Thứ bảy, 20/04/2024

XEM VIỆN BẢO TÀNG CÁCH MẠNG

(TRÍCH)

Các em tiểu học sinh đến xem Viện bảo tàng Lỗ Tấn. Đến chỗ trưng bày những quyển sổ tay của Lỗ Tấn, quyển nào cũng rất sạch sẽ chỉnh tề. Cô giáo giới thiệu một cách hiền lành: “Các em thử so sánh xem, sổ tay của các em có sạch sẽ chỉnh tề như thế không?”. Các em học sinh thật thà “liên hệ” và từ đó, sách vở và sổ sách của các em tiến bộ nhiều.

Đó là một câu chuyện thật ở Trung Quốc.

Hôm cùng đi xem Viện bảo tàng cách mạng mới, Tổng thống Xucácnô, một người bạn nói một cách thắm thiết:

“Nếu người ta chú ý, thì xem Viện bảo tàng cách mạng một lần cũng bằng học một pho lịch sử cách mạng”. Xem những hiện vật, Viện bảo tàng cho chúng ta thấy rõ:

- Đất nước Việt Nam tươi đẹp và giàu có. Nhân dân Việt Nam thông minh và cần cù. Nhưng trước đây, bọn thực dân và phong kiến đã đưa nhân dân ta vào một hoàn cảnh đen tối và bần cùng. Chính trị thì không có dân chủ tự do. Vật chất thì nghèo nàn cực khổ. Bi thảm nhất là vào Đông - Xuân năm 1944 - 1945, chỉ ở miền Bắc đã có hơn hai triệu người chết đói. Xem những hình ảnh ấy, ai mà không tức giận, căm thù?

- Nhân dân Việt Nam rất anh dũng. Những cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp liên tiếp không ngớt. Người trước ngã, thì trăm nghìn người sau nổi lên, vô cùng oanh liệt. Nhưng đến ngày có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, cách mạng mới thành công.

BÀI NÓI TẠI HỘI NGHỊ THUỶ LỢI TOÀN MIỀN BẮC

(TRÍCH)

Ai làm cách mạng? Nhân dân

Ai kháng chiến thắng lợi? Toàn dân. Vậy thì bây giờ muốn có đủ nước, muốn điều hoà nước thì cũng phải toàn dân làm thủy lợi. Muốn thế, cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào nhân dân; trước hết phải tin tưởng lực lượng và trí tuệ của nhân dân là vô cùng vô tận. Tuyên truyền, giáo dục đoàn kết, tổ chức được trí tuệ và lực lượng đó thì việc gì khó mấy cũng làm được.

BÀI NÓI TẠI HỘI NGHỊ RÚT KINH NGHIỆM CÔNG TÁC QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TOÀN MIỀN BẮC

(TRÍCH)

Muốn hợp tác xã phát triển và củng cố tốt, cần luôn luôn ghi nhớ và ra sức thực hiện khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác.  Không nên có hiện tượng làm chăm cái vườn riêng của mình hơn là ruộng của hợp tác xã, vì như thế là không ''cần'' đối với hợp tác xã. Không nên hơi một tý cũng cờ quạt linh đình, mổ bò liên hoan, gì như thế là không ''kiệm''. Tiền của hợp tác xã chỉ nên dùng vào việc gì có ích thiết thực cho hợp tác xã.

CẦN KIỆM

(TRÍCH)

… Mỗi người công dân ta phải thực hành cần và kiệm. Cần để nâng cao không ngừng năng suất lao động. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất.

Kiệm mà không Cần thì cũng vô ích. Cần mà không Kiệm thì tay không lại hoàn tay không.

Phải cần kiệm để xây dựng hợp tác xã. Điều đó cán bộ và xã viên phải hiểu thật thấu, phải nhớ thật kỹ phải thực hành cho kỳ được, thì hợp tác xã mới củng cố và phát triển tốt.

Hiện nay, có một số hợp tác xã chưa hiểu điều đó, không làm đúng như vậy.

BÀI NÓI TẠI HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ ĐẢNG
CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Trước khi thành lập Đảng ta, trong nước có ba nhóm cộng sản. Năm 1930 họp bàn về việc thống nhất. Lúc này địch khủng bố dữ, các đại biểu phải bí mật ra Hương Cảng, giả đi xem đá bóng ngồi ở sân cỏ nhà bàn bạc, rồi đồng ý với nhau ba nhóm thống nhất lại thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đảng ta ra đời trong lúc thực dân Pháp đang đàn áp gắt gao Đảng mới ra đời đã tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh rất anh dũng là Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Đảng 12 tuổi thì tổ chức phong trào du kích đánh Pháp, đánh Nhật.

15 tuổi, tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công.

17 tuổi, lãnh đạo kháng chiến và 24 tuổi, kháng chiến thắng lợi.

Hoà bình lập lại, Đảng lãnh đạo và tổ chức nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Thế mà trong 30 năm mà Đảng ta đã làm được hai cuộc cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì sao Đảng ta có những thắng lợi như thế?

Lúc đầu, Đảng có rất ít đảng viên và lại thường bị thực dân Pháp bắt bớ, bỏ tù. Nhưng Đảng ta vẫn tiến lên. Tới Cách mạng Tháng Tám, số đảng viên xấp xỉ 5.000 người, trong đó có một số đang bị giam ở các nhà tù đế quốc. Non 5.000 đảng viên mà tổ chức lãnh đạo 24 triệu đồng bào khởi nghĩa, cách mạng cả nước thành công.

Vì sao mà Đảng anh hùng như thế? Tuy lúc bấy giờ làm cách mạng, thì hoặc là tiếp tục hoạt động cho đến khi cách mạng thành công hoặc là bắt, bị giết. Nhưng vì tin tưởng rằng Đảng nhất định thành công, cách mạng nhất định thắng lợi, cho nên người này bị bắt, có người khác thế, một người bị giết thì có trăm người khác thay. Đảng viên thì rất đoàn kết, nhất trí, rất gần gũi nhân dân. Cho nên, tuy đảng viên ít nhưng Đảng vẫn lãnh đạo được cách mạng thành công.

Đảng viên chúng ta có rất nhiều người gương mẫu, có đạo đức cách mạng. Như nữ đồng chí Minh Khai, đã bị đế quốc kết án tử hình hai nơi, mà lúc hy sinh vẫn rất oanh liệt. Các đồng chí Trần Phú, Hoàng Văn Thụ và nhiều đồng chí khác đều là những gương anh hùng.

Trong công tác, gương anh hùng cũng nhiều. Ví dụ: Có đồng chí làm công tác bí mật, ở dưới hầm hàng tháng viết truyền đơn, dịch sách báo. Tới lúc ra ngoài ánh sáng, mắt bị mờ. Có đồng chí bị giặc tra tấn, chết đi sống lại, không khai một lời...

Cán bộ và đảng viên ta ai cũng là người, cũng là da thịt, nhưng vì tin tưởng vào Đảng, vào giai cấp, vào sức mạnh của tập thể, cho nên kiên quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Thanh niên cũng có gương anh hùng như Trọng Con, cô Sáu... và nhiều người anh hùng vô danh khác. Vì thế cho nên Đảng càng ngày càng mạnh.

Trong kháng chiến, Đảng ta có những người con anh hùng như đồng chí Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để cho bộ đội tiến lên, đồng chí Tô Vĩnh Diện lấy mình chèn cho xe đại bác khỏi lăn xuống dốc, nhiều đồng chí nhịn đói hai ba ngày chạy đua đánh giặc. Những anh hùng ấy của Đảng, của nhân dân là anh hùng tập thể, thấm nhuần đạo đức cách mạng của Đảng. Có đạo đức cách mạng mới lãnh đạo được giai cấp, tổ chức, đoàn kết được quần chúng, làm cho cách mạng thắng lợi, kháng chiến thành công.

Ngày nay, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có những công việc rất to lớn và phức tạp. Chúng ta đã đánh thắng thực dân Pháp và giai cấp phong kiến, nhưng còn phải đấu tranh với kẻ địch nguy hiểm khác, đó là nghèo nàn, đói khổ, lạc hậu.

Chúng ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu, mức sống thấp kém. Chúng ta phải ra sức đấu tranh làm cho nhân dân ta ai cũng ăn no, mặc ấm, có việc làm, có giờ nghỉ, được học tập.

Ta có điều kiện thuận lợi để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước ta có ''rừng vàng biển bạc'', nhân dân ta cần cù. Ta được các nước anh em giúp đỡ. Nhưng cũng có khó khăn như thiên tai, lụt, hạn, văn hoá, kỹ thuật còn kém.

Nói chung, cán bộ, đảng viên của ta tốt, trung thành với cách mạng. Chúng ta quyết tâm đấu tranh thì nhất định vượt qua được những khó khăn đó. Giác ngộ chính trị thì cố nhiên cần rồi, vào Đảng là phải biết, phải học chính trị. Nhưng lại phải có văn hoá, kỹ thuật để sử dụng máy móc ngày càng tinh vi. Ta còn kém về mặt này. Công nhân Liên Xô ở các nhà máy có rất nhiều người học đến lớp 10. Bây giờ thử hỏi cán bộ ở đây có mấy người đã học đến lớp 10? Cho nên chúng ta phải học nhiều, phải cố gắng học. Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình.

Có đúng như thế không? Nếu đúng, thì các đồng chí phải học văn hoá, học chuyên môn.

Trong Đảng ta có một số không ít đồng chí mắc bệnh công thần, cho rằng mình đã tham gia cách mạng lâu năm mà tự kiêu, tự mãn. Hoạt động cách mạng lâu năm là tốt. Nhưng phải khiêm tốn học tập để tiến bộ mãi. Xã hội tiến lên không ngừng. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm cơ sở đấu tranh thống nhất nước nhà thì phải cố gắng học tập.

Trong Đảng ta có nhiều gương đấu tranh anh dũng, không sợ nguy hiểm, không sợ hy sinh vì tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, vào tương lai của giai cấp và của Tổ quốc. Hiện nay, đồng bào miền Nam đang bền bỉ đấu tranh chống Mỹ - Diệm cũng rất là anh hùng.

Ở miền Bắc, những anh hùng, chiến sĩ thi đua làm theo lời kêu gọi của Đảng. Họ lao động quên mình vì dân tộc, vì giai cấp. Họ không suy tính hơn thiệt. Đảng cần họ làm công việc gì, thì họ đều vui vẻ làm và làm vượt mức. Đó cũng là anh hùng.

Đảng viên chúng ta là những người rất tầm thường, vì chúng ta đều là con của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, chúng ta chỉ biết trung thành với giai cấp vô sản, quyết tâm đấu tranh cho nhân dân. Thế thôi. Chính vì chúng ta rất tầm thường cho nên Đảng ta rất vĩ đại. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác.

Hôm qua, các báo có thuật lại tin đồng chí dân quân tên là Trần Văn Tân, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Đoàn thể phái đồng chí Tân cùng mấy anh em nữa đi lấy gỗ. Vì mưa to gió lớn cho nên nhiều lần bè vỡ. Đồng chí Tân đã không sợ nguy hiểm, xung phong lội xuống sông cột bè. Bè về tới nơi thì thấy thiếu một số cây. Đồng chí Tân lại xung phong đi hai, ba ngày tìm đủ gỗ về. Dân quân là một địa vị tầm thường. Đi lấy gỗ là một việc tầm thường. Nhưng vì vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ, cho nên anh hùng.

Hiện giờ ở nông thôn đã thảo luận sôi nổi về hai con đường: Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể.

Vì sao Đảng ta mạnh và ngày càng mạnh? Vì Đảng ta có chủ nghĩa tập thể. Mỗi đảng viên cũng phải như thế. Nhưng có một số đảng viên chưa làm đúng như vậy, họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Ví dụ trong vấn đề đãi ngộ, họ thường suy bì, tị nạnh. Về công tác thì muốn chọn việc dễ, tránh việc khó, v.v.. Các đồng chí đó không nhớ rằng trong thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, trong thời kỳ kháng chiến và hiện nay, những người anh hùng, chiến sĩ thi đua phấn đấu hy sinh có phải vì đãi ngộ không? Có phải vì cấp bậc không?

Trong Đảng và Nhà nước ta có sự phân công chặt chẽ như các bộ phận trong chiếc đồng hồ: Cái kim, dây cót khác nhau nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau. Thiếu một bộ phận nào cũng không được. Trong xã hội cũng thế. Đảng ta là một tập thể chặt chẽ, không thể dung thứ chủ nghĩa cá nhân. Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra nhiều chứng xấu. Mỗi một người, bất kỳ làm công tác gì, ở địa vị nào, đều là quan trọng. Công việc gì có ích cho Đảng, cho cách mạng cũng vẻ vang.

Chủ nghĩa cá nhân chỉ thấy lợi ích riêng của mình, không thấy lợi ích chung của tập thể. Về vật chất thì chỉ muốn hưởng thụ, công việc làm thì không dám xung phong. Thế là không tốt. Vì chủ nghĩa cá nhân mà không phấn khởi, không tiến bộ.

Đảng ta là một tập thể lớn, tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí. Mỗi đảng viên phải bảo vệ Đảng và mọi chủ trương, chính sách của Đảng.

Đảng ta có khuyết điểm không? Có. Vì thay đổi xã hội cũ thành xã hội mới không phải là dễ. Cũng như phá một cái nhà cũ, xây dựng một lâu đài mới. Trong lúc đang xây dựng lâu đài, không tránh khỏi có gạch vụn, mùn cưa, v.v.. Xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng thế, không hoàn toàn tránh được khuyết điểm, sai lầm.

Nhưng lúc nào có sai lầm, Đảng ta dũng cảm nhận sai lầm và quyết tâm sửa chữa.

Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình. Lênin có nói rằng: Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm: Là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài. Có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa. Chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình, không muốn người ta phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa. Vì vậy mà thoái bộ, chứ không tiến bộ được.

Nói tóm lại, Đảng ta trong ba mươi năm qua đã phấn đấu rất anh dũng và đã thắng lợi rất vẻ vang. Ngày nay, Đảng ta vẫn phải tiếp tục phấn đấu để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong cuộc đấu tranh đó, ta có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng cũng có khó khăn. Nếu mỗi cán bộ và đảng viên ta biết làm tròn nhiệm vụ của mình, bồi dưỡng và phát triển chủ nghĩa tập thể, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, ra sức học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật, thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Cuối cùng, Bác chúc các cô, các chú ghi nhớ những điểm trên để làm cho tốt. Hiện nay chúng ta đã có hơn 40 vạn đảng viên, và hơn 60 vạn đoàn viên thanh niên lao động. Có chính quyền mạnh, bộ đội rất anh dũng và nhân dân rất hăng hái. Nước ta lại là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại. Cho nên, cán bộ, đảng viên ta làm tròn nhiệm vụ, ra sức học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật, thì nhất định chúng ta sẽ thắng lợi.

Chúc các cô, các chú luôn luôn tiến bộ.

BÀI NÓI TẠI LỄ KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG

(TRÍCH)

Đảng ta vĩ đại thật…: Trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến, Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn, hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp.

Nhưng thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều. Ngày nay miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm và mỹ tục thuần phong. Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hoá tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta.

- Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác.

BA MƯƠI NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG

(TRÍCH)

….

Sở dĩ đạt được những thắng lợi ấy là vì:

- Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác - Lê-nin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối chính sách đúng đắn. Đảng ta không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản và những khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản trong phong trào dân tộc; chống luận điệu ''tả'' của bọn tơrốtxkít trong phong trào công nhân; chống những khuynh hướng hữu và ''tả” trong Đảng khi quy định và chấp hành chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng mỗi thời kỳ. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã giúp Đảng ta vượt qua những trận thử thách ấy. Nhờ vậy, Đảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực và đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh quyền lãnh đạo cách mạng với Đảng ta.

Chính vì đã biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức, mà Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khăn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta đến những thắng lợi vẻ vang ngày nay.

Từ nay về sau trên con đường tiến lên giành những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng ta sẽ luôn luôn giữ vững và tích cực góp phần củng cố tình đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân, tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, ra sức giáo dục cho nhân dân ta thấm nhuần sâu sắc tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa kết hợp chặt chẽ với tinh thần yêu nước, liên hệ cách mạng nước ta với phong trào của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh cho hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Mọi đảng viên đều phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác- Lê-nin, củng cố lập trường giai cấp vô sản, cố gắng nắm vững những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản, cần kiệm xây dựng nước nhà, liên hệ chặt chẽ với quần chúng lao động, một lòng một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng và Tổ quốc.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững khoa học và kỹ thuật, do đó mỗi đảng viên đều phải cố gắng học tập văn hoá, học tập khoa học kỹ thuật.

Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực.

- Đoàn Thanh niên lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

- Công đoàn phải thật sự trở thành trường học quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và văn hoá của giai cấp công nhân nước ta.

- Hội liên hiệp phụ nữ phải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên tổ chức và lãnh đạo phụ nữ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

- Các hợp tác xã nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải trở thành những đội quân vững mạnh của mười mấy triệu nông dân lao động trong công cuộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giáo dục tư tưởng và xây dựng nông thôn phồn thịnh của nước ta.

 - Quân đội ta phải ra sức học tập chính trị và kỹ thuật, xây dựng thành một lực lượng ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hoà bình của nhân dân ta.

Dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với chí khí anh dũng của đội quân tất thắng, toàn Đảng ta đã đoàn kết hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, tiến lên lãnh đạo nhân dân lao động nước ta giành những thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà.

MỪNG TẾT NGUYÊN ĐÁN THẾ NÀO?

(TRÍCH)

Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi.

Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân!

Nên nhớ rằng hiện nay chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy.

Trăm năm trong cõi người ta

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian.

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI ĐỒNG BÀO VÀ CÁN BỘ KIẾN AN

(TRÍCH)

Đảng viên và cán bộ ta nói chung là trung thành, tận tuỵ, hăng hái. Nhưng một số đảng viên và cán bộ còn có bệnh công thần, suy tị, ỷ lại, tiêu cực, không gương mẫu, đầy rẫy chủ nghĩa cá nhân.

Từ nay về sau, tất cả các đảng viên, cán bộ và chi bộ phải thường thường ôn lại, tự liên hệ và giữ đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên.

CHUNG QUANH PHÒNG HỌP MỚI

(TRÍCH)

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là. Kẻ thù chính của nó là: Tệ tham ô, lãng phí, bệnh phô trương, hình thức và lối làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm. Vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, chúng ta ra sức đánh bại những kẻ thù nguy hiểm ấy.

BÀI NÓI TẠI HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU NHỮNG NGƯỜI TÍCH CỰC TRONG PHONG TRÀO VĂN HOÁ QUẦN CHÚNG

Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hoá. Vì sao không nói phát triển văn hoá và kinh tế. Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước. Nhưng phát triển để làm gì? Phát triển kinh tế và văn hoá để nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ta. Các cô, các chú vừa lao động sản xuất tích cực, vừa hoạt động văn hoá tích cực. Thế là tốt. Văn hoá phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hoá phải có ý nghĩa giáo dục. Ví dụ: Phải giáo dục thế nào là đời sống mới, thế nào là đạo đức cách mạng. Trong việc ''Tết trồng cây'', phải phổ biến trồng cây như thế nào cho tốt, phải chăm sóc và chăm bón cây như thế nào. Ở nhiều địa phương, các cô, các chú đã sáng tác nhiều bài thơ, ca, hò, vè nói về những vấn đề đó rất thiết thực, nội dung rất tốt. Bác hoan nghênh các cô, các chú. Văn hoá phải gắn liền với lao động sản xuất. Văn hoá xa đời sống, xa lao động là văn hoá suông. Nhiệm vụ của người cán bộ văn hoá là phải dùng văn hoá để tuyên truyền cho việc cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Ví dụ: Ở trong hợp tác xã, văn hoá phải tuyên truyền, giáo dục ý thức cần kiệm xây dựng hợp tác xã, yêu hợp tác xã như nhà, chống tư tưởng làm ăn riêng lẻ và những tư tưởng lạc hậu có ảnh hưởng xấu cho việc củng cố và phát triển hợp tác xã. Ở xí nghiệp, văn hoá phải tuyên truyền, giáo dục ý thức làm chủ xí nghiệp, đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch nhà nước cần kiệm xây dựng nền công nghiệp nước nhà, chống tham ô lãng phí v.v..

Nói tóm lại, để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hoá phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức.

Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân còn thấp, do đó, còn hạn chế nhiều kết quả trong công tác, trong sản xuất. Nhiệm vụ các cô, các chú là phải cố gắng hơn nữa, góp phần nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân./.

Còn nữa

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: