Thứ sáu, 29/03/2024

Sáng 10/10/1954, nhân dân Hà Nội đón chào các đoàn quân tiến vào Thủ đô bằng những tiếng reo hò, lời ca và những tràng vỗ tay không dứt. Trong không khí vui mừng của ngày lễ lịch sử, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Thành phố Hà Nội đã vinh dự đọc lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Trong lá thư đó, Người dặn dò nhân dân hãy: “Đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh”.

Ngày của kỷ niệm hào hùng

5 giờ ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố...kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu qua. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu.

giai-phong-thu-do-1
Đoàn quân tiến vào Thủ đô

8 giờ, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, Anh hùng quân đội, dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông TP Hà Nội.

8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá, đi qua Bạch Mai, phố Huế, diễu binh qua Hồ Gươm, rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay) và khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị ngày nay).

9 giờ 30 phút, Đoàn Cơ giới và Pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Huế, đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.

giai-phong-thu-do-2
Đoàn quân nhận được tình cảm nồng nhiệt của nhân dân Thủ đô

Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt thành phố biến đổi đến đó. Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng Thu. Nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, băng, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà.

15 giờ, còi trên nóc Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào...”, tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động. Ngày 10-10-1954 đã trở thành một dấu ấn thật khó quên.

Trong không khí vui mừng của ngày lễ lịch sử, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Thành phố Hà Nội đã vinh dự đọc lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, Người dặn dò nhân dân hãy: “Đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh”.

Nhớ về mong ước của Bác kính yêu

Với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, Thủ đô Hà Nội có vinh dự, tự hào vì là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất. Thủ đô Hà Nội cũng là nơi chứng kiến Bác Hồ kính yêu viết và tuyên bố những tác phẩm bất hủ, đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới; là nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác và đã từng được Người dành sự quan tâm, đến thăm và căn dặn. Hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức đến các chiến sĩ bộ đội, anh chị em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, trí thức, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, các chị lao công... đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ những vấn đề rất lớn như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh - quốc phòng đến nhiều vấn đề tưởng nhỏ như tương cà, mắm muối, vệ sinh đường phố, đặt tên phố, quản lý nhân, hộ khẩu... đều được Bác Hồ quan tâm chi tiết, cụ thể. Nhưng qua các bài nói, bài viết, bức điện của Người, toát lên một trong những vấn đề quan trọng và được căn dặn nhiều lần là: Phấn đấu làm cho Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố gương mẫu.

Ngày 16-10-1954, trong buổi tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đi, nhắc lại câu “Chúng ta phải đoàn kết” và yêu cầu “Nhân dân Thủ đô có truyền thống cách mạng vẻ vang và nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.

Khi mới giải phóng, nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội lúc đó là khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống và sinh hoạt. Hàng tháng ít nhất một lần Bác dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình và thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành. Đến đâu, Người cũng động viên cán bộ, công nhân viên, nhân dân cố gắng tăng gia sản xuất, tích cực học tập, công tác. Trong chỉ đạo, Bác rất cụ thể và sâu sát.

giai-phong-thu-do-3jpg
Bác Hồ đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ Xuân Quý Mão 1963

Hơn nữa, mối quan tâm hàng đầu của Bác là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để tiếp quản và xây dựng Thủ đô. Tại lớp tập huấn cán bộ, bộ đội, công an trước khi vào tiếp quản, trong khi anh em băn khoăn nhiều về lương bổng, chế độ sinh hoạt, Bác đến nói chuyện, giải đáp thắc mắc và bổ sung một điều đáng quan tâm mà không ai nêu ra, đó là đạo đức và nhân cách cán bộ. Bác nói: “Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt, về xuôi, nhất là thành thị, sẽ có nhiều phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu. Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Bác khuyên mọi người phải cảnh giác với “viên đạn bọc đường”.

Bác rất quan tâm đến vệ sinh, trật tự thành phố. Vì vậy, Bác đã căn dặn: “Hà Nội là thủ đô của cả nước, ta để bẩn là không được, cho nên các chú phải làm vệ sinh thành phong trào cách mạng, không phải chỉ đánh giặc mới là làm cách mạng”. Thực hiện lời Bác, trong những ngày ấy, công tác vệ sinh thành phố thực sự trở thành phong trào quần chúng. Thứ Bảy hàng tuần, cán bộ, công nhân viên và nhân dân tự giác tổng vệ sinh, quét dọn đường phố sạch sẽ. Bác còn chỉ thị: Ban đêm, các công viên phải có đèn sáng, phải giữ trật tự. Tết Trung thu năm 1955, Bác cùng đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đến Cầu Chui (Long Biên) thấy không có điện, Bác nhắc “Hôm nay là ngày dân vui, các chú để chỗ này tối là không được”.

Hồ Chủ tịch quan tâm đặc biệt đến đời sống nhân dân, Bác thường căn dặn cán bộ “làm công tác ở Thành phố phải chú ý đến dân, nhất là dân nghèo”. Bác nói trong buổi tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 16-10-1954: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”. Chuẩn bị Tết đầu tiên sau ngày giải phóng, Bác dặn các đồng chí lãnh đạo Hà Nội: “Các chú phải xem dân có gạo nếp, bánh chưng không? Phải làm sao cái Tết đầu tiên mình tiếp quản thành phố, ai cũng phải có bánh chưng ăn Tết”...

Từ những ngày đầu mới giải phóng ấy, đến hôm nay đã tròn 61 năm nhưng những lời dạy của Bác đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội vẫn luôn còn thiêng liêng và mới mẻ. Suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, Bác vẫn dành cho Thủ đô sự quan tâm đặc biệt. Thực hiện lời dạy của Người trước lúc đi xa, nhân dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã, đang và sẽ xây dựng Hà Nội “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước.

Hà Nội hôm nay…

Thực hiện những lời căn dặn và mong muốn của Bác Hồ, 61 năm qua, kể từ ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, cố gắng vươn lên, vượt qua rất nhiều gian lao, thử thách, từng bước trở thành thành phố gương mẫu về nhiều mặt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân Hà Nội đã đi đầu, làm gương sáng về sự anh dũng, gan dạ, kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù tàn bạo, thực hiện đúng Lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

giai-phong-thu-do-4

giai-phong-thu-do-5

Lễ Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình lịch sử

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, mẫu mực trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau  7 năm Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính (diện tích gấp hơn 3 lần trước 3.328km2), đến nay, dân số đã vượt ngưỡng 7,3 triệu người, nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, tương đương với Thủ đô Pa-ri của Pháp, Luân Đôn (Anh), Tô-ky-ô (Nhật Bản). Kinh tế Thủ đô những năm qua liên tục tăng trưởng bình quân cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Trong hành trình phát triển, Thủ đô Hà Nội cũng đang xây dựng hình ảnh đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế với tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Đến nay, Hà Nội đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố trên thế giới, trong đó đã ký văn bản hợp tác song phương với hơn 50 thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội còn là thành viên chính thức có trách nhiệm tích cực của nhiều tổ chức quốc tế lớn, như: Mạng lưới các thành phố lớn Châu Á thế kỷ XXI (ANMC21); Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới (Metropolis); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố có sử dụng tiếng Pháp trên thế giới (AIMF); mạng lưới các chính quyền địa phương về quản lý dân cư (Citynet), Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời (The League of Historical Cities)… Hằng năm, Hà Nội thu hút hơn 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam; năm 2013, Hà Nội được quốc tế bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu Châu Á, đón 2,6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 14 triệu khách trong nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển, nguyện vọng chính đáng của người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế, nhất là mong muốn của Bác Hồ trước lúc “đi xa”, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những hạn chế, yếu kém, bất cập, thậm chí khuyết điểm kéo dài, gây bức xúc đối với người dân. Nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự, xây dựng và quản lý đô thị... chưa mẫu mực, thậm chí có mặt còn thua kém một số địa phương khác. Đây chính là vấn đề đặt ra để các cấp lãnh đạo Thủ đô nhanh chóng tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn nữa.

Ngày 10/10 của 61 năm về trước, nhân dân Thủ đô đã đồng thanh hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Âm thanh đó không chỉ vang vọng phố phường mà còn vang vọng trong tâm tưởng của nhân dân Thủ đô nhiều thế hệ. Và hôm nay  mỗi một người trong chúng ta, dù có cư trú ở Thủ đô Hà Nội hay không cũng đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt hơn lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa./. 

 

Ngày 16-7-1999, tại La Paz, Thủ đô Bô-li-vi-a, UNESCO đã tổ chức trọng thể Lễ trao "Giải thưởng UNESCO - Thành phố vì Hòa bình" cho 5 thành phố thuộc 5 châu lục trên thế giới. Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vinh dự nhận phần thưởng cao quý này, góp phần nâng cao vị thế cho Hà Nội, trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến, hiện đại và tiêu biểu của nước Việt Nam. Năm 2010, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; năm 2015 tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và có thêm các công trình, di tích văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, như: Hoàng thành Thăng Long, Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: