Thứ sáu, 26/04/2024

 

ngay-thang-ben-bac-p8
Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng
và cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (Xuân Quý Mão 1963)

Bác thương yêu cán bộ

Bác thương yêu cán bộ rất chân thực, mộc mạc và xuất phát từ đáy lòng. Trong tám đồng chí: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi thì đồng chí Lợi là người Nùng ở Cao Bằng. Anh bảo vệ Bác mấy năm thì xin Bác về với gia đình. Bác tiếc nhưng thông cảm với hoàn cảnh, biết lưu lại không được nên phải cho đồng chí Lợi về. Bác luôn luôn nhớ đồng chí Lợi. Hồi đó, tôi công tác tại Cao Bằng. Hai lần được sang báo cáo công tác với Bác, Bác đều dặn tôi lên nói với địa phương thăm nom đồng chí Lợi, giúp đỡ khi ốm đau, kể cả đối với gia đình đồng chí.

Những lúc báo cáo công việc cũng chính là lúc được Bác giáo dục. Bác giao cho tôi và các đồng chí tỉnh ủy Cao Bằng và ủy ban phải khéo giữ yên ổn vùng biên giới để khỏi bị bọn thân Pháp và phản động ở biên giới quấy rối ta trong lúc ta đang phải tập trung chống Pháp.

Nói chung chúng tôi đã thực hiện được lời Bác dặn. Riêng tôi vì có quan hệ buôn bán với bọn cầm đầu ở biên giới trong chính quyền và quân đội nên quan hệ đôi bên cũng yên ổn. Có lần tôi về báo cáo ngắn gọn. Sau khi nghe xong Bác vui vẻ nhận xét rồi dặn thêm mấy điều mà đến nay tôi còn nhớ mãi. Bác dặn:

- Bọn đặc vụ thân Pháp đang hoạt động ở biên giới để tìm hiểu tình hình của ta và phá hoại ta. Khi sang giao thiệp có gì đáng nói hãy nói, cái gì không đáng nói thì đừng nói. Ngay trong gia đình cũng có những việc không nên nói cho bên ngoài biết. Chú đừng thật thà quá. Đi với Phật phải mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Các chú giữ yên biên giới như thế là tốt, nhưng thành ngữ có câu: "Cư yên tư nguy, cư trị bất vong loạn". Chú có hiểu hai câu đó không?

- Thưa Bác có ạ.

Bác cười. Thế là tôi lại khoác ba lô từ giã Bác để đi Cao Bằng. Khi đi đường tôi suy nghĩ thấy Bác thật là một bậc túc nho. Bác thuộc các thành ngữ Hán rất nhiều, sử dụng rất nhuần nhuyễn và mỗi khi dùng thành ngữ là một lần Bác giáo dục cán bộ, để cho cán bộ trưởng thành mà không cần nói dài.

Bác nhường cơm sẻ áo cho cán bộ

Tôi đi công tác về báo cáo, các đồng chí Kháng và Chiến bảo tôi ngồi ăn cơm với Bác cho Bác vui vì hồi đó Bác yếu, suy nghĩ nhiều nên ăn ít lắm. Ngồi trước mâm cơm có một đĩa con lòng gà, một đĩa con thịt gà (con gà bé quá, có lẽ chia đôi làm hai bữa) và một bát canh. Bác ngồi nhấm nháp với một chén rượu hạt mít... ăn trông nồi, ngồi trông hướng, tôi nói chuyện vui cho Bác nghe nhiều hơn là ăn, nên Bác giục tôi ăn. Bác gắp cho tôi bộ gan gà vừa bằng quả táo. Tôi khó nghĩ quá nên lễ phép gắp lại bát cơm của Bác và mời Bác ăn. Bác lại gắp lại cho tôi và bảo:

- Ăn đi để mai đi đường cho khỏe.

Ở đây tôi không muốn nói tới bộ gan to hay nhỏ, nó bổ được bao nhiêu, mà ở đây tôi chỉ thấy tấm lòng của Bác thương yêu cán bộ trong hoàn cảnh khó khăn.

Buổi tối dưới ngọn đèn dầu tôi đang cùng các đồng chí bảo vệ nói chuyện thì nghe Bác hỏi: Chú Thụy có thiếu quần áo lắm không? Tôi nghĩ bụng chắc Bác muốn cho, nên tôi thưa là có thiếu. Bác bảo đồng chí Kháng: Chọn cho chú Thụy một bộ quần áo. Sáng hôm sau tôi nhận được một bộ quần áo mới toanh, bằng lụa, màu gụ, may theo kiểu ta rất đẹp và trên túi áo con ở ngực có thêu mấy chữ: Phúc, lộc, thọ. Đây chắc là áo của hội phụ nữ nào biếu Bác. Tôi hỏi đồng chí Kháng tại sao lại cho đồ mới của Bác. Đồng chí Kháng nói: Đây là quà của Bác, Bác tặng lại cán bộ.

Thế là trong lúc Bác phải lo bao nhiêu việc vất vả nhưng Bác vẫn quan tâm đến cán bộ. Tôi vừa được ăn lại vừa được mặc. Tôi thấy thực sự xúc động trước tấm lòng thương yêu của Bác.

Nguyễn Đức Thụy kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi
với chúng ta, Nxb CTQG, H.2005

Niềm vinh dự lớn được phục vụ Bác Hồ

Tôi tham gia cách mạng từ năm 1946, có một thời gian tôi ở lực lượng thanh niên xung phong. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi được về công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1956.

Được làm việc bên Bác là một vinh dự lớn nhất trong đời tôi. Riêng đối với tôi được phục vụ Bác hàng ngày giúp việc cho Bác còn là một trách nhiệm lớn lao mà Đảng và nhân dân giao phó. Bác là một vĩ nhân, là lãnh tụ của dân tộc, bên núi Thái Sơn ai cũng thấy mình nhỏ bé.

Ngày ấy, số anh em phục vụ trong Văn phòng Bác không nhiều, tổng cộng cả văn thư, nấu ăn, cần vụ, lái xe, Bác chỉ có mươi người, sống đoàn kết, thân ái như trong một gia đình, cùng cố gắng để phục vụ Bác cho tốt.

Thời gian được phục vụ Bác, sống gần Bác đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Đọc báo cho Bác là một trong những công việc mà tôi đã làm trong một thời gian dài và để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhiều bài học bổ ích.

Các đồng chí từng làm việc, giúp việc Bác đều thấy Người ham đọc sách báo trong nước và quốc tế. Bác đọc lại rất nhanh. Việc đọc sách báo là yêu cầu của công tác cách mạng, đã trở thành nhu cầu, là một món quà tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của Bác.

Thời gian Bác còn khỏe đã trở thành nếp, hằng ngày Người đọc báo, bản tin trong nước đều đặn. Người có thói quen khi đọc chỗ nào có vấn đề cần chú ý thì ghi chép, đánh dấu để dễ nhận biết những số liệu và những thông tin cần xử lý; thấy gương người tốt, việc tốt Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ ghi bên cạnh dấu (()), nghĩa là thưởng Huy hiệu, chỗ nào cần lưu ý Bác đánh dấu chéo (/); vấn đề nào chưa rõ, còn nghi ngờ, Người đánh dấu (?) và yêu cầu Văn phòng xác minh lại. Đã xem xong Bác vạch hai vạch (//)… các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào ký hiệu đó để hiểu và thực hiện theo ý của Người. Bác cũng hay sử dụng các chữ Hán, Anh, Pháp, Nga làm ký hiệu bên lề trang báo, trang tài liệu. Người đã sử dụng nhiều thông tin từ các báo nước ngoài để viết bài. Đọc báo thấy có những chữ báo viết sai Bác dặn đánh dấu và nói để báo sửa. Ví dụ, tên riêng Y Lan phải viết là Ỷ Lan mới đúng; Lý Tử Trọng phải viết là Lý Tự Trọng. Có những bài viết để lộ bí mật như bài đăng trong tạp chí Hậu cần, Bác ghi chữ “Mật” và nhắc Văn phòng gửi cho tạp chí để lưu, hay như bài “Rừng cây xanh trên trận địa” đăng báo Quân đội Nhân dân ngày 18/2/1969, viết sơ suất để lộ một đơn vị bộ đội. Bác ghi dòng chữ Hán là: “Lộ bí mật quân sự” để nhắc các báo chú ý cách đưa tin.

Từ năm 1962, tuổi Bác ngày một cao, để bảo vệ đôi mắt cho Người. Văn phòng Phủ Chủ tịch cử tôi và đồng chí Lê Hữu Lập thay nhau đọc báo chí trong nước cho Bác.

Nhiệm vụ chính của tôi hằng ngày là tổng hợp tin, lựa chọn bài trên các báo để đọc cho Bác nghe. Buổi sáng sớm trước 6 giờ, đồng chí Xương ở báo Nhân Dân mang báo đến Văn phòng Phủ Chủ tịch. Nếu Bác không họp Bộ Chính trị, tôi điểm tin trên báo, tin quan trọng trong ngày về thời sự, chính trị đọc cho Bác nghe. Xã luận báo Nhân Dân là mạch thông tin chính về đường lối chính trị của Đảng phản ánh diễn biến thời sự, chính trị trong nước và trên thế giới nên Bác rất quan tâm. Điểm tin trên báo buổi sáng khoảng 20 phút, sau đó Bác bắt tay vào làm những công việc hằng ngày.

Buổi trưa sau bữa ăn, Bác vừa nghỉ vừa nghe tôi điểm tin. Tôi lựa chọn, lược thuật những tin tức buổi sáng không đủ thời gian đọc, còn dành thời gian để Bác nghỉ. Đôi khi tôi chọn vài câu chuyện về một vấn đề gì đó nhẹ nhàng trong đời sống tinh thần đọc để Bác nghe bớt đi sự căng thẳng của công việc, giảm bớt sự mệt nhọc của đầu óc. Giấc ngủ buổi trưa rất quan trọng đối với Bác, nó giúp Người thêm phần sinh lực, tinh thần thêm sảng khoái để tiếp tục làm việc.

Sau bữa cơm tối, khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ 15, Bác nghe điểm tin báo buổi chiều. Vì là buổi tổng kết tin trong ngày nên có nhiều tin, nhiều bài tôi chú ý lựa chọn làm sao không nhiều quá mà không bỏ sót những tin chính. Ngoài những tin tức thời sự, chính trị Bác còn yêu cầu đọc cho Bác nghe những bài viết về gương chiến đấu dũng cảm của đồng bào và chiến sỹ miền Nam anh hùng; về phong trào của nhân dân thế giới chống  chiến tranh xâm lược Mỹ ở Việt Nam và cả những bài phê bình văn học. Nhớ một lần tôi đọc bài viết về bà má miền Trung khi biết một chiến sỹ quân giải phóng hy sinh, má thương xót như người con đẻ và mang bài vị người chiến sỹ về nhà để thờ cúng. Bác rất cảm động. Sợ những tin gây xúc động mạnh ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ của Bác, tôi tìm cách chuyển dần đề tài sang hướng khác. Từ đó, những bài gây xúc động mạnh tôi xếp vào lịch đọc ban ngày hay Chủ nhật và chọn những đề tài vừa có thông tin hay gây được niềm vui, phấn khởi để đọc Bác nghe, như chọn những bài viết hay ở mục “Người tốt, việc tốt”.

Bác rất thích sách văn học, những tác phẩm hay. Đặc biệt Bác thích đề tài về lịch sử dân tộc. Có lần Bác đưa dặn tôi tối đọc cho Bác nghe cuốn: Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của tác giả Hà Văn Tấn và Nguyễn Thị Tâm., nghe được mấy trang Bác hỏi: “Hỏi xem chú Tấn và cô Tâm có phải vợ chồng không?”.

Sách, báo, tạp chí Bác đọc có nhiều thể loại, từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến, trong đó có cả sách biếu của các tác giả, các tổ chức trong và ngoài nước. Mỗi khi đọc xong Bác gửi sách báo tới những nơi cần sử dụng, vì thế Bác không có thư viện riêng. Những cuốn sách, tờ báo, tạp chí khi Người qua đời còn lưu lại ở Nhà số 54, Nhà sàn là những vật báu vô giá.

Tầm hiểu biết của Bác rất rộng, đặc biệt Người rất nhạy cảm với tình hình thời sự, chính trị, do đó tôi phải cố gắng nghiên cứu các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, qua đó nắm được cốt lõi của diễn biến thời cuộc để kịp đưa thông tin chính xác. Tôi vừa làm, vừa tự học và rèn luyện khả năng nhạy bén chính trị, nhạy bén thời cuộc để phục vụ thông tin cho Bác. Bác rất quý thời gian, khi làm việc với Bác tôi chú ý từng câu, từng chữ đọc thong thả, rõ ràng, trình bày để không được thừa, không dài dòng làm mất thời gian của Người, ngắn gọn nhưng lại không được thiếu, không được qua loa, đại khái, dùng từ chính xác, dễ hiểu.

Bác có một trí nhớ tuyệt vời, những sự kiện diễn biến trên thế giới và trong nước nhiều mà Bác nhớ rất kỹ và rất lâu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhân một lần vào thăm Bác có hỏi chúng tôi Văn phòng ít người làm sao cái gì Bác cũng biết, Chúng tôi báo cáo đồng chí đó là thiên tài của Bác.

Lịch làm việc trong ngày của Bác rất khoa học, giờ nào việc ấy, không được chậm trễ, chính vì thế mà thời gian đọc tin cho Bác không được kéo dài, chúng tôi chuẩn bị nội dung, lượng thông tin sao cho sát, vừa đủ thời gian cho buổi đọc tin.

Buổi đọc tin cho Bác nghe, thỉnh thoảng Bác hỏi xem chúng tôi ăn chưa. Chúng tôi báo cáo Bác là ăn rồi, nhưng kỳ thực chưa dám ăn, vì ăn no rồi ngồi đọc khó.

Làm việc bên Bác, để phục vụ Bác được tốt hơn cần phải hiểu Bác, cả tâm lý và những suy nghĩ của Người. Trong sinh hoạt có những việc bình thường Bác không nói, nhưng phải hiểu và tự giác làm để khỏi phiền lòng Bác.

Thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khi có báo động Bác xuống hầm trú ẩn và làm việc ở dưới đó, hết báo động tôi nhanh chóng thu xếp giấy, bút, vì nếu Bác cầm được giấy bút trước là Bác không trao lại cho ai cả, như vậy sẽ không an toàn khi Bác đi lên cầu thang mà không vịn vào lan can.

Trong cuộc sống, Bác rất gần gũi, thương yêu, quý trọng mọi người. Bác thấu hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình của từng người. Mỗi lần đi công tác xa Bác thường dặn chúng tôi tranh thủ về thăm gia đình. Nhưng thường là chúng tôi không về được vì phải tranh thủ sửa sang lại nhà cửa nơi Bác ở. Khi đi công tác về Bác hỏi thăm tình hình gia đình, thấy chúng tôi báo cáo không về thăm nhà được, Bác tỏ ý không vui. Người còn gặng hỏi: “Hay là chú chê cô ấy rồi”. Chúng tôi báo cáo Bác là chưa về được chứ không dám có ý gì khác. Trong công việc Bác quan tâm, động viên để mọi người ngày càng tiến bộ, Bác luôn rèn luyện cho chúng tôi thói quen làm việc khoa học, nền nếp, thái độ cẩn trọng, làm việc có nguyên tắc.

Cuộc đời Bác là cuộc đời học tập, phấn đấu không ngừng để hoàn thiện mình. Phục vụ Bác tôi đã học được ở Bác nhiều điều bổ ích mà không có lớp học hay sách vở nào nói đến. Bác dạy chúng tôi cách sắp xếp chương trình làm việc, chương trình đón tiếp khách. Bác rất chu đáo khi có khách, Bác dặn chúng tôi việc chuẩn bị tiếp khách để tránh sơ suất. Có lần Bác đến tận nơi bố trí cho khách ở, để kiểm tra và cũng là thăm hỏi luôn cho thân tình.

Sống, làm việc gần Bác chúng tôi quen dần với phong cách làm việc và sinh hoạt của Người. Văn phòng Bác ít người, trong khi làm việc thì giữ nguyên tắc nhưng sau giờ làm việc thì quây quần như một gia đình. Vắng một người là thấy thiếu.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm sâu sắc. Lần đó do yêu cầu cần tìm người giúp việc cho gia đình đồng chí Phạm Văn Đồng, tiện thể gần nhà anh Vũ Kỳ. Gồm tôi đi vắng, anh Vũ Kỳ, rồi anh Lập đọc báo cho Bác, cuối buổi làm việc Bác hỏi:

- Thế chú Chước đi đâu?

Các anh thưa với Bác như đã thống nhất là tôi đi đặt làm chiếc ảnh khảm trai để tặng khách quốc tế.

Khi tôi trở về các anh dặn tôi nếu Bác hỏi thì báo cáo như thế. Hôm trở về cơ quan, lúc Bác đi ăn cơm trở về Nhà sàn, tôi lấy ô che cho Bác, Bác vịn vai hỏi:

- Mấy hôm vừa rồi chú đi đâu?

Tôi cũng trả lời như đã thống nhất với các anh lý do vắng mặt, nhưng trong lòng thấy xốn xang. Tôi nghĩ chắc là làm việc với Bác hằng ngày nên vắng mấy hôm Bác nhớ và hỏi. Rồi Bác nhắc tôi sắp xếp Chủ Nhật báo cáo Bác về số báo địa phương gửi về.

Bác có thói quen mỗi khi đi công tác xa về, Người yêu cầu chúng tôi đọc lại những báo mà trong thời gian đi vắng Người chưa đọc được. Mặc dù trong thời gian Bác đi công tác, khi điểm báo, thấy vấn đề gì quan trọng, chúng tôi báo cáo Người ngay, có khi còn cắt cả bài, cả những mẩu tin của Thông tấn xã Việt Nam gửi đi.

Bác quan tâm đến mọi mặt cuộc sống của nhân dân, động viên mọi người cùng phấn đấu tu dưỡng để làm việc tốt hơn. Người nói mỗi người tốt đẹp thì cả xã hội mới tốt đẹp được. Do đó, Bác là người khởi xướng và phát động các phong trào: “Thi đua yêu nước”; “Người tốt, việc tốt”. Theo ý Bác những bài báo Bác đọc, phản ánh gương người tốt, việc tốt trên các mặt trận lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập… có đánh dấu thưởng Huy hiệu đã được Văn phòng cắt dán thành tập. Sau này Bác chỉ đạo các anh Phan Hiền, Hà Huy Giáp in thành loại sách Người tốt, việc tốt, với mong muốn những gương sáng đó ai cũng biết và làm theo. Hôm làm việc với anh Hà Huy Giáp, Bác dặn:

- Tập trung những bài viết về gương “Người tốt, việc tốt” in thành sách nhỏ, vừa để phổ biến mọi người nên nhớ trang đầu để trắng và có in câu: “Hoan nghênh bạn đọc phê bình, góp ý”.

Mong muốn đó của Bác ngày nay vẫn được các báo tiếp thu thực hiện.

Cù Văn Chước kể
Trích trong sách Chuyện kể của những người
giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, 2003

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: