Thứ sáu, 29/03/2024

 

NĂM 1920:

Ở ĐÔNG DƯƠNG

Chúng tôi vừa nhận được bức thư sau đây mà không cần nhấn mạnh điều lợi hại trong đó.

Ở đây (Hải Phòng) cũng có những cuộc bãi công của thuỷ thủ. Chẳng hạn như ngày thứ năm (15-8), hai chiếc tàu biển nhổ neo để chở một số lớn lính khố đỏ An Nam đi Xyri.

Nhưng thuỷ thủ không chịu đi, vì người ta không chịu phát lương cho họ bằng tiền Đông Dương. Theo giá thị trường, một đồng Đông Dương bằng 10 phrăng, chứ không phải 2 phrăng 50. Thế mà các công ty hàng hải lại làm một việc hà lạm trắng trợn là định trả lương cho thuỷ thủ bằng phrăng, chứ không trả bằng tiền Đông Dương như đã trả cho công chức.

Thế là người ta liền xua tất cả mọi người ở dưới tàu lên, rồi lập tức bắt hết các thuỷ thủ. Rõ ràng là thuỷ thủ Biển Vàng chẳng có gì phải so bì với thuỷ thủ Biển Đen.

Chúng tôi cực lực phản đối việc đưa lính An Nam sang Xyri. Phải chăng các nhà cầm quyền cấp cao cho rằng bao nhiêu anh em da vàng xấu số của chúng tôi bị giết hại trên các chiến trường từ năm 1914 đến năm 1918, trong cuộc chiến tranh "vì văn minh và công lý" vẫn chưa đủ sao?

Ở Đông Dương, chúng ta đang sống dưới sự "bảo hộ" của nước Pháp. Bảo hộ có nghĩa là che chở. Nước Pháp đang để cho hàng triệu anh em chúng ta chết đói, trong khi đó hàng nghìn người khác bị đưa sang Tiểu á làm bia đỡ đạn.

Người ta che chở cho chúng ta như vậy đó!

NGUYỄN ÁI QUỐC

Báo LHumanité, ngày 4-11-1920.

==============================================

LỜI PHÁT BIỂU TẠI ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC

LẦN THỨ XVIII ĐẢNG XÃ HỘI PHÁP

Chủ tịch(1): Đông Dương có ý kiến. (Vỗ tay).

Đại biểu Đông Dương(2): Thưa các đồng chí, lẽ ra hôm nay, tôi đến đây là để cùng với các đồng chí góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, nhưng với một nỗi đau buồn sâu sắc, tôi đến đây với tư cách là đảng viên xã hội, để phản kháng những tội ác ghê tởm trên quê hương tôi. (Tốt lắm!). Các đồng chí đều biết rằng chủ nghĩa tư bản Pháp đã vào Đông Dương từ nửa thế kỷ nay; vì lợi ích của nó, nó đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi. Từ đó, chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm. Tôi xin nhấn mạnh từ "đầu độc" bằng thuốc phiện, bằng rượu, v.v.. Trong vài phút, tôi không thể vạch được hết những sự tàn bạo mà bọn tư bản ăn cướp đã gây ra ở Đông Dương. Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người. Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và đôi khi bị giết mà không cần xét xử. Cái gọi là công lý Đông Dương là thế đấy! ở xứ đó, người An Nam bị phân biệt đối xử, họ không có những sự bảo đảm như người châu Âu hoặc có quốc tịch châu Âu. Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền cư trú và du lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập. ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu. Người ta đã làm chết hàng nghìn người An Nam và tàn sát hàng nghìn người khác để bảo vệ những lợi ích không phải của chính họ.

Thưa các đồng chí, hơn hai mươi triệu dân An Nam, bằng hơn nửa số dân nước Pháp, đã bị đối xử như vậy. ấy thế mà họ lại là những người được nước Pháp bảo hộ! (Vỗ tay). Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức. (Hoan hô).

Giăng Lôngghê: Tôi đã phát biểu ý kiến để bảo vệ những người bản xứ.

Đại biểu Đông Dương: Ngay khi tôi bắt đầu nói, tôi đã yêu cầu mọi người tuyệt đối im lặng. (Nhiều tiếng cười). Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa. Chúng tôi thấy rằng việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế thứ ba có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa. Chúng tôi rất sung sướng khi nghe tin thành lập một đoàn đại biểu thường trực nghiên cứu về Bắc Phi, và mai đây, chúng tôi sẽ vui mừng nếu Đảng phái một đồng chí của Đảng để nghiên cứu tại chỗ những vấn đề ở Đông Dương và đề xuất những hoạt động cần phải tiến hành.

Một đại biểu: Với đồng chí Ăngve Pasa?...

Đại biểu Đông Dương: Im đi! Phái nghị viện. (Vỗ tay).

Chủ tịch: Bây giờ, tất cả các đại biểu phải im! Kể cả những đại biểu không thuộc phái nghị viện!

Đại biểu Đông Dương: Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi! (Vỗ tay).

Chủ tịch: Qua những loạt vỗ tay tán thành, đại biểu Đông Dương có thể thấy rằng toàn thể Đảng Xã hội đều đứng về phía đồng chí để phản đối những tội ác của giai cấp tư sản.

Trích Biên bản tốc ký Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, tiếng Pháp,Pari, 1921, tr.133-135.

1) Chủ tịch phiên họp buổi chiều ngày 26-12-1920 là Êmin Guđơ.

2) Đại biểu Đông Dương là Nguyễn ái Quốc

Bài viết khác: