Thứ sáu, 03/05/2024

Chúng tôi may mắn được gặp lại Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Hồ Đức Vai, người được Bác đặt tên và là người đầu tiên lấy họ Hồ để đặt họ cho mình. Từ đó, đồng bào dân tộc Pacô ở A Lưới và một số dân tộc khác cũng tự nguyện lấy họ Hồ làm họ của mình. Và càng thú vị hơn, trong gia đình Hồ Đức Vai lại có đến 3 Anh hùng LLVTND, họ là biểu tượng sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn noi gương Người…

Đó là Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai, tức A Vai (SN 1940), ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Nam được phong Anh hùng LLVTND (vào năm 1965); người được gặp Bác Hồ 5 lần. Đặc biệt, là người đầu tiên tự nguyện mang họ Hồ để về phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số và được Bác Hồ đặt tên là Hồ Đức Vai. Ông cũng là biểu tượng cho sự chiến đấu ngoan cường, mưu lược một thời của dân tộc Việt Nam.

3 anh hung ho ho  a1
Hai chú cháu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai và Hồ Kan Lịch.

Trong gia đình Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai, bà Kan Lịch (SN 1943, cháu ruột của ông) cũng là một biểu tượng đẹp của gia đình họ Hồ - những đứa con của đồng bào Pacô ở A Lưới.

Bà Kan Lịch được phong Anh hùng LLVTND năm 1967 với 49 trận chiến mang dấu ấn “Kan Lịch”, giết 150 tên địch, một mình bắn rơi 1 chiếc máy bay giặc chở trên 50 tên và nhiều trận chiến đầy hào khí của người phụ nữ dân tộc ít người - “lòng gang dạ sắt”. Kan Lịch được vinh dự 7 lần gặp Bác.

3 anh hung ho ho  a2
Anh Hùng LLVTND Hồ A Nun, một trong 3 anh hùng trong gia đình họ Hồ người Pacô.

Không những vậy, trong gia đình Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai, chúng tôi được gặp ông A Nun (SN 1944, em ruột của bà Kan Lịch), người được “ghi vào kỷ lục ghi-nét lịch sử” gùi đạn dược, lương thực cho chiến trường. Trong vòng từ năm 1961 đến 1969, Hồ A Nun gùi 179 tấn vũ khí (tương đương một đoàn xe chiến lược) lương thực, đạn dược. Có lúc gùi 192 kg trên núi đồi 30 km và được báo chí trong ngoài nước thời bấy giờ xướng danh, ngợi ca. Với những chiến công đó, ông Hồ A Nun được phong Anh hùng LLVTND vào năm 1969.

Những trận chiến ngoan cường của các Anh hùng họ Hồ

Giữa đại ngàn Trường Sơn trong những ngày tháng 5 nắng cháy, được nghe những câu chuyện chiến đấu ngoan cường của gia đình Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai chúng tôi như được tắm mát niềm tự hào dân tộc về những tấm gương sống và chiến đấu theo gương Bác Hồ.

Bên chén trà, Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai kể lại, năm 1962, trận chiến vào đồn địch, Hồ Đức Vai chỉ huy 7 người thuộc tổ du kích khiến địch phải kinh hồn. Những trận chiến những năm đầu đều có sự tham gia tác chiến của 2 chú cháu Đức Vai - Kan Lịch. Bằng mưu kế sáng tạo, gan dạ tổ du kích đã lọt qua 3 hàng rào bao bọc bởi mìn cài sẵn từ thép gai, gỗ cho đến hầm hào suốt từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau. Tiếp đến phải đợi đến 3 tiếng sau, lựa thời cơ khi kẻ địch ra tập thể dục mới xung trận thì mới tiêu diệt hết gọn. “Lên đạn- mình ra tín hiệu- đồng thời hàng loạt đạn xối xả tỉa vào hàng ngũ địch đang tập thể dục. Địch ngã lăn đùng, một số chạy toán loạn” - Hồ Đức Vai nhớ như in: “10 phút sau, địch phản ứng bằng đạn cối 60, 82, đại liên… nhưng anh em mình có cách rút theo địa đạo ra phía sân bay A Lưới một cách an toàn”.

3 anh hung ho ho  a3
Anh hùng LLVTND Hồ Kan Lịch cùng chồng, bùi ngùi
kể lại những giây phút khó quên trong các trận đánh oanh liệt.

Trận đấu giết nhiều kẻ địch nhất mà có cả 2 chú cháu tham gia, bằng tài mưu lược ăn khớp của đồng đội mà Hồ Đức Vai - Hồ Kan Lịch là điểm chốt. Sau khi biết tin địch sẽ có trận càn lớn, 3 ngày 3 đêm, 12 anh em phục sẵn. Hết lương thực, nhiều người quá đói bụng nên định “bỏ súng”. Kan Lịch một mực quyết tâm: Thiếu đói, thiếu khát, đổ máu cũng phải đánh nhưng bằng mọi cách để có “cái vào bụng”. Thừa cơ địch ở các đồn đi bàn chuyện trận càn sắp tới, tất cả ập vào lấy hết lương thực cho người mang về rồi bàn phương án chiến đấu. Khi địch trở về, tất cả các chốt xả đạn, bất ngờ nên thương vong phía quân địch trong trận này rất lớn.

Có lần chỉ một mình Đức Vai đánh lui 1 tiểu đoàn địch ở núi A Sờ. Hôm đó, tiểu đoàn của địch hành quân vào làng Lê Nin. Người dân phát hiện, khổ nỗi đang lúc bị sốt, nhưng lòng căm thù đã chiến thắng. Đức Vai cho tín hiệu bà con yên vị tại chỗ. Thấy đội hình địch đang hành quân, Vai cầm súng tiểu liên quét liên hồi, nhưng không trúng ai. Nhảy xuống khe lẫn tránh, địch vẫn tiếp tục đi vào làng trong mưa. Liều mạng, nhập vào đội hình địch (do mặc áo mưa nên không ai biết ai), được một đoạn dài, Vai tách đội hình đi trước chiếm ở trên cao. Cách 5 m, Vai quay lại bóp cò. Do lên đạn đã quá lâu nên không nổ. Bình tĩnh như thường, Vai kéo cò, bắn xối xả. Lúc đó địch mới lấy súng, nhưng không thể bắn trực diện vào người Vai vì đi theo hàng, hơn nữa, những người đầu tiên đã chết nên chỉ bắn ở 2 bên. Nằm cách địch 15 m, nếu địch tiếp tục hành quân tiếp thì sử dụng chiêu bài khác, nhưng địch dừng lại chôn người rồi… lui.

3 anh hung ho ho  a4
Anh hùng LLVTND Hồ Kan Lịch và đồng đội cùng những giây phút hạnh phúc được ở bên Bác (trong ảnh, Anh hùng LLVTND Kan Lịch góc phải, phía trái)

Kan Lịch là người mở màn bắn rơi máy bay địch bằng súng trường-mát, từ đó phong trào bắn máy bay bằng loại súng này rộ lên trong các chiến trường. Hôm đó, lúc 9 giờ 30 sáng, một máy bay địch từ Huế lên sân bay A Lưới. Kan Lịch phân công hợp lý mỗi người làm một nhiệm vụ. Thấy máy bay hạ, vẫn ra hiệu chưa nên bắn. Khi máy bay đang bay lên, Kan Lịch bắn thẳng vào máy bay, bốc cháy. Rồi nó rơi cách đó khoảng 2km. Tất cả cùng reo vang, vì lần đầu tiên loại súng này bắn được máy bay.

A Nun là bộ đội chủ lực chủ yếu phục vụ chiến trường Lào, Campuchia và Tây Nam Bộ. Có được sức khoẻ phi thường cộng với lòng căm thù giặc vô tận, tiếp thêm sức mạnh cho A Nun leo đèo lội suối gùi sau lưng gần 200 kg. Chiến dịch năm 1968, lần gùi kỷ lục với 192 kg trên lưng với 4 đầu đạn trên 100 kg, ngoài ra còn có súng, bom, mìn, lương thực…

Trườn lên dốc cao, bơi trên dòng suối, trong cả quảng đường trên 30 km với hơn 1 ngày trời mới đến được với chiến trường phía trước mà không rơi 1 viên đạn… Quả là phi thường!

Gặp Bác Hồ và những giây phút không quên

Với những chiến tích của mình, Đức Vai được ra Bắc gặp Bác. Thời khắc 17 giờ ngày 15/10/1965, trở thành giây phút thiêng liêng trong suốt cuộc đời Vai mỗi khi nhắc đến. Đó là ông được ôm Bác, được Bác ôm vào lòng. “Ai cũng khóc, cũng hạnh phúc. Cái đời của mình chưa bao giờ có cảm giác sung sướng như vậy”, Hồ Đức Vai chia sẻ. 40 năm trôi qua, ông Vai nghĩ lại vẫn rơi dòng nước mắt hạnh phúc. “Điều mà Bác hỏi tui nhiều nhất là vấn đề về người dân tộc ít người, mình nói rành mạch, Bác khen”- ánh mắt Vai rạng ngời. Và điều diễm phúc nhất với Vai, được Bác đặt tên là Hồ Đức Vai.

Sống trong cảm giác hạnh phúc vô ngần ấy, Vai chợt nảy lên ý nghĩ và tự nguyện lấy họ Hồ. Theo Hồ Đức Vai lí giải thì người dân tộc Pacô của ông thời bấy giờ chưa có họ. “Thấy Bác quá vĩ đại. Nhìn thấy Bác hơn cha, hơn mẹ. Lời Bác nói thấm sâu vào tâm can. Khi tôi về đã mang họ Hồ, tôi phát động trong quân đội và bà con mình cùng theo”, Hồ Đức Vai vui sướng kể lại những khoảnh khắc tuyệt diệu.

Với Kan Lịch, trong 7 lần gặp Bác, bà vẫn nhớ nhất lần gặp Người đầu tiên. Bác ôm, hôn rồi hỏi đủ điều về cuộc sống, đánh giặc… Bác khen Kan Lịch, người con gái có lòng dạ kiên trung. Lòng Kan Lịch vui không kể hết. A Nun thì lại thiệt thòi hơn chú Vai và chị Kan Lịch, vì khi lập được chiến công, được nhận danh hiệu Anh hùng thì Bác đã ra đi. “Nhưng hình ảnh Bác sáng mãi trong tâm can”, A Nun tự hào.

Noi gương Bác, đời luôn tỏa sáng!

Hồ Đức Vai từng 2 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, là Uỷ viên MTTQ Việt Nam 2 khoá; Hồ Kan Lịch giữ trọng trách Phó Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới nhiều năm liền; Hồ A Nun sau khi rời quân ngũ với quân hàm thiếu tá, thương binh 1/4…

Trong 3 con người này, dù có điều kiện để đi xa lập nghiệp, cuộc sống có thể sung túc hơn nhưng họ vẫn lặng lẽ sống bên bản làng, bà con thân thuộc, trong gia đình đầm ấm thương yêu, rất giản đơn. Điều đáng trân trọng, không những trên chiến trường mà ngay trong thời bình, những việc làm của 3 chú cháu cũng rất “anh hùng”.

Sau khi về hưu, Hồ Đức Vai lấy công tác từ thiện làm lẽ sống. Khi làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em huyện A Lưới, suốt ngày Hồ Đức Vai trên những dặm đường đến với từng số phận, những nạn nhân chất độc da cam, những người có hoàn cảnh đặc biệt. Hồ Đức Vai chia sẻ: “Các cháu không có tội tình gì cả nhưng phải hứng chịu nỗi đau. Chúng ta phải chia sẽ, phải đồng lòng, giúp các cháu hoà nhập với cộng đồng là trách nhiệm của xã hội”.

Đáng trân trọng và tự hào biết bao, bà Kan Lịch trong cuộc sống khốn khó như vậy nhưng vẫn cùng chồng nuôi 15 người con. Trong đó có 9 người con nuôi, là con của anh, em bên chồng vì những hoàn cảnh éo le… Hồ Kan Lịch ngoài công việc phải bươn chải để kiếm cho 15 miệng ăn không phải là lẽ giản đơn, nhất là trong thời kỳ khốn khó. Có khi sắn không đủ bữa nhưng luôn động viên con cháu “hãy cố gắng vượt qua vì tình thương yêu, thắt chặt”. Hồ Kan Lịch xúc động: “Nhà mình khổ nhưng vui. Vì tình người nó làm quên đi những cực nhọc trước mắt. Về lâu dài tui sẽ tạo điều kiện cho các cháu có đời sống ổn định”.

3 anh hung ho ho  a5
Niềm hạnh phúc lớn nhất của Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai là được Bác Hồ đặt tên là (trong ảnh: Anh hùng Vai đứng cạnh Bác Hồ, phải).

Hồ A Nun sức khoẻ không được đảm bảo bằng những trận ốm đau triền miên nhưng cũng cùng vợ con, làm trang trại gần 4 ha. Trong đó có 1 ha cà phê, vườn hoa quả, đàn bò, đàn heo… để chăm chút cho 7 đứa con ăn học. Trò chuyện với chúng tôi, Hồ A Nun dừng tay bên vườn cây sai quả: “Có trang trại này, con tui mới được biết cái chữ nhiều hơn, ăn học cao hơn, đời sống đảm bảo hơn”.

A Lưới tháng 5 không khí càng hân hoan hơn vì ai ai cũng vui, chào mừng  Ngày sinh của Bác. Chúng tôi tự hào cho bà con dân tộc Pacô bao nhiêu thì lại càng kính nể với gia đình Hồ Đức Vai bấy nhiêu.

Điều mà chúng tôi thu nhận được sau lần gặp 3 Anh hùng LLVTND của gia đình Hồ Đức Vai cũng như đồng bào dân tộc Pacô đó chính là sự kiên trung theo Đảng, theo Bác đã “thấm nhuần” từ trong tâm can. Bởi thế, dẫu cuộc sống có gặp khó khăn, có gian nan, 3 Anh hùng của gia đình Hồ Đức Vai vẫn luôn toả sáng. Họ là những cây đại ngàn trên dãy Trường Sơn trong cả thời chiến tranh và thời bình./.

Xuân – Lân
Theovtc.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: