Thứ sáu, 29/03/2024

 

Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Chí Minh, tuy khác nhau về tuổi tác, con đường và cách thức cứu nước, nhưng đều có học vấn và hiểu biết uyên bác, có khí chất và nhân cách lớn của những nhà lãnh đạo, nhà yêu nước chân chính... Chính những điểm tương đồng đó đã tạo ra sự giao thoa, gặp gỡ của hai tư tưởng, hai nhân cách lớn, để lại những dấu ấn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam.

Huỳnh Thúc Kháng (tên khai sinh là Huỳnh Hanh) sinh ngày 1-10-1876, trong một gia đình nho học tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Năm 1900, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu kỳ thi Hương và đến năm 1904 lại đỗ đầu kỳ thi Hội. Học giỏi, đỗ cao, sớm nổi tiếng, nhưng Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà cùng các sĩ phu yêu nước đương thời như: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can khởi xướng Phong trào Duy Tân, tích cực vận động tuyên truyền tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện những cải cách nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thực dân Pháp đàn áp thẳng tay Phong trào Duy Tân, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt và bị đày ra Côn Đảo từ năm 1908 đến năm 1921. Sau khi được trả tự do, Huỳnh Thúc Kháng lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước.

huynh-thuc-khang-1
 Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947).

Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Chí Minh đều có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thổ lộ rằng, Cụ đã rất nhiều năm “ôm ấp độc lập, tự do”. Còn Hồ Chí Minh thì khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì thế, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, mặc dù đã ở tuổi 70 nhưng với tấm lòng vì dân, vì nước, vì sự kính nể và trước nhiệt tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ, trở thành người bạn, người cộng sự tri kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam, nhất là trong giai đoạn “trứng nước” vô cùng khó khăn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ; từ năm 1946 làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt), rồi làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, từ ngày 31-5-1946 đến 20-10-1946), điều hành quốc sự theo phương châm: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi).

Vào thời điểm đó, việc cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm giữ cương vị quan trọng như vậy thể hiện một tư duy chính trị lớn và sự trọng dụng, tín nhiệm tuyệt đối của Người đối với Huỳnh Thúc Kháng. Đó là biểu hiện trực tiếp nhất về sự tương đồng lý tưởng cách mạng của hai người. Và đặc biệt, trong hoàn cảnh lúc đó của đất nước thì sự ủy nhiệm, tín nhiệm đó càng đúng đắn, phù hợp, vì Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn trọng dụng một người "đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết” để tập hợp nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng mời cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là chức vụ quyền Chủ tịch Chính phủ, bởi cụ Huỳnh là người hiền tài của đất nước. Lúc này, cách mạng mới thành công, đất nước còn muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nên hơn bao giờ hết, Chính phủ cần phải quy tụ được những người có tài-đức, có tâm như cụ để giúp nước, giúp dân. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì mời bằng được cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ là một điển hình về sự trọng dụng nhân tài của Người. Đặc biệt, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn cụ Huỳnh giữ trọng trách thay mình trong thời gian Người đi Pháp đàm phán cứu vãn nền hòa bình là phù hợp và sáng suốt, bởi trong số những nhân sĩ, trí thức lớn lúc bấy giờ thì cụ Huỳnh là người đức cao vọng trọng, tài năng uyên bác. Hơn nữa, hoàn cảnh đất nước lúc đó rất cần một người hiền tài có tâm, có tầm, yêu nước để có thể vừa quản lý, lãnh đạo Chính phủ, đồng thời làm trung tâm đoàn kết đông đảo các tầng lớp, giai cấp, đảng phái và các lực lượng xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

huynh-thuc-khang-2
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang)
trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu.

Trước ngày đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng mấy câu tâm huyết: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Niềm tin của Người đã được đặt đúng chỗ. Suốt thời gian Người đi Pháp, ở trong nước, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã luôn giữ vững phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong giải quyết các công việc quốc nội, giữ yên được thế phát triển của cách mạng trong thời điểm hiểm nghèo, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động. Trước việc một số phần tử của Việt Nam Quốc dân đảng dựa thế quân Tưởng gây ra các vụ tống tiền, bắt cóc, ám sát… ở số 7, phố Ôn Như Hầu, Hà Nội (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Huỳnh Thúc Kháng, trên cương vị quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã ký lệnh cho công an và tự vệ Thủ đô phải thi hành phép nước, đưa vụ này ra ánh sáng và diệt trừ bọn phản động.

Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, mà người lãnh đạo cao nhất khi đó là Huỳnh Thúc Kháng, đã giải quyết được mối đoàn kết chung, kiên quyết tiêu diệt bọn phản động, không chỉ vụ án ở phố Ôn Như Hầu mà còn tiêu diệt lực lượng của Việt quốc, Việt cách, từ Vĩnh Yên đến Yên Bái, Lào Cai... Đến khi Hồ Chí Minh về nước thì mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Sau này, nhiều người đã tìm cách công kích, nói với Huỳnh Thúc Kháng rằng Cụ đã bị cộng sản “che mắt” trong vụ án Ôn Như Hầu, nhưng bằng cái tâm “bất biến”, tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng, cụ đã không mảy may bận tâm tới những lời công kích đó.

Trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, ngày 23-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ niềm tin tưởng và cảm ơn tới cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.

Với tầm nhìn xa trông rộng, sáng suốt, bản lĩnh và trách nhiệm cá nhân, Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với sự chứng kiến của nhiều đại diện quốc gia: Mỹ, Anh, Trung Quốc... Không ít người đã vin vào sự kiện này để vu cho Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ là “bán nước, phản bội cách mạng”. Huỳnh Thúc Kháng, với sự tin tưởng tuyệt đối vào Hồ Chí Minh và với một nhãn quan chính trị nhạy bén, tinh tường, đã đứng ra giải thích với mọi người rằng: “Hội đồng Chính phủ không bán nước. Nói cho hết lẽ thì dông dài lắm, tôi xin tuyên bố vắn tắt với anh em rằng, đó chẳng qua là một nước cờ của Hồ Chí Minh với cả Pháp lẫn Tưởng Giới Thạch…”.

Trong thời gian phục vụ Chính phủ, thường xuyên được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh thực sự thấy Người là một nhân cách lớn không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả thời đại. Một lần, có người hỏi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh nói: “Ông Hồ không phải như nhiều người khác mượn hai tiếng “cách mạng” để làm giàu, hoặc làm quan to. Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói bằng cấp thì ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả, nhưng nói tri thức và sự nghiệp cách mạng thì hiểu biết của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới”.

Càng về sau, niềm tin của cụ Huỳnh Thúc Kháng với Hồ Chí Minh càng được củng cố và chứng minh là đúng đắn, sáng suốt.

Năm 1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ Trung ương đi kinh lý Trung Kỳ, nắm bắt tình hình và truyền đạt đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi quốc dân đồng lòng đoàn kết thành một khối thống nhất, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, quyết sống mái với kẻ thù. Tuy nhiên, khi đến tỉnh Quảng Ngãi, do tuổi cao sức yếu nên cụ Huỳnh lâm bệnh nặng và đã mãi mãi ra đi ngày 21-4-1947, thọ 71 tuổi. Trước khi qua đời, cụ Huỳnh còn gửi đến các đảng phái, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Ngày 29-4-1947, Chính phủ tổ chức Lễ truy điệu Huỳnh Thúc Kháng theo nghi thức Quốc tang. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới toàn thể đồng bào để nêu gương chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, với những lời xúc động, thống thiết: “… Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.

Mặc dù có sự chênh lệch về tuổi tác, khác biệt về con đường và cách thức cứu nước, nhưng giữa Hồ Chí Minh và Huỳnh Thúc Kháng có nhiều điểm tương đồng, đó là đều có học vấn và vốn hiểu biết uyên bác, có chí khí bất khuất và nhân cách lớn của nhà lãnh đạo, nhà yêu nước chân chính, vĩ đại... Vì thế, Huỳnh Thúc Kháng đã từ chủ nghĩa yêu nước theo kiểu dân chủ tư sản, ôn hòa chuyển sang chủ nghĩa yêu nước dân chủ nhân dân, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự chuyển biến đó đã cho thấy sự giác ngộ tư tưởng cách mạng của Huỳnh Thúc Kháng, mà Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng. Sự gặp gỡ về tư tưởng, nhân cách lớn giữa Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Chí Minh là một điển hình về phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam: Dù chính kiến, tôn giáo, địa vị xã hội… có thể khác nhau nhưng đều giàu lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa dân tộc./.

TS NGUYỄN XUÂN TRUNG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: