Thứ sáu, 29/03/2024

Trong hai năm (1992-1994), Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân đã cùng một số cơ quan phối hợp xác minh danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hành trình đi tìm 34 chiến sỹ đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam được Đại tá Nguyễn Huy Văn - bí danh Kim Sơn, nguyên cán bộ Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu), hiện là Uỷ viên Thường trực Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân kể lại như những thước phim quay chậm đầy cảm động về tình cảm của những người lính năm xưa quyết đi tìm cho được những đồng đội đã nằm lại.

Ngày 15/8/1992, khi tới dự cuộc họp của Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân (Ban Liên lạc) tổ chức ở Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề cập đến sự cần thiết phải có những cuốn sách ghi lại tên tuổi cán bộ, chiến sĩ các đội vũ trang, các đơn vị Cứu quốc quân, nhất là các chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ).

Tại cuộc họp, Đại tướng nhấn mạnh: “Bây giờ làm là chậm, nhưng vẫn còn kịp và vẫn phải làm”.

danhsach
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Huy Văn (ngoài cùng, bên trái)
trong lần về thăm Cao Bằng (1992).

Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, Ban Liên lạc đã bắt tay vào việc thu thập tư liệu, gặp gỡ nhân chứng là các lão thành cách mạng và một số ít đội viên còn sống ở thời điểm năm 1992.

Để có được danh sách sơ bộ về các chiến sĩ khi sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ đã trôi qua gần nửa thế kỷ, việc đầu tiên các thành viên trong Ban Liên lạc tiến hành là tham khảo tư liệu từ cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ đây, Ban Liên lạc đã có được danh sách khoảng 20 chiến sĩ.

Tiếp đó, Ban Liên lạc đã tiếp cận một số nhân chứng là các lão thành cách mạng như: Đàm Quang Trung, Thu Sơn, Nông Văn Lạng…, đồng thời sưu tầm tư liệu của các cơ quan, ban ngành, các Bảo tàng ở trung ương và địa phương để tìm kiếm thông tin về quê quán, tên tuổi, bí danh của các chiến sĩ.

 "Cuối cùng chúng tôi thu được 8 bản danh sách, sau khi đối chiếu, Ban Liên lạc lọc ra những người trùng tên và có được danh sách lên tới… 74 người. Danh sách này mới chỉ dựa vào trí nhớ của từng người, hơn nữa các chiến sĩ trong Đội gặp nhau trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, lại cùng chiến đấu trong khoảng thời gian không dài nên việc xác định rõ những người trong danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên là việc làm rất khó”, Đại tá Nguyễn Huy Văn nhớ lại.

Trong quá trình tìm kiếm, sưu tầm thông tin quanh danh sách 34 chiến sĩ, có khá nhiều ý kiến khác nhau. Có nhân chứng kể lại hôm diễn ra buổi lễ thành lập có tới hàng trăm người, một số khác cho rằng danh sách 34 người còn có cả đội viên nữ... Để làm sáng tỏ vấn đề, trong các năm từ 1992-1994, Ban Liên lạc đã tổ chức 3 cuộc họp và hội thảo tại Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội để rà soát lại danh sách. Tại hội thảo, lại có những ý kiến khác nhau về việc đưa người này, bỏ người khác.

Sau đó các ý kiến đều thống nhất đánh giá hôm diễn ra sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ (ngày 22-12-1944) tại Khu rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng), số người tham dự  buổi lễ có tới gần 100 người nhưng chủ yếu là đứng xung quanh, chỉ có 34 chiến sĩ nam đứng giữa dự lễ tuyên thệ. Vì buổi lễ diễn ra vào khoảng 17 giờ chiều, lại ở trong rừng và là mùa đông nên trời tối, nhiều người không nhìn rõ mặt.

Đại tá Nguyễn Huy Văn kể tiếp: "Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đội có một chiến sĩ người Mông. Các ý kiến tại hội thảo cũng nói khá nhiều về trường hợp này. Một thời gian sau chúng tôi mới xác minh được chiến sĩ đó tên là Hồng Cô, do tập tục du canh du cư của đồng bào nên ông đã chuyển từ Cao Bằng về sinh sống ở Lạng Sơn. Thật tiếc là cho tới lúc mất, chiến sĩ người Mông này vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Nhiều lần con cháu ông lặn lội từ Lạng Sơn xuống Hà Nội làm thủ tục giải quyết chế độ, các cán bộ ở Viện Lịch sử Quân sự đã phải hỗ trợ tiền tàu xe để họ về quê".

Quanh việc tìm nhân chứng, ông Nguyễn Huy Văn còn kể lại câu chuyện về trường hợp một cựu quân nhân ở Hà Nội đã tự nhận mình là người có mặt trong buổi lễ tuyên thệ của Đội VNTTGPQ. Trong lần theo đoàn cựu chiến binh lên thăm Khu Di tích rừng Trần Hưng Đạo tại Cao Bằng, người này đã tự giới thiệu là đội viên Hoàng Văn Lường (bí danh Kinh Phát) - một trong số 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội VNTTGPQ. Người này còn đến một số nơi nói chuyện, tự coi mình là một “nhân chứng sống”. Biết được thông tin trên và căn cứ vào băng ghi hình từ các hội viên, Ban Liên lạc đã thông báo cho các cơ quan chức năng tới trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu. Sau khi xác minh thì sự thật không đúng như những gì người này tự nhận…

Với sự nỗ lực, sau gần 3 năm tìm kiếm, xác minh thông tin, tháng 11-1994, Trưởng ban Ban Liên lạc Đàm Quang Trung đã báo cáo danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội VNTTGPQ lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cơ quan chức năng. Vào đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội, ngày 2-11-1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký xác nhận bản danh sách này.

Đại tá Nguyễn Huy Văn bộc bạch: “Với lương tâm và trách nhiệm của những người lính già đầu bạc, Ban Liên lạc chúng tôi nhận thấy đã phần nào thực hiện được tâm nguyện của Đại tướng, đồng thời góp phần làm sáng tỏ thêm tư liệu lịch sử về một tổ chức tiền thân của Quân đội ta”./.

Bùi Vũ Minh

Phòng Sự kiện - nhân chứng, Tổng cục Chính trị

Theo http://vtc.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: