Thứ hai, 09/12/2024

Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là kết quả của sự kế thừa, phát triển những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại và sự vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, tạo nên nét đặc trưng, độc đáo về phong cách lãnh đạo của Người - Đó là phong cách lãnh đạo dân chủ.

dan chu
Nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả sản xuất với
 Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 31/5/1957). Ảnh tư liệu.

Phong cách lãnh đạo dân chủ không chỉ là cốt cách làm việc của Hồ Chí Minh, mà còn là một trong những nội dung cốt lõi, tư tưởng cơ bản trong công tác xây dựng cán bộ, công tác xây dựng Đảng được đề cập trong nhiều tác phẩm của mình. Việc nghiên cứu, học tập, làm theo phong cách Bác Hồ nói chung, phong cách lãnh đạo dân chủ của cán bộ, đảng viên nói riêng có giá trị lý luận, thực tiễn to lớn, nhất là hiện nay chúng ta đang ra sức thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá””.

Phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên luôn chịu sự tác động, chi phối bởi điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan; nó mang đậm dấu ấn cá nhân, được hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện thông qua quá trình tu dưỡng, học tập, rèn luyện phấn đấu không ngừng; là sự biểu hiện tập trung, thống nhất của hệ thống các yếu tố tư tưởng, chính trị, đạo đức và phương pháp cách mạng.

Theo Bác, phong cách lãnh đạo dân chủ là cán bộ lãnh đạo phải đặt mình trong tập thể, tôn trọng tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, luôn tranh thủ bàn bạc với tập thể để có được quyết định chính xác và kịp thời nhất. Trong công tác lãnh đạo, quản lý mà thực hành được dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe ý kiến của mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Người chỉ rõ, dân chủ phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng tập thể, gắn liền với sự quyết đoán, dám nghĩ, dám mở mồm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo của cá nhân. Người chỉ rõ: “lãnh đạo cần phải tập thể, mà phụ trách cần phải cá nhân. Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau… Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung” [1]. Phong cách lãnh đạo dân chủ hoàn toàn đối lập với phong cách lãnh đạo theo kiểu áp đặt mệnh lệnh hành chính, độc đoán chuyên quyền, dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, tùy tiện, tự do vô chính phủ. Người nhấn mạnh: “Nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì? Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực. Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu” [2].

Phong cách lãnh đạo dân chủ của Bác luôn gắn chặt với phong cách lãnh đạo quần chúng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc” [3]. Người nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo v.v.. của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”. Để có phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng, cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc làm việc với quần chúng, nắm tâm tư nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của quần chúng. Đồng thời, phải tin yêu tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng; không chỉ giáo dục mà còn phải học hỏi quần chúng và nêu gương cho quần chúng noi theo. Bác yêu cầu, phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên phải sát quần chúng, hợp quần chúng, hòa mình với quần chúng; luôn đi sâu đi sát thực tế, để nghe được những điều quần chúng nói, thấu hiểu quần chúng để lãnh đạo họ; cán bộ ban, ngành từ Trung ương đến địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Tuy nhiên, Bác cũng chỉ rõ: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, Người nhấn mạnh: “Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”.

Phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng phải gắn liền với phong cách lãnh đạo khoa học, có tư duy, có trí tuệ. Người yêu cầu, làm việc phải có mục đích, chương trình, kế hoạch rõ ràng; toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên giám sát và kiểm tra; lý luận gắn liền với thực tiễn, rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Người nhấn mạnh: “Người lãnh đạo trong địa phương hoặc cơ quan đó phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp. Đối với mỗi địa phương, mỗi cơ quan, người lãnh đạo cấp trên cần phải xét cho rõ tình hình, hoàn cảnh và điều kiện cả địa phương hoặc cơ quan đó, mà quyết định việc gì là việc chính của thời kỳ nào. Khi đã quyết định, thì phải thực hành triệt để, cho đạt kết quả đã định” [4].

Thực tiễn khẳng định, phong cách lãnh đạo dân chủ của Bác đến nay còn nguyên giá trị to lớn. Là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta đề ra chủ trương, biện pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp đã quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"”. Đồng thời, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", bước đầu đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực trong Đảng và trong bộ máy nhà nước. Hầu hết đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp đã có nhiều cố gắng trong học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực, tận tụy, mẫn cán, có phương pháp, tác phong làm việc, tác phong lãnh đạo sâu sát, dân chủ, quần chúng, khoa học, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều cán bộ đã thực hành tốt “việc nói đi đôi với làm” và nêu gương trước cấp dưới, được quần chúng khen ngợi. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng… theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhất là Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đề ra.

Những khuyết điểm, tồn tại đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, chỉ ra cách đây gần 80 năm về trước, lúc Đảng ta mới trở thành Đảng cầm quyền trong thực tế, đến nay vẫn chưa khắc phục dứt điểm mà tính chất còn phức tạp hơn. Đảng ta khẳng định: “Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của Nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” [5]. “Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật” [6]. Những hạn chế, khuyết điểm trên làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Việc học tập, làm theo phong cách lãnh đạo dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp góp phần khắc phục khuyết điểm mà còn là giải pháp cơ bản, lâu dài góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 21 - KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cấp ủy đảng các cấp cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung biện pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, cấp ủy đảng các cấp cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên; cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tư tưởng của Người về phong cách lãnh đạo dân chủ, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực hiện dân chủ trong sinh hoạt đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy đảng, chi bộ theo Điều lệ Đảng. Tiếp tục phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp; khắc phục tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, hoặc độc đoán, chuyên quyền khi quyết định những vấn đề quan trọng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng cần gương mẫu trong thực hiện tự phê bình và phê bình trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật; cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát huy điều hay, sửa chữa khuyết điểm. Đồng thời, phải hoan nghênh người khác phê bình mình, phải chống những bệnh hữu danh vô thực, bệnh hình thức, kéo bè kéo cánh; kiên quyết phê phán, không để xảy ra các hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; phòng và chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ hai, thực hiện nghiêm chế độ lãnh đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng công tác; kịp thời xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo vi phạm kỷ luật trong công tác lãnh đạo, điều hành, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; ngăn chặn, khắc phục các khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, chuyên quyền gây mất đoàn kết nội bộ. Lựa chọn, bồi dưỡng và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa trong địa phương, cơ quan, đơn vị và cộng đồng.

Thứ ba, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nỗ lực học tập, tu dưỡng rèn luyện trau dồi phương pháp, tác phong làm việc, phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng, khoa học. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp cần ra sức, tự giác học tập và làm theo phong cách lãnh đạo dân chủ của Hồ Chí Minh, đưa việc học tập, làm theo trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày; được thực hiện gương mẫu, coi đó là bổn phận, danh dự của chính bản thân mình. Tích cực phê phán, đấu tranh khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh, thiếu tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và làm theo phong cách lãnh đạo dân chủ của Người. Hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh coi là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sắp xếp, đề bạt bổ nhiệm cán bộ các cấp, thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Phong cách lãnh đạo dân chủ của Bác Hồ không chỉ biểu hiện sâu sắc trong các tác phẩm, bài viết, bài nói mà còn hiện hữu sinh động cụ thể trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người là tấm gương mẫu mực về phong cách lãnh đạo dân chủ, luôn thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phong cách lãnh đạo dân chủ Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Phong cách lãnh đạo dân chủ của Bác Hồ còn nguyên giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn là cơ sở để Đảng ta đề ra đường lối, chủ trương trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tu dưỡng, rèn luyện xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới hiện nay.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 273.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 283.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 286.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 332.

[5] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 168.

[6] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 89.

 

Thượng tá Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: