Thứ sáu, 29/03/2024

Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 11/5/2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và ở các nước có chung đường biên giới với nước ta. Trong nước, dịch đã bùng phát trở lại, đây là đợt bùng phát dịch thứ 4, đợt dịch lần này lan rộng ra nhiều địa bàn, tốc độ lây lan nhanh hơn, kiểm soát khó hơn, ảnh hưởng dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng nhiều hơn.

Theo đánh giá chuyên môn, các chùm ca bệnh đợt dịch này đều liên quan đến 4 nguồn ban đầu là tại Đà Nẵng, Yên Bái, Hải Dương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở II, đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, 2 bệnh viện với 486 ca lây nhiễm được phát hiện. Đến nay đã khoanh vùng, cách ly được cơ bản các ổ dịch này. Trong những ngày tới có thể vẫn xuất hiện các ca dương tính, chúng ta tiếp tục kiên định các biện pháp đã được chỉ đạo thì sẽ kiểm soát được dịch. Để phòng, chống dịch hiệu quả thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu:

- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Điện ngày 27/4/2021, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 540, 541 ngày 23/4/2021, số 570 ngày 2/5/2021 và các Thông báo số 81/TB-VPCP, số 82/TB-VPCP ngày 26/4/2021, số 89/TB-VPCP ngày 1/5/2021. Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ: Lãnh đạo cấp tỉnh chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; kiên quyết không để dịch xâm nhập và lây lan trên diện rộng.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả: Đối với cá nhân là thực hiện 5K, đặc biệt là phải bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; đối với cơ sở, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp,… là tự đánh giá, cập nhật lên hệ thống an toàn COVID, xử lý nghiêm người không đeo khẩu trang, kiên quyết đóng cửa các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp nếu không bảo đảm an toàn.

Áp dụng các biện pháp phòng dịch cơ bản như hạn chế dùng điều hòa, luôn để môi trường sinh hoạt, làm việc, sản xuất kinh doanh thông thoáng đặc biệt đối với nhà máy, xí nghiệp.

 P 49
Ảnh minh họa/Internet

- Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị phương án 30.000 người mắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, giao chỉ tiêu giường bệnh, sinh phẩm, trang thiết bị, oxy, thuốc,… cho từng địa phương để chuẩn bị theo tinh thần 4 tại chỗ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 13 tháng 5 năm 2021.

Chỉ đạo các địa phương khoanh vùng nhanh; lấy mẫu nhanh, xét nghiệm nhanh, công bố kết quả nhanh để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả; chỉ đạo việc nhập sinh phẩm, kỹ thuật xét nghiệm nhanh, hiện đại; đồng thời so sánh, đánh giá, giữa phương pháp xét nghiệm mới với phương pháp Realtime - PCR, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia trước ngày 17 tháng 5 năm 2021.

Chỉ định các Viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật một số địa phương có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các tỉnh, thành phố chưa tự xét nghiệm khẳng định được trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 cũng như các tỉnh chưa có hệ thống xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 phải thực hiện được xét nghiệm khẳng định, chấm dứt tình trạng chuyển mẫu nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 lên các cơ sở ở trung ương để khẳng định.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn kinh phí thực hiện mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm trong điều kiện có dịch; chỉ đạo các địa phương không được để nợ đọng kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế.

- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn nhập cảnh trái phép; thực hiện cách ly an toàn; khi có dịch thực hiện khoanh vùng gọn nhất có thể, trường hợp chưa xác định được thì khoanh vùng rộng hơn đồng thời tìm nguyên nhân để thu hẹp diện khoanh vùng.

- Ngành y tế các cấp cần chủ động tham mưu để chính quyền cùng cấp quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, như việc xem xét dừng các hoạt động, dịch vụ có tập trung đông người trong môi trường kín như quán bar, karaoke, vũ trường, cơ sở massage,…

- Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, tiếp tục phát huy vai trò các Tổ phòng dịch cộng đồng, đẩy mạnh thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép; các trường hợp không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, không chấp hành cách ly khi nhập cảnh, không thực hiện nghiêm theo dõi y tế sau cách ly tập trung.

Rà soát các phương án, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu hơn theo phương châm 4 tại chỗ; khẩn trương thực hiện tiêm hết số vaccine được phân bổ, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ. Lãnh đạo cấp tỉnh phải gương mẫu, đi đầu trong việc tiêm vaccine phòng dịch.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân phòng, chống tội phạm; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, tôn giáo, đoàn thể; huy động người có uy tín trong tôn giáo, trong cộng đồng để vận động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan.

2. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19: Công điện số 628/CĐ-BCĐQG ngày 10/5/2021 về việc khẩn trương thực hiện giãn cách và tăng cường xét nghiệm tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học và tuyến cuối

Công điện nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và đã có nhiều bệnh viện phải phong tỏa. Trong khi đó, bệnh viện là nơi đón nhận người bệnh mà những người nhiễm COVID-19 thường ít hoặc không có triệu chứng. Bởi vậy, nếu bệnh viện để lọt ca nhiễm COVID-19 thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện trường đại học và bệnh viện tuyến cuối cần phải nghiêm túc, khẩn trương thực hiện giãn cách trong bệnh viện, rà soát về mặt chuyên môn, lập danh sách và phân loại tình trạng người bệnh, xem xét cho ra viện hoặc chuyển về tuyến dưới. Hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu, bệnh ổn định. Bố trí khu vực “vùng đệm” để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SAR-CoV-2.

Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà (nếu được ở lại chăm sóc), chỉ chuyển tuyến khi có kết quả âm tính; đồng thời chủ động xét nghiệm định kỳ theo diễn biến dịch nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các đơn vị căn cứ khả năng triển khai tiến hành thực hiện xét nghiệm gộp mẫu theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1817/QĐ-BYT ngày 07/4/2021 hoặc bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hướng dẫn tại Công văn số 3848/BYT-DP ngày 10/5/2021.

Khi cho người bệnh ra viện phải thông báo cho địa phương thông qua Sở Y tế (CDC các tỉnh) để các cơ sở tiếp tục theo dõi, giám sát sức khỏe.

Nguồn kinh phí thực hiện xét nghiệm: Đối với người bệnh có thẻ BHYT thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 1126/BHXH-CSYT ngày 29/4/2021, các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ BHYT chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Bố trí đủ nhân lực, phân chia ca kíp hợp lý, bảo đảm phục vụ người bệnh sau khi giãn cách; thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh, đặc biệt bảo đảm đủ nhân lực trong trường hợp bệnh viện bị cách ly, phong tỏa.

3. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19: Công văn số 3836/CV-BCĐ ngày 10/5/2021 về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại CSSXKD, khu CN

Theo đó, để tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh (CSSXKD), khu công nghiệp, Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND cấp tỉnh thực hiện các nội dung sau:

- Đối với các tỉnh, thành phố đã có trường hợp mắc tại các CSSXKD trong khu công nghiệp cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) tại CSSXKD thông qua quản lý ca làm việc, camera tại các vị trí công cộng, căng tin, nơi nghỉ ngơi giữa ca làm việc... để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời. Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1. Đồng thời đề nghị khẩn trương phát hiện, lập danh sách và thông báo ngay cho các tỉnh, thành phố danh sách những người lao động có liên quan ở các tỉnh, thành phố khác để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng.

- UBND cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý nghiêm túc thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”;

- Xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại khu công nghiệp trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong khu công nghiệp và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại khu công nghiệp. Quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các CSSXKD, khu công nghiệp; cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho các CSSXKD. Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho các CSSXKD được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm trung bình và nguy cơ lây nhiễm cao. Thực hiện phân cấp quản lý giám sát phòng, chống COVID-19 cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện nơi có các CSSXKD hoạt động.

- Tổ chức hướng dẫn cho các CSSXKD, khu công nghiệp về việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ COVID-19. Hướng dẫn CSSXKD sử dụng các chế phẩm sát khuẩn tay nhanh, chế phẩm sát khuẩn bề mặt đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức phân luồng y tế của các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp.

- Yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.

- Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc.

4. Bộ Y tế: Công văn số 3848/BYT-DP ngày 10/5/2021 về việc triển khai xét nghiệm SAR-CoV-2 trong tình hình mới

Trong Công văn này, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên như sau:

- Căn cứ tình hình diễn biến dịch tại địa phương, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho các đối tượng sau:

+ Nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19) tại các cơ sở cách ly có người đang được cách ly;

+ Bệnh nhân đang điều trị nội trú, người đến khám bệnh tại bệnh viện, cơ sở y tế (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19);

+ Các đối tượng thuộc diện cách ly tại nhà (F2)

+ Người dân ở trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly;

+ Người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19), thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly;

+ Người làm trong lĩnh vực dịch vụ, thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng (nhân viên quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, lái xe...);

+ Cán bộ, người làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu, đường biên, thường tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ;

+ Người làm việc trong các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, tổng công ty...

+ Các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác theo hướng dẫn của Sở Y tế.

- Việc xét nghiệm rà soát được thực hiện định kỳ tối thiểu 5 - 7 ngày/lần hoặc theo nhu cầu và nguồn lực của các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị với sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhằm mở rộng các đối tượng được xét nghiệm, tăng cường khả năng giám sát và giảm tải cho hệ thống y tế.

Sử dụng các sinh phẩm chẩn đoán đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành (theo danh mục gửi kèm) hoặc các sinh phẩm được nhập khẩu hợp pháp khác.

- Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cá nhân hoặc tổ chức thông báo ngay với cơ sở y tế để triển khai sớm các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kết quả xét nghiệm âm tính chưa đủ để khẳng định người được xét nghiệm không mắc COVID-19, do đó vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch theo nguyên tắc 5K và tiếp tục theo dõi, xét nghiệm theo quy định.

- Việc sử dụng các sinh phẩm chẩn đoán Realtime RT-PCR, phát hiện kháng nguyên, phát hiện kháng thể tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/9/2020 kèm theo Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19 và Quyết định số 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021 kèm theo Hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2.

5. Bộ Y tế: Công văn số 3842/BYT-DP ngày 10/5/2021 về việc tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2

Trong Công văn này, Bộ Y tế đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:

- Rà soát năng lực xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn, xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực đảm bảo công suất xét nghiệm hàng ngày tính theo qui mô dân số đạt tối thiểu 1.000 mẫu (đơn)/l triệu dân nhằm đảm bảo chủ động phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sẵn sàng nâng cao công suất khi dịch có nguy cơ lan rộng trên địa bàn.

- Tăng cường năng lực xét nghiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn (các bệnh viện hạng 1, hạng 2, hạng 3) để đạt được mức tối thiểu mỗi 300 giường bệnh có ít nhất một hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2.

- Xây dựng các kế hoạch, kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực xét nghiệm và tham mưu báo cáo UBND tỉnh, thành phố để huy động các phòng xét nghiệm thuộc các ngành khác nhằm chủ động ứng phó trong trường hợp xuất hiện ca mắc COVID-19 tại địa phương.

6. Tòa án nhân dân tối cao: Công văn số 125/TANDTC-VP ngày 11/5/2021 về việc tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19

Theo đó, kể từ 0h ngày 12/5/2021 đến hết ngày 31/5/2021, Chánh án các Tòa án tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung như sau:

- Các Tòa án đặt tại đơn vị hành chính đã có quyết định thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thì thực hiện ngay các yêu cầu sau đây:

+ Tạm dừng việc xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc trừ các trường hợp cấp bách phải thực hiện theo yêu cầu của pháp luật (Ví dụ: giải quyết khiếu kiện danh sách cử tri; giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam;...) nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch;

+ Công chức, người lao động của Tòa án sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, trừ các trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Thủ trưởng đơn vị. Phân công lãnh đạo đơn vị và công chức trực tại cơ quan để xử lý các công việc cần thiết, cấp bách.

- Các Tòa án đặt tại đơn vị hành chính đã có quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, thì thực hiện ngay các yêu cầu sau đây:

+ Tổ chức phân loại các vụ án, vụ việc đang phải giải quyết. Trong thời gian này chỉ đưa ra xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc đã hết hoặc sắp hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn); vụ việc có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19; khiếu kiện danh sách cử tri;...

+ Công chức, người lao động, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng chỉ đến Tòa án làm việc trong những trường hợp thực sự cần thiết; yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người trong suốt thời gian làm việc tại Tòa án. Bố trí phòng xét xử trực tuyến nếu có đủ điều kiện.

- Các Tòa án đặt tại đơn vị hành chính chưa có quyết định phải thực hiện cách ly xã hội, giãn cách xã hội thì thực hiện ngay các yêu cầu sau đây:

+ Tổ chức xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc theo theo quy định, nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

+ Đảm bảo công chức, người lao động của các Tòa án đến làm việc tại trụ sở cơ quan, thực hiện nghiêm 5K, trừ các trường hợp đang phải thực hiện cách ly theo yêu cầu phòng, chống dịch…

7. UBND Thành phố Hà Nội: Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 11/5/2021 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội

Để chủ động ngăn chặn, kiểm soát tình hình, khống chế lây lan của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và Nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 05/5/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố, và thực hiện một số nội dung sau:

- Mục tiêu cao nhất vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của Nhân dân, tập trung ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động tấn công, thực hiện “quyết liệt hơn nữa”, “thần tốc hơn nữa” công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Người đứng đầu các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, các đơn vị phải là những “tư lệnh” trên mặt trận chống dịch. Phát huy tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (là phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn, không để một người chủ quan, cả xã hội phải vất vả. Thực hiện giãn cách, phong tỏa khi cần thiết theo hướng dẫn của ngành y tế, không cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội; người đứng đầu các cấp phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, mỗi quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, là một thành viên của pháo đài để thực hiện phòng, chống dịch).

Tiếp tục thực hiện tốt phương châm: Phát hiện kịp thời, thần tốc truy vết, tăng cường xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch triệt để, thực hiện tốt thông điệp 5K, huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng vào cuộc, chung tay phòng, chống dịch trên tinh thần 4 tại chỗ và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo để chỉ đạo kịp thời; làm chủ trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất, tuyệt đối không để sót, không bỏ lọt F1, F2 và các ca nghi ngờ.

- Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, trường hợp thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp, bảo đảm thực hiện giãn cách tối thiểu 2m và các biện pháp: Đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khử khuẩn. Không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và các địa điểm phục vụ công tác bầu cử; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch. Người đứng đầu các cấp, các đơn vị, cơ sở chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để xảy ra vi phạm.

- Các cửa hàng ăn, uống trong nhà phải bảo đảm giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh các bệnh viện chỉ được bán hàng mang về. Riêng khu vực xung quanh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và các bệnh viện khi xuất hiện ổ dịch phải tạm dừng hoạt động các dịch vụ kinh doanh ăn uống, cửa hàng tạp hóa; đóng cửa các khu nhà trọ (phạm vi khu vực, thời gian dừng các hoạt động do Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động quyết định dựa trên tình hình thực tế của địa bàn).

- Siết chặt toàn bộ quy trình phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các hoạt động tại khu vực xung quanh nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch. Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về Bệnh viện an toàn và Phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế. Một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 01 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn. Tăng cường công tác khám, chữa bệnh từ xa và tăng cường khám điều trị ngoại trú, hạn chế tiếp nhận điều trị nội trú nếu không cần thiết.

- Trên cơ sở tình hình dịch bệnh cụ thể tại địa phương như số ca mắc, khả năng lây lan, đặc điểm cụ thể tại nơi xuất hiện ca bệnh..., Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thị xã quyết định việc phong tỏa theo quy mô thôn, xóm, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, nhà chung cư cao tầng... theo phương châm phong tỏa hẹp nhưng kiểm soát, quản lý chặt.

- Các đơn vị từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại, điều chỉnh phương án phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị..., chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng. Các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát lập, kích hoạt các khu cách ly tập trung để sẵn sàng tiếp nhận cách ly đối tượng F1 trên địa bàn. Về nhân lực thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung, giao lực lượng quân đội là nòng cốt, lực lượng công an, y tế, phối hợp triển khai các nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung.

- Các cấp, ngành theo chức năng nhiệm vụ và địa bàn quản lý và chuyên ngành quản lý tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhập cảnh trái phép... Những nơi nào làm chưa tốt, cần chấn chỉnh và yêu cầu lập tức khắc phục, sửa chữa ngay.

Người đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị và trên địa bàn phụ trách; không ra khỏi Thành phố (trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến cấp trên); chịu trách nhiệm theo quy định nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình mắc bệnh COVID-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không gương mẫu tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, không kiểm soát tốt, buông lỏng quản lý. Xử lý nghiêm người đứng đầu và các trường hợp liên quan nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tích cực tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là những điển hình “người tốt, việc tốt”, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo.

- Chính quyền các cấp phải xây dựng phương án/kịch bản chi tiết, với từng tình huống cụ thể, huy động toàn bộ lực lượng tham gia nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về công tác phòng, chống dịch cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

8. UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 1408/UBND-KGVX ngày 11/5/2021 về việc tạm dừng một số hoạt động có nguy cơ lây lan dịch COVID-19

Cụ thể, để chủ động ngăn chặn, kiểm soát tình hình dịch bệnh, đặc biệt là các địa điểm có nguy cơ cao; UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo một số nội dung sau:

- Tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, bia hơi cho đến khi có chỉ đạo mới của Thành phố.

- UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo giải tỏa ngay các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

9. UBND Thành phố Hà Nội: Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 07/5/2021 về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022

Trong Kế hoạch, UBND Thành phố Hà Nội xác định mục tiêu chung là phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng.

Mục tiêu cụ thể gồm:

- 95% đối tượng nguy cơ và người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội được tiêm chủng đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 theo từng đợt phân bổ vắc xin.

- Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Nguyên tắc đặt ra là: Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên toàn Thành phố, cơ sở đào đạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng; Tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin; Đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.

Thời gian: Năm 2021 và 2022.

Đối tượng triển khai:

- Đối tượng 1: (đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ)

+ Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); quân đội; công an.

+ Nhân viên, cán bộ ngoại giao làm việc tại Việt Nam và của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

+ Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

+ Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

+ Người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi.

+ Người sinh sống tại các vùng có dịch.

+ Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

+ Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

+ Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

- Đối tượng 2: Người từ 18 đến 65 tuổi không thuộc các nhóm đối tượng nêu trên.

Phạm vi triển khai: Trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hình thức triển khai:

- Tổ chức tiêm theo thứ tự ưu tiên và tiêm chủng miễn phí cho tất cả các đối tượng trên.

- Tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

- Tổ chức tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên.

Lộ trình triển khai:

- Tiêm cho đối tượng ưu tiên theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế.

- Tiêm cho đối tượng khác (đối tượng 2) sẽ được triển khai trên cơ sở nguồn cung vắc xin (nguồn nhập khẩu hoặc nguồn sản xuất trong nước).

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: