Thứ hai, 09/12/2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội mới ở Việt Nam là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, kinh nghiệm thành công của quốc tế; kế thừa, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bài viết góp phần luận giải nội dung quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu, động lực và các điều kiện bảo đảm xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam, qua đó giúp người đọc hiểu và định hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội mới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 xay dưng xa hoi moi

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu xây dựng xã hội mới ở Việt Nam

Về mục tiêu chính trị

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề đầu tiên trong xây dựng chế độ xã hội mới là phải xây dựng chế độ chính trị do nhân dân lao động làm chủ. Người đã khẳng định: “Nhà nước của ta thành lập sau Cách mạng Tháng Tám đã là Nhà nước dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nay “Lời nói đầu” của dự thảo Hiến pháp sửa đổi lại ghi rõ: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”(1). Điều đó có nghĩa, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mục đích hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm phục vụ nhân dân. Trong nhà nước đó, mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, có quyền kiểm soát đối với đại biểu của mình, “có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Mọi công việc quan trọng của nhà nước đều phải do nhân dân quyết định, đảm bảo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong nhà nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân thì Chính phủ phải: “Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(2). Để thực hiện được điều đó, Người cho rằng những người lãnh đạo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng; phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; là người lãnh đạo thì phải có trí tuệ hơn người, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, gần gũi với dân, trọng dụng hiền tài; phải sửa đổi lối làm việc, chống tham ô, lãng phí.

Trong chế độ dân chủ, tất cả mọi người đều có quyền công dân và bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ. Không tồn tại sự bất công, bất bình đẳng, không còn mâu thuẫn giai cấp, xóa bỏ mọi sự cách biệt. Đảm bảo quyền lợi của toàn xã hội, ai cũng là chủ nhân của đất nước mình. Nhân dân là người chủ của đất nước, có quyền làm chủ, nhưng cũng có nghĩa vụ của người làm chủ. Mọi người đều có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng và chấp hành pháp luật, tôn trọng và bảo vệ của công, đồng thời có nghĩa vụ học tập, nâng cao trình độ học vấn….. để xứng đáng với vai trò của người làm chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đã là người chủ Nhà nước thì phải chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà... Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ”(3). Như vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc để nhân dân tham gia vào công việc quản lý đất nước, vì không gì khách quan và hiệu quả hơn khi để chính nhân dân quan tâm tới lợi ích của mình.

Mục tiêu kinh tế

Thứ nhất: đó là “nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến”(4). Nền kinh tế đó được xây dựng “trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được xoá bỏ dần, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ngày càng được cải thiện”(5). Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thắng chủ nghĩa tư bản khi nó tạo ra được một nền kinh tế phát triển cao, gắn liền với sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại và ngày càng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để đạt được mục tiêu đó là cả một quá trình phấn đấu, lao động, nỗ lực cố gắng không ngừng của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân ta.

Thứ hai: nền kinh tế trong xã hội mới phải tập trung xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất và dần thực hiện giải phóng sức sản xuất xã hội. Bởi tư hữu là mầm mống của sự bóc lột, của bất bình đẳng và của những mâu thuẫn trong xã hội. Mà trong khi đó, xã hội chủ nghĩa là một xã hội nhân đạo và dân chủ nhất thì nhất thiết phải xóa bỏ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Chỉ có như vậy thì mới thực sự đem lại công bằng, dân chủ, mới giải phóng được con người, giải phóng được sức lao động của toàn thể xã hội. Chỉ có như vậy thì cách mạng xã hội chủ nghĩa mới thực sự trở thành cuộc cách mạng triệt để nhất, là cuộc cách mạng tới nơi. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này là: thời kỳ quá độ nước ta còn tồn tại nhiều thành phần, khi mà “Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản” thì kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân phải được nhà nước đảm bảo và phát triển ưu tiên. Bởi thời kỳ quá độ là một tất yếu khách quan không thể bỏ qua. Chế độ công hữu không thể thiết lập ngay mà nó cần được thiết lập dần dần trải qua nhiều bước, đặc biệt ở thời kỳ quá độ. Việc coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo và tồn tại song song với các hình thức sở hữu khác giúp chúng ta vừa có thể thực hiện được mục tiêu kinh tế mà vẫn giữ nguyên được yêu cầu về chính trị.

Thứ ba: việc xây dựng nền kinh tế mới từ một nước lạc hậu, chưa kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quy luật tất yếu và phổ biến để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Bởi chúng ta chưa có những tiền đề về vật chất cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội do chủ nghĩa tư bản tạo ra. Mặt khác, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là một nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại với trình độ khoa học kỹ thuật cao. Do vậy, chỉ có con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới có thể giải quyết được mâu thuẫn này, mới có thể đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước có nền công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Thực tiễn cho đến nay đã chứng minh quy luật này vẫn hoàn toàn đúng với tình hình nước ta, đã và đang đem lại những thắng lợi to lớn cho cả dân tộc, thúc đẩy nước ta tiến nhanh trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa - tư tưởng không chỉ phụ thuộc vào máy móc, vào điều kiện sinh hoạt vật chất, vào mức sống…, mà nó phải đi trước một bước để mở đường cho cách mạng công nghiệp, là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của dân tộc. Người cho rằng: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ…”(6).

Trong chế độ xã hội mới ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng. Nền văn hóa đó vừa phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa nhân loại, đồng thời phải giữ gìn được những nét riêng, những gì là bản sắc, kết hợp được bản sắc dân tộc và tinh hoa thời đại để làm giàu thêm, phong phú thêm nền văn hóa của chúng ta. Muốn vậy thì cần “phải đào tạo nhanh chóng các cán bộ cho tất cả các ngành hoạt động….để công nghiệp hóa đất nước”(7). Đồng thời, nền văn hóa mà Người chủ trương xây dựng là một nền văn hóa “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”, “phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”, “phải soi sáng cho quốc dân đi”, tạo sức mạnh to lớn thúc đẩy cách mạng đi lên. Người khẳng định, “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hoá phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”(8), kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Mục tiêu xây dựng con người

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(9). Nếu không có những con người xã hội chủ nghĩa thì không có chủ nghĩa xã hội được. Theo Người, con người mới xã hội chủ nghĩa phải là những người tha thiết với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có tinh thần và năng lực làm chủ; có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có kiến thức khoa học, kỹ thuật, nhạy bén với cái mới; có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm,… Phấn đấu vì lý tưởng của dân tộc, ý chí quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội, tinh thần vượt khó. Đó chính là nguồn lực quan trọng nhất để xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các động lực trong xây dựng xã hội mới ở Việt Nam

Động lực từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Bằng sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề dân tộc trong lịch sử và phân tích tình hình thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, để phát huy được sức mạnh tự thân của dân tộc, phải tập hợp được sức mạnh của toàn dân, lấy liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức làm nòng cốt: “Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”(10). Người hiểu rõ rằng, một xã hội chưa làm cho mỗi thành viên trong đó tìm được chỗ đứng tự nguyện của mình, thì người cầm quyền, người lãnh đạo khó lòng tập hợp được toàn xã hội để tạo nên động lực phát triển. Vì vậy, Người chỉ dạy chúng ta: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay”(11), hay “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo...”, “đoàn kết là sức mạnh then chốt của thành công”. Những lời dạy của Người dù giản đơn nhưng rất hàm súc, vì từ đó toát lên sức mạnh của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là chân lý bất biến.

Động lực con người với tư cách là cá nhân người lao động

Để hoàn thành sự nghiệp giải phóng và xây dựng xã hội mới thành công phải có lực lượng con người - chủ thể của mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Bởi “vô luận điều gì đều do con người làm ra”, và “có dân thì có tất cả”. Con người là nhân tố quyết định thành công của cách mạng, là động lực nội sinh, trực tiếp của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm chủ nghĩa xã hội là vì con người, vì cơm no, áo ấm, vì nhu cầu lợi ích không phải của riêng ai, mà là của tất cả mọi người, trước hết là người lao động, được sống xứng đáng trong một xã hội mới, không có áp bức và bóc lột. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là công trình lớn của tập thể, nhưng chúng ta xây dựng công trình vĩ đại ấy lại chính bằng những con người của xã hội cũ chuyển sang, trong tư tưởng còn rơi rớt lại những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng nghìn năm. Nên Người đã chỉ ra công việc cấp bách cần phải làm ngay: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa...”(12). Con người xã hội chủ nghĩa, có tư tưởng xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh là con người mới, con người biết làm chủ, có trí tuệ và lý tưởng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, với tinh thần “trung với nước, hiếu với dân”. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh “...muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải gột sạch chủ nghĩa cá nhân...”(13). Chiến thắng chủ nghĩa cá nhân là một trong những cơ sở đảm bảo vững chắc cho công cuộc xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hoá mới và con người mới giành được thắng lợi trọn vẹn.

Phát huy các động lực gắn liền với chống chủ nghĩa cá nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Nhưng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Vì không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và đảm bảo cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân luôn là chỉ dẫn quý báu cho Đảng ta và nhân dân ta; đây cũng chính là động lực quan trọng góp phần vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Ngoài các yếu tố nội lực nêu trên, xây dựng xã hội mới cần tranh thủ được tối đa các yếu tố ngoại lực. Do đó, kết hợp cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa phù hợp với sự phát triển của xã hội, của phong trào xã hội chủ nghĩa, do các lực lượng tiến bộ của các nước trên thế giới khởi xướng đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của con đường cách mạng Việt Nam đã lựa chọn, ý nghĩa của thời đại, của sự ủng hộ quốc tế đối với cách mạng. Theo đó, phải kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tăng cường đoàn kết quốc tế; chủ nghĩa yêu nước phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, phải sử dụng tốt những thành quả khoa học, kỹ thuật thế giới... Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài, trước hết phải chủ động tạo ra sức mạnh của chính mình. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(14).

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các điều kiện bảo đảm xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam

Xây dựng xã hội mới phải dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(15). Đây là một chân lý nghe qua tưởng chừng giản đơn, nhưng kỳ thực rất vĩ đại. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã giành được chính quyền về tay nhân dân (1945); đã đưa hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn (1945 - 1975) và định hướng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 đến nay). Sức mạnh của Đảng thể hiện ở chỗ khi Đảng đã thực sự trở thành Đảng cầm quyền, Đảng vẫn luôn tuân thủ một nguyên lý cơ bản của triết học và chính trị học mácxít - Đảng lấy nhân dân làm nền tảng, làm gốc của cách mạng. Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kể từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền đến nay, nỗi trăn trở nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm sao Đảng phải giữ được vai trò là người chỉ lối, dẫn đường cho nhân dân làm cách mạng; Đảng phải hết lòng phục vụ nhân dân, phải kính yêu nhân dân, phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, phải có tinh thần “chí công vô tự”, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.

Muốn thực sự vừa trở thành người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Đảng ta cần phải: Một là, “chống giặc dốt” vì “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần...”(16). Vì dốt nát nên thiếu tri thức, thiếu lý luận, không am hiểu tình hình trong nước và ngoài nước, không nắm được quy luật, dẫn đến mắc sai lầm về đường lối, về kế hoạch đặt ra. Hai là, “chống chủ nghĩa cá nhân”, bởi đây là nguồn gốc đẻ ra những thứ bệnh làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm mất lòng tin của dân với Đảng. Nó cũng là kẻ địch “nội xâm”. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu trong cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng nhất định sẽ thành công cùng với thành công của chủ nghĩa xã hội.

Xây dựng xã hội mới phải đặt dưới sự quản lý, điều hành của Nhà nước kiểu mới.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước ta là một tổ chức để thực thi quyền lực của nhân dân và có trách nhiệm để phục vụ nhân dân. Tính chất của dân, do dân của Nhà nước ta được Người chỉ rõ là: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Tuy giữ vai trò Chủ tịch nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tự coi mình là “...người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”(17). Trước quốc dân đồng bào, Người nói rõ trách nhiệm của Đảng, Chính phủ đối với nhân dân: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi...”(18). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến trách nhiệm phải thông qua hiệu quả thực tế, nhiệm vụ cụ thể trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, Người nhấn mạnh: “Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này... là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới”(19).

Muốn thực hiện được một Nhà nước như vậy, cần thiết lập và thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân; xây dựng và ban hành Hiến pháp và pháp luật, thực hiện tổng tuyển cử trong cả nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta ngay từ đầu đã mang tính nhân dân sâu sắc, bởi “có việc gì thì ai cũng được bàn... Khi bàn rồi thì bỏ thăm; ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ”(20). Từ năm 1945 đến năm 1969, trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người đích thân chỉ đạo thành lập những thiết chế dân chủ, vì nhân dân lao động: Hệ thống bầu cử phổ thông, đầu phiếu; hệ thống các toà án được hình thành từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện; hệ thống các quyền tự do dân chủ được ghi nhận, bổ sung và phát triển qua các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959 và các đạo luật của Nhà nước… Đó là điều kiện quan trọng trong việc phát huy nguồn lực của dân trong xây dựng xã hội mới.

Đồng thời với các điều kiện trên, xây dựng xã hội mới muốn thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra cần phải phát huy vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy được vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội để huy động được sự tham gia của toàn dân; tranh thủ được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, của các nước và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới theo tinh thần, phương châm “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”./.

--------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.

2. Nguyễn Phú Trọng (2024), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb CTNxb Sự thật, Hà Nội.

3. Nguyễn Phú Trọng (2023), Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG, Hà Nội.

 

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr.370.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.74-75.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr.67.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr.372.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr.376.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr.190.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr.191.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr.471.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr.66.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr.303-304.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr.280.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr.303.

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr.322.

(14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr.445.

(15) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr.268.

(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.379.

(17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr.187.

(18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr.572.

(19) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr.481.

(20) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr.335.

 

TS Bùi Văn Mạnh - Khoa Hồ Chí Minh học

 Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: