Thứ sáu, 26/04/2024

          Khu lưu niệm Cát Tường là nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm tỉnh Hà Nam. Khu lưu niệm cách thành phố Phủ Lý 16 km theo trục quốc lộ 21A hướng đi Nam Định, là điểm có vị trí thuận lợi cho giao thông đường bộ và đường thủy. Từ đây có thể kết nối các điểm du lịch khác của huyện như Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai và các điểm du lịch nhân văn trong tỉnh như đền Trần Thương, đền Bà Vũ, Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao, đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn...

          60 năm trước, ngày 14/01/1958, khoảng 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm công trường đắp đập Cát Tường thuộc xã An Hòa (nay là xã An Mỹ), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đang khởi công làm để lấy nước cứu hàng nghìn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn. Bác đến thăm từng nơi làm việc của các nhóm cán bộ, công nhân, nông dân.

          Trước đông đảo nhân dân, Bác khen ngợi tinh thần cố gắng hoàn thành con đập để kịp thời đưa nước về cấy hết diện tích. Bác nói: "Tỉnh giao đắp đập trong bảy ngày, các cô, các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian để sớm có nước cày cấy". Mọi người cùng đồng thanh hứa với Bác quyết tâm đắp đập thật nhanh, cấy hết diện tích. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân Bình Lục đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến năm ngày. Con đập hoàn thành dài 120m, bề mặt rộng hơn 2m cao bằng mặt đê, chắn ngang sông Sắt ngăn không cho nước đổ vào sông Ninh, tạo điều kiện giữ nước cứu hàng nghìn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn.

          Đây cũng là lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hà Nam và dự Hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh Hà Nam. Gần 4.000 cán bộ, nhân dân từ xã đến tỉnh rất phấn khởi được đón Bác và nghe Bác huấn thị. Tại Hội nghị, Bác khen ngợi cán bộ, nhân dân Hà Nam trước kia không những vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng, mấy năm gần đây có nhiều thành tích trong chống hạn, sản xuất. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao Lá cờ "Chống hạn khá nhất" cho huyện Bình Lục và trao Huy hiệu chống hạn cho các đơn vị khơi Kênh Ben, đắp đập Cát Tường và vét mương Mạc Thượng.

          Để ghi nhớ công ơn Người và ghi dấu sự kiện Người về thăm, năm 2011, được sự quan tâm của Trung ương và các cấp, các ngành, Khu lưu niệm Cát Tường được khởi công xây dựng tại đúng vị trí Bác Hồ về thăm và động viên nhân dân chống hạn cứu lúa với các hạng mục trọng điểm như: Nhà tưởng niệm, khu quảng trường, khu nhà trưng bày kỷ vật, hệ thống tường kè, thoát nước... tạo thành hệ thống hạ tầng du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân.

          Với quy mô và ý nghĩa to lớn, Khu lưu niệm Cát Tường cùng với những công trình hóa văn khác là những tư liệu, hiện vật quý, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho người dân Hà Nam hôm nay khắc ghi lời dạy của Người.

khu nuu niem cat tuong 1

khu nuu niem cat tuong 2

khu nuu niem cat tuong 3

khu nuu niem cat tuong 4

khu nuu niem cat tuong 5
Một số hình ảnh của Khu lưu niệm

          Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị chống hạn và thăm đắp đập Cát Tường là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân Hà Nam. 60 năm qua, những lời dạy bảo của Người, những tình cảm sâu nặng của Người đã trở thành động lực tinh thần to lớn, luôn nhắc nhở, động viên cán bộ đảng viên và nhân dân Hà Nam không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được những thành tích quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tiếp tục thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Huyền Anh (Tổng hợp)

Bài viết khác: