Thứ sáu, 29/03/2024

Không chỉ là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ còn là một nhà báo đa tài, am hiểu sâu sắc về nghề báo. Những góp ý của Bác về khuyết điểm, hạn chế của báo chí và người làm báo từ hơn nửa thế kỷ trước hiện vẫn là những bài học sâu sắc.

Nửa thế kỷ cầm bút của Nhà báo Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, với sự ra đời của Báo Thanh niên, mà ngày ra số báo đầu tiên (21/6/1925) đã trở thành Ngày truyền thống của nền báo chí cách mạng.

Ngoài tờ Thanh niên, Người còn tham gia chỉ đạo và sáng lập 8 đầu báo khác ở cả trong nước và nước ngoài, như Người cùng khổ (năm 1922), Quốc tế nông dân (1924), Công nông (1925), Lính kách mệnh (1927), Thân ái (1928), Đỏ (1930), Việt Nam độc lập (1941) và Cứu quốc (1942). Đây là những tờ báo giữ vai trò quan trọng về tuyên truyền, định hướng chính trị, tư tưởng, tập hợp lực lượng, sức mạnh toàn dân để làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

khi-bac-ho-xung-phong-phe-binh-bao-chi1466365954
Chiếc máy chữ luôn gắn liền với công việc làm báo của Nhà báo Hồ Chí Minh.

Nhưng những người làm báo, theo nghề báo còn có một may mắn và vinh hạnh mà ít ngành nghề có được, đó là có một đồng nghiệp, một người thầy trong nghề như nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, bởi Bác còn là người trực tiếp viết báo, sử dụng sức mạnh của báo chí như một thứ vũ khí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng.

Ngay từ khi bắt đầu tìm con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết báo, với tác phẩm đầu tay mang tên “Quyền của các dân tộc thuộc địa”, đăng trên Báo Nhân đạo (Pháp), ngày 18/6/1919. Cho đến những ngày sắp đi xa, Người vẫn viết tác phẩm “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M. Níchxơn” (viết ngày 25/8/1969, sau này đăng trên Báo Nhân dân ngày 07/11/1969). Vậy là, gần như ngòi bút của nhà báo Hồ Chí Minh đã không ngừng nghỉ trong hơn nửa thế kỷ. Các tư liệu thống kê cho thấy, Bác Hồ đã để lại hơn 2.000 bài báo các loại, với khoảng 150 bút danh khác nhau, viết bằng nhiều thứ tiếng, từ tiếng Việt, đến Anh, Pháp, Nga, Hán.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đời của nhà báo Hồ Chí Minh lại song hành, hòa quyện, đan xen với cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người từng nói về “mong muốn tột bậc” của cả cuộc đời mình là mong cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Còn với cương vị một nhà báo, Người luôn quan tâm đến độc lập của nước nhà, đời sống của nhân dân trong từng bài viết. Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959), Người chỉ rõ: “Báo chí của ta cần phục vụ nhân dân lao động, phục vụ đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”.

Một cách giản dị đúng với phong cách thường thấy, Người nói với các nhà báo (tại Đại hội lần thứ II đã dẫn) rằng, “về nội dung viết mà các cô chú gọi là đề tài, thì tất cả các bài Bác viết chỉ có một đề tài”, đó là về nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm của báo chí

Là người sáng lập nền báo chí cách mạng, trực tiếp viết hàng nghìn bài báo, Bác là người am hiểu diện mạo, sức khỏe của nền báo chí nước nhà. Dù chỉ nhận mình là người “nhiều duyên nợ với báo chí” và chỉ “nêu vài ý kiến giúp các cô chú tham khảo”, song Người đã chỉ trúng, chỉ đúng những khuyết điểm, hạn chế của báo chí và người làm báo.

Ghi nhận “ưu điểm của các cô, chú không ít”, Người thẳng thắn, chân tình nói về “khuyết điểm thì cũng còn nhiều” của báo chí. Đó là, có người ít hay nhiều còn “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”, viết về chính trị thì “khô khan, rập khuôn”.

“Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng” - Người nói và dẫn những tờ báo phương Tây, một mặt ru ngủ nhân dân, làm nhân dân mất ý chí đấu tranh, một mặt phục vụ giai cấp tư sản. Trong khi đó, một số tờ báo của nhân dân lao động lại thường xuyên bị giai cấp tư sản bắt bớ, ngăn cản.

“Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động (…). Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, Người căn dặn.

Sau này, trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III (năm 1962), Bác tiếp tục nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Đối với người viết báo, Bác nhắc nhở “bệnh dùng chữ” phổ biến trong tất cả các ngành, mà có khi còn dùng sai. Vì thế, “mong rằng báo chí cố gắng sửa cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi”.

Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến chất lượng báo chí. Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam, Bác “lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, nêu ra vài ý kiến”, trong đó điều đầu tiên Bác nhắc là chuyện giữa số lượng và chất lượng báo chí: “Số báo chí cũng đã tăng rất nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều ngành cũng có báo. Hiện nay, đã có hơn 150 tờ báo các loại. Theo ý tôi thì tăng hơi nhiều quá. Từ nay, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó”.

Tại cuộc nói chuyện này, Bác còn nhấn mạnh đến phê bình và tự phê bình trong báo chí. Theo Bác, “phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, ‘trị bệnh cứu người’. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm”.

Bác chỉ rõ tình trạng “sợ phê bình”, khi “có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo, mà còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt. Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”.

Và Bác “xung phong phê bình các báo”: Bài báo thường quá dài, dây cà ra dây muống, không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng; thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến những khó khăn và khuyết điểm của ta; đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng; thiếu cân đối thông tin, tin nên dài thì viết ngắn, tin nên ngắn lại viết dài… và “khuyết điểm nặng nhất” là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.

Nhắc nhở những điều mang tính định hướng, nhưng Bác cũng rất am hiểu từng chi tiết “bếp núc” của nghề báo và nhấn mạnh, trong nghề làm báo, không chỉ có người viết mà còn nhiều ngành khác cũng rất quan trọng, ví như ngành in, vì “có những lúc in không cẩn thận, in thiếu nét, thiếu dấu hoặc in lờ mờ không rõ” thì rất nguy hiểm. Chẳng hạn, người viết bài thích dùng chữ, gọi người đánh cá là “ngư dân”, mà người in lại in thiếu cái dấu ở chữ “ư” thì thành ra là “ngu dân”. Việc phát hành báo cũng rất quan trọng, “phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem”.

Đó chỉ là vài nét mà Bác Hồ - với cương vị một nhà báo, một người “có cơ duyên với báo chí”, “có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí” như Bác khiêm tốn tự nhận đã chỉ ra trong những cuộc nói chuyện gần gũi với các nhà báo. Nhưng nhìn vào thực tiễn báo chí hiện nay, từ câu chuyện bản lĩnh chính trị của người làm báo; chất lượng - số lượng báo chí đến cách thức đấu tranh, phê phán trên tinh thần xây dựng hay vùi dập; cách đưa tin thổi phồng thành tích, né tránh khó khăn, khuyết điểm…, có thể thấy, những điểm mà Bác “phê bình báo chí” hơn nửa thế kỷ trước vẫn nóng hổi tính thời sự, vẫn là bài học sâu sắc cho những người làm báo./.

Bá Thư

Theo Báo Đầu tư

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: