Vai trò gương mẫu của cán bộ chính trị luôn có tác động, ảnh hưởng tích cực đến cán bộ, chiến sĩ, cũng như vị thế, vai trò chủ trì về chính trị và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị Quân đội. Vì vậy, học tập và làm theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò gương mẫu của cán bộ chính trị luôn có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chủ tịch luôn đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; theo Người: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”1. Vì vậy, Người cặn dặn các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”2. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng Quân đội ta ngay từ những ngày đầu, cùng với việc bố trí đội ngũ cán bộ chính trị để giữ vững “linh hồn, mạch sống” của Đảng trong Quân đội, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu họ phải thật sự gương mẫu về mọi mặt, nhất là tư cách, đạo đức, lối sống và trong công việc để chỉ đạo, động viên, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

tu tuong ho chi minh
Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ 2, được Bác Hồ gửi thư căn dặn đội ngũ cán bộ
chính trị viên. Ảnh tư liệu.

Đối với cán bộ chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”3. Vô luận ở cấp bậc nào, “người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ”4. Bởi, cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành. Để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ chính trị, Người chỉ rõ: “Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc”5. Về mặt vật chất, chính trị viên phải luôn săn sóc đến đời sống sinh hoạt: ăn, mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu của bộ đội. Về mặt tinh thần, chính trị viên phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa và đường lối chính trị trong bộ đội. Mặt khác, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, cán bộ chính trị “càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”6.

Thấm nhuần lời dạy của Người, lớp lớp đội ngũ cán bộ chính trị Quân đội luôn tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu giữ vững tư cách của người cán bộ chính trị; tuyệt đối trung thành và đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; luôn có hoài bão, lý tưởng sống đúng đắn, lối sống trong sáng, lành mạnh, trung thực, khiêm tốn, giản dị; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân,... luôn là tấm gương mẫu mực để cán bộ, chiến sĩ học tập, noi theo.

Trong tình hình mới, đội ngũ cán bộ chính trị tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tạo nền tảng vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc thực hiện tốt vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chính trị không những nâng cao vị thế, vai trò của cá nhân, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị mà còn ngăn ngừa hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do vậy, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò nêu gương của cán bộ chính trị trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp thiết; cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Trước hết, cần tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng về vai trò nêu gương của cán bộ chính trị. Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần coi việc thực hiện vai trò nêu gương là một nội dung trọng yếu của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị; một yêu cầu để đảm bảo cho đội ngũ này thực hiện tốt vai trò chủ trì về công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị. Do vậy, việc xác định những yêu cầu về nêu gương của cán bộ chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải gắn kết chặt chẽ với nội dung các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, nhất là: Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, v.v. Trên cơ sở đó, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp trong xây dựng tiêu chí, quy định cụ thể về thực hiện vai trò nêu gương của chính ủy, chính trị viên trong các hoạt động ở đơn vị; đồng thời, làm tốt công tác giáo dục tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng đối với vấn đề này.

Hai là, coi trọng giáo dục, rèn luyện vai trò nêu gương của cán bộ chính trị trong quá trình đào tạo tại các học viện, nhà trường. Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về giáo dục, đào tạo và thực hiện quan điểm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”7, các cơ sở đào tạo cán bộ chính trị, nhất là Học viện Chính trị và Trường Sĩ quan Chính trị cần nghiên cứu, hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo, chuẩn đầu ra của các đối tượng nhằm đào tạo những chính ủy, chính trị viên có phẩm chất, năng lực toàn diện, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trong hoạt động thực tiễn.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, các học viện, nhà trường cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả về nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo đối với cán bộ chính trị. Kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nghiên cứu, cập nhật các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng vào hoạt động giáo dục, đào tạo nhằm thực hiện tốt yêu cầu về trang bị kiến thức, năng lực thực hành với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, vai trò gương mẫu của người cán bộ chính trị ngay tại trường. Trong đó, coi trọng việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thực hành nhằm hình thành vững chắc các phẩm chất, nhân cách và vai trò gương mẫu của người cán bộ chính trị trong thực tiễn.

Ba là, thường xuyên bồi dưỡng và phát huy vai trong nêu gương của cán bộ chính trị trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ huy ở đơn vị. Kết hợp chặt chẽ giữa “nói” và “làm” là một giá trị nổi bật trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực tiễn cho thấy, hành động nêu gương của người đứng đầu, dù nhỏ đều có tác động, ảnh hưởng lớn đến cấp dưới. Đồng thời, có coi trọng thực hiện vai trò nêu gương thì tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng mới đi vào cuộc sống ở mỗi đơn vị và lan tỏa trong xã hội. Do vậy, cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp cần quan tâm bồi dưỡng và phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ chính trị trong các hoạt động thực tiễn, đảm bảo cho họ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Cần có cơ chế, chính sách và những biện pháp cụ thể để khích lệ, động viên vai trò nêu gương của họ; đồng thời, uốn nắn, điều chỉnh những nhận thức và biểu hiện sai trái, chưa phù hợp. Đặc biệt, cần phải coi trọng thực hiện tốt vai trò nêu gương của cấp trên đối với cấp dưới cả về lời nói và hành động để khích lệ việc học tập lẫn nhau về nêu gương trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ huy ở đơn vị.

Việc phát huy vai trò nêu gương trong các hoạt động đòi hỏi mỗi cán bộ chính trị phải luôn gương mẫu chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, kỷ luật của Quân đội; đặt lợi ích của tập thể, đơn vị lên trên hết, trước hết. Đồng thời, kiên quyết khắc phục các biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, mệnh lệnh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, “tự soi”, “tự sửa” và kiểm tra, giám sát việc thực hiện vai trò nêu gương của cán bộ chính trị. Thực hiện giải pháp này đòi hỏi mỗi cán bộ chính trị phải luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền; bám sát sự chỉ đạo của trên; học hỏi từ đồng nghiệp để tiến hành tốt tự phê bình và phê bình, ‘‘tự soi, tự sửa’’ hằng ngày, không ngừng hoàn thiện về phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhất là vai trò nêu gương trong thực tiễn. Coi trọng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tiếp thu những kiến thức trong lãnh đạo, quản lý để không ngừng hoàn thiện phương pháp, tác phong công tác, đáp ứng tốt các yêu cầu về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chính trị và yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan kiểm tra các cấp cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ chính trị. Nội dung kiểm tra, giám sát cần phải toàn diện cả về tư tưởng chính trị, động cơ, thái độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống và việc phát huy vai trò nêu gương trong các hoạt động. Quá trình thực hiện cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy đảng, người chỉ huy, cơ quan chức năng và các tổ chức quần chúng tham gia; kết hợp chặt giữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng với công tác quản lý của người chỉ huy các cấp. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức đối thoại dân chủ, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng đối với đội ngũ cán bộ chính trị, nhằm phát huy những ưu điểm, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với biểu hiện thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ chính trị có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị. Vì vậy, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải khắc ghi những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để đội ngũ cán bộ chính trị không ngừng phát huy tốt vai trò gương mẫu của mình, luôn là người giữ vững “linh hồn, mạch sống” của Đảng trong Quân đội./.

Đại tá, TS. VŨ ĐÌNH ĐẮC, Trường Sĩ quan Chính trị

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Thu Hiền (st)

________________     

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284.

2 - Sđd, Tập 15, tr. 672.

3 - Sđd, Tập 5, tr. 484.

4 - Sđd, Tập 6, tr. 458.

5 - Sđd, Tập 5, tr. 485.

6 - Sđd, Tập 5, tr. 293.

7 - Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương “Về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”.

Bài viết khác: