Thứ năm, 18/04/2024

1. Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và phát triển kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, mang tính thống nhất, không biệt lập, tách rời nhau, mà tồn tại trong sự tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau theo những quan hệ xác định. Có thể nói, cuộc chạy đua phát triển kinh tế trên thế giới hiện nay thực chất là cuộc chạy đua về KH&CN. Đảng và Nhà nước ta coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Là người có tầm nhìn chiến lược, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa phát triển KH&CN với phát triển kinh tế, tư tưởng này của Người được thể hiện trên những khía cạnh căn bản sau đây:

Thứ nhất, KH&CN là nhân tố quyết định phát triển kinh tế:

Quan điểm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bài viết “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên Báo L'Humanité, ngày 2-8-1919. Theo Người, phát triển KH&CN quyết định khả năng cạnh tranh về kinh tế, Người viết: “…là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập đối với nhau. Nhưng người Nhật, nhờ ở chính phủ khôn khéo của họ, có các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt để tiến hành đấu tranh kinh tế; trong khi đó thì người An Nam - chúng tôi đã nói vì sao - lại hoàn toàn là con số không, xét về mặt tiến bộ hiện đại”(1). Qua đây, Người đã cho thấy sự tương phản trong lĩnh vực kinh tế giữa dân tộc Nhật Bản với dân tộc An Nam, người Nhật với các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt, mà thực chất là đã thực hiện công nghiệp hóa (chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng của nền kinh tế); du nhập và học hỏi từ phương Tây về khoa học - kỹ thuật hiện đại (đưa những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào giảng dạy, mời chuyên gia phương Tây đến Nhật Bản phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật) để tăng khả năng cạnh tranh về kinh tế, chiếm lợi thế tuyệt đối trong so sánh kinh tế.

Bài viết trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể được xem như là mốc đánh dấu sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa phát triển KH&CN với phát triển kinh tế.

KHCN a
Bác Hồ thăm Xưởng Cơ khí (nay là Công ty CP Cơ khí Gang thép Thái Nguyên)
 ngày 01-01-1964. Ảnh: http://www.thainguyen.gov.vn

Về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ tính quyết định của KH&CN đối với phát triển kinh tế nói riêng và thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Trả lời trong cuộc họp báo tại biệt thự Roayan Môngxô ngày 12/7/1946, với câu hỏi “Nghe nói Chủ tịch tuyên bố rằng Chủ tịch có xu hướng cộng sản, nhưng có phải Chủ tịch cho rằng nước Việt Nam chưa có thể cộng sản hóa được trước một thời hạn là 50 năm không?”, Người nói: “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ,…. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ” (2).

Thứ hai, khoa học là căn cứ để xây dựng đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế:

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hết sức ngăn ngừa khuynh hướng chủ quan nóng vội, gò ép phát triển kinh tế mà bất chấp cơ sở khoa học, bất chấp quy luật khách quan. Trong bài: “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội” đăng trên Báo Nhân Dân, số 2563 ra ngày 27/3/1961, Người viết:“Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phảitiến vững chắc. Phải nắm vữngquy luậtphát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thậnnhững điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể.Kế hoạchphải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho những điều kiện thực tế. Phảichống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phongđiều tra, nghiên cứutrong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước” (3).

Như vậy, Người đã xác định rõ việc hoạch định đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế phải dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn, tuyệt đối tránh chủ quan, giáo điều, xa rời thực tế. Đây vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để các chính sách của Đảng và của Nhà nước đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận.

Thứ ba, KH&CN phải gắn chặt với sản xuất:

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, KH&CN phải gắn chặt với sản xuất, là một yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất và hướng vào giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế của đất nước. Người cho rằng, khoa học phải từ sản xuất mà ra và trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Phát biểu tại Hội nghị Cán bộ phát động cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” (07/3/1963), Người nói: “Chúng ta cần phải tập trung lực lượng làm cho nước ta sản xuất ngày càng nhiều lương thực; trồng càng nhiều cây công nghiệp; chăn nuôi càng nhiều trâu, bò, lợn, gà,… Muốn có kết quả đó thì nhất định phải cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật” (4). Tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ phục vụ sản xuất của KH&CN, trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963 (kể từ năm 2014, ngày 18/5 trở thành ngày truyền thống của ngành KH&CN Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó (5). Bác đã giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học, cán bộ quản lý KH&CN Việt Nam là phải quan tâm phát triển KH&CN vì nó ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người nhấn mạnh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằmnâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân,bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”(6).

Cụ thể hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, KH&CN gắn chặt với sản xuất nghĩa là KH&CN phải góp phần thực hiện khẩu hiệu “Sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Quan điểm này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bài viết “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” đăng trên Báo Nhân Dân, số 2187 ra ngày 14/3/1960, Người chỉ rõ: “Có cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động, mới có thể sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nếu chỉ dựa vào sự quen tay hoặc nếu chỉ dồn thêm sức ra, kết quả thường là được mặt này mất mặt khác, được nhanh lại không tốt, được tốt lại không nhanh, không rẻ… mà mặt nào cũng bị hạn chế” (7). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia công tác KH&CN không phải là việc của riêng ai, mà của tất cả mọi người, mọi ngành nhằm nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

KHCN-b
Khoa học công nghệ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
.
Ảnh: 
http://www.tuyengiao.vn

Rõ ràng, KH&CN cần phải gắn chặt với sản xuất, nhất là ở những nước nghèo, để phục vụ sản xuất phát triển; đồng thời sản xuất cũng là động lực thúc đẩy KH&CN phát triển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta là nước chậm phát triển, việc xây dựng tiềm lực KH&CN hướng tới hiện đại, làm cho sản xuất phát triển nhanh, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là bảo đảm các yêu cầu cơ bản, xóa đói giảm nghèo.

KH&CN phải gắn chặt với sản xuất là một điểm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa phát triển KH&CN với phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng của Người về quan hệ giữa phát triển KH&CN với phát triển kinh tế vẫn rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển KH&CN ở nước ta hiện nay.

2. Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa phát triển KH&CN với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò hết sức quan trọng của KH&CN, coi phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được rất nhiều thành tựu về KH&CN. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) khẳng định: Đóng góp của KH&CN tăng; năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm, cao hơn giai đoạn trước; vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 29%.Tiềm lực KH&CN được tăng cường. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN tăng bình quân 16,5%/năm, đạt khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Đầu tư xã hội cho KH&CN tăng nhanh, ước đạt 1,3% GDP vào năm 2015. Khoa học cơ bản đã có bước phát triển. Ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, y tế, thông tin và truyền thông,... Các quỹ về KH&CN được thành lập, bước đầu đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Phát triển thị trường KH&CN, tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu, giá trị giao dịch công nghệ tăng bình quân 13,5%/năm. Hình thành một số mô hình gắn kết hiệu quả giữa viện, trường với doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN.

3. Trong bối cảnh mới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa phát triển KH&CN với phát triển kinh tế, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI (31/10/2012), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 20 đã đề ra các quan điểm định hướng phát triển KH&CN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau: (1) Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; (2) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN; (3) Đầu tư cho nhân lực KH&CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc; (4) Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN; (5) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức KH&CN tiên tiến của thế giới, thu hút nguồn lực và chuyên gia, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án KH&CN của Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát về phát triển KH&CN của nước ta đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là: Phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI.

Thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy KH&CN phát triển. Điển hình là ban hành Luật KH&CN năm 2013 thay thế cho Luật KH&CN năm 2000; ban hành các cơ chế, chính sách về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam; bảo hộ tài sản trí tuệ; chuyển giao công nghệ,…

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa phát triển KH&CN với phát triển kinh tế mặc dù ra đời cách đây nhiều thập kỷ nhưng vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Chúng ta không chỉ tìm thấy trong tư tưởng của Người những gợi ý nhằm tháo gỡ các vướng mắc cụ thể về vai trò nhân tố quyết định phát triển kinh tế của KH&CN; về căn cứ để xây dựng đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế; về gắn kết giữa khoa học với sản xuất,… mà còn có thể học được từ đó phương pháp luận giải quyết vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa phát triển KH&CN với phát triển kinh tế trong bối cảnh, tình hình hiện nay, những quan điểm, mục tiêu đúng đắn của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước chắc chắn sẽ tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực KH&CN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đến thắng lợi./.

ThS. Hoàng Thị Thu Hiền - BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

NCS. Hà Công Hải - Bộ KH&CN

--------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.14

(2) Sđd, tập 4, tr.315

(3) Sđd, tập 13, tr.71

(4) Sđd, tập 14, tr.42

(5), (6) Sđd, tập 14, tr.96, tr.97

(7) Sđd, tập 12, tr.527

Bài viết khác: