu hoặc khi đứng viếng bên mồ bạn.

Hy sinh ở chiến trường nhiều liệt sĩ không còn thể xác, mà thân thể họ đã tan biến vào đất trời Tổ quốc. Có khi thể xác còn, nhưng do hoàn cảnh ác liệt của cuộc chiến, đồng đội không thể lấy được thi thể về để chôn cất. Còn phần lớn được chôn cất, nhưng nói chung không có quan tài. Trong bài “Tây Tiến”, Quang Dũng viết: “Áo bào thay chiếu anh về đất…”, nghĩa là thời đó, ở các làng quê nghèo, người dân dùng chiếu bó thi thể người chết trước khi mai táng, còn những người lính thì chỉ có “áo bào”, áo lính mà thôi. Người lính hy sinh trong bài thơ này còn được liệm bằng tấm chăn của người bạn, tấm chăn đó vốn do đồng bào Cửa Ngăn tặng. Cửa Ngăn là đâu? Theo trí nhớ, một lần đọc trên báo tôi đã nghe có người giải thích rằng, Cửa Ngăn là một địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh, nhưng tôi không biết cụ thể nơi nào. Thời chống Pháp, quần áo, chăn màn thiếu thốn vô cùng, hầu hết các gia đình nông dân đều không có chăn, nếu có thì “quý hơn vàng”. Thế mà, vì thương người lính, dân đã tặng tấm chăn đó, và đến lượt mình, người lính đã dùng tấm chăn đó để liệm người liệt sĩ trước khi mai táng. Chỉ chi tiết này thôi cũng nói được tình cảm tốt đẹp của quân-dân và đồng đội.

Mai mốt bên cửa rừng

Anh có nghe súng nổ…

Mồ bạn được chôn cất trong rừng, bạn hãy yên nghỉ, còn chúng tôi sẽ ra cửa rừng, chắc là dọc theo Quốc lộ 4, để tiêu diệt bọn giặc trả thù cho bạn.

“Viếng bạn” của Hoàng Lộc là bài thơ đầu tiên viết về liệt sĩ của quân đội ta. Lời thơ mộc mạc, chân thành, hầu như không có mỹ từ nào, cốt diễn đạt được tình cảm mộc mạc, chân thành của người lính. Có người không rõ tác phẩm của Hoàng Lộc, đã xếp ông là hiện tượng “thơ một bài”, ý nói về thơ, Hoàng Lộc chỉ có bài này mà thôi. Điều đó không chính xác. Trước Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Lộc đã từng viết nhiều thơ, trong đó có bài “Khóc chị” viết năm 1943 được nhiều người nhớ. Đáng kể hơn, ông còn có tập thơ “Lời thông điệp” gồm 20 bài xuất bản ở Hà Nội năm 1946…

Trong cuộc kháng chiến chống pháp, chúng ta có nhiều nhà thơ là liệt sĩ như: Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Thâm Tâm, Hồng Nguyên… Bản thân Hoàng Lộc viết bài thơ này đầu năm 1948 thì đến cuối năm 1949, ông bị cơn sốt ác tính và mất ở Quế Trạo, Vĩnh Yên ở tuổi đời 27. Đồng đội không làm thơ, nhưng nhiều trang nhật ký đầy cảm động về những giờ phút của ông, đó cũng là một hình thức “khóc bạn” của đồng nghiệp và đồng đội?

Vương Trọng
Theo Báo  Quân đội nhân dân
Kim Yến (st)

Bài viết khác: