Thứ sáu, 03/05/2024

101. Đ.H. 1946

Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tập “Nhật ký hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh bốn tháng sang Pháp”, năm 1946.

Đây là bài viết về hành trình và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách từ 31-5-1946 đến 20-10-1946.

102. Xuân. 1946

Trên đường di chuyển từ Hà Nội qua Sơn Tây, Phú Thọ để trở lại Chiến khu Việt Bắc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghỉ lại ở nhà ông Hoàng Văn Nguyên ở xóm Đồi, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ từ ngày 4-3-1947 đến ngày 18-3-1947.

Thời gian ở Cổ Tiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bí danh là Xuân trong các giấy tờ giao dịch.

103. Một người Việt Nam. 1946

Là tên đề dưới bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hoa Việt thân thiện” viết tháng 12-1946. Nhân các báo Pháp đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ công nhận chủ quyền của người Pháp là duy nhất ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài bác lại tin trên.

104. Tân Sinh. 1947

Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một số tác phẩm trong các năm 1947-1948.

Tác phẩm đầu tiên Người ký bút danh  Tân Sinh là tác phẩm “Đời sống mới”, do Ủy ban Trung ương vận động Đời sống mới xuất bản năm 1947.

Đây là tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền cuộc vận động xây dựng đời sống mới.

Dưới hình thức hỏi và đáp, cuốn sách giới thiệu một cách vắn tắt, rõ ràng, thiết  thực, dễ hiểu những nội dung của đời sống mới và nêu những yêu cầu cụ thể đối với mỗi người, mỗi gia đình từng giới, từng ngành đối với việc xây dựng đời sống mới. Tác giả viết: “Nêu cao và thực hành cần kiệm liêm chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”.

Cùng với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn sách “Việt Bắc anh dũng” vào cuốn năm 1947 đầu năm 1948. Sách do Tổng bộ Việt Minh xuất bản lần đầu tiên năm 1948.

105. Anh. 1947

Ngày 20-8-1947, Bác gửi thư cho ông Nguyễn Khánh Toàn hỏi thăm tình hình sức khỏe. Cuối thư Người ký chữ Anh. Hiện nay mới chỉ  thấy đây là bức thư duy nhất Bác ký chữ Anh.

106. X.Y.Z. 1947

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh X.Y.Z từ năm 1947 đến  1950. Người viết hơn một chục bài báo và một số tác phẩm quan trọng, trong đó có tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc” viết xong tháng 10-1947. Nhà xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu tiên năm 1948, tái bản lần thứ 7 vào năm 1959.

Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một tài liệu học tập bổ ích, thiết thực của cán bộ để tu dưỡng về tư tưởng, đạo đức và phong cách công tác. Sửa đổi  lề lối làm việc, đã thể hiện nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức, phương pháp và phong cách của Hồ Chí Minh, đó là một văn kiện vô giá, có đóng góp to lớn vào việc giáo dục, rèn luyện cán bộ trở thành  người cách mạng trung thành  với sự nghiệp của Đảng và của nhân dân.

Cũng với bút danh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một số bài báo đăng trên báo Sự thật năm 1948, 1949 và 1950. Trong số những bài báo đó có bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949.

Dân vận theo tư tưởng của Người:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

“Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lược dịch cuốn “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”, tủ sách Mác xít, Nhà xuất bản Sự thật xuất bản năm 1949.

107. A. 1947

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng mật danh A năm 1947, trong các bức thư gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó. Mật danh A. còn được nhắc đến trong cuốn Nhật ký của một bộ trưởng (Nhật ký của ông Lê Văn Hiến, khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính).

108. A.G. 1947

Bút danh Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong những năm 1947, 1948, 1949 và 1950.

Với bút danh A.G, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một số bài báo cho chuyên mục: Công tác thiết thực của báo Sự thật.

Bài đầu tiên là “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng” đăng trên báo Sự thật số 77 ngày 1 đến 15-6-1947; Người căn dặn: “cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn”.

Với bút danh A.G, Người viết bài báo “Bệnh máy móc” đăng trên báo Sự thật, số 126 ngày 6-1-1950. bài báo nêu những ví dụ cụ thể, phân tích nguyên nhân và tác hại của bệnh máy móc và kết luận:

“Bất kỳ việc to, việc nhỏ

Phải xem xét kỹ lưỡng,

Phải bàn bạc kỹ lưỡng

Phải hỏi dân kỹ lưỡng

Phải giải thích kỹ lưỡng cho dân”.

109. Z. 1947

Theo cuốn  Nhật ký của một bộ trưởng mật danh Z. được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong năm 1947.

110. Lê Quyết Thắng. 1948

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh Lê Quyết Thắng trong năm 1948 và 1949.

Với bút danh Lê Quyết Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn sách “Một đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1847 đến 1947”. Sách do Việt Bắc xuất bản.

Đây là tác phẩm trình bày những sự kiện lịch sử chủ yếu trong 100 năm, kể từ  khi thực dân Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam năm 1847 đến khi Pháp đánh  lên Việt Bắc năm 1947.

Cũng với bút danh Lê Quyết Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm: Cần kiệm liêm chính. Trước khi in thành sách, tác phẩm này được đăng trên báo Cứu quốc, số ra các ngày 30, 31 tháng 5 và ngày 1,2 tháng 6 năm 1949. Khi đọc tác phẩm này, chúng ta luôn nhớ lời dạy của Người về những đức tính không thể thiếu của mỗi người, cũng như trời có bốn mùa, đất có bốn phương:

“Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa thì không thành trời.

Thiếu một phương thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”.

111. K.T. 1948

Tháng 2 năm 1948, với bút danh K.T Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch hai bài thơ chữ Hán, một bài là của Người gửi cụ Bùi Bằng Đoàn và một bài của cụ Bùi họa lại bài thơ của Người.

Bài thơ của Người được dịch như sau:

Trù tính canh chầy, tạm nghỉ ngơi.

Gió mưa thu báo đã thu rồi.

Kèn thu bỗng rậy bên kia núi,

Du kích về rồi, rượu chửa vơi.

Bài thơ của Cụ Bùi được Người dịch như sau:

Cuộc luyện quân, không một phút ngơi

Giãi dầu mưa gió, vẫn đùa vui.

Tướng thêm thao lược, quân thêm mạnh.

Đánh lũ xâm lăng phải chạy dài.

112. K.Đ. 1948

Ngày 2-5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng chí Hoàng Quốc Việt2 căn dặn về việc ra báo dịp tháng 5, động viên nhân dân đoàn kết, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để kháng chiến mau thắng lợi. Để tuyên truyền, Người làm  một bài  thơ với danh nghĩa là đội trưởng dân quân du kích Mán, ký tên K.Đ và đề nghị đăng trong số báo này cùng với thơ của  các đồng chí Tố Hữu, Xuân Diệu.

113. G. 1949

Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong năm 1949. Người viết bài báo: Thêu gấm và cho than1, đăng trên báo Sự thật, số Xuân Kỷ sửu, nagỳ 29 - 1- 1949. Bài viết về hai chuyến đi Mỹ của bà Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch. Một chuyến lúc ông Tưởng có thế lực to lớn, bà đã được người Mỹ đưa lên chín tầng mây, “đã thêu thêm hoa trên bức gấm đã sẵn đẹp”; và một chuyến lúc ông Tưởng đã thất thế, người Mỹ đón bà “không kèn, không trống, không tiếp rước, không hoan nghênh, mà chỉ có lạnh lùng và nhạo báng.. “chẳng ai cho họ một chút than thở đỡ rét”.

Với bút danh G, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Bệnh khẩu hiệu” đăng trên báo Cứu quốc, số 1191, ngày 15-3-1949.

Bài báo nêu lên tầm quan trọng và vai trò của khẩu hiệu trong công tác tuyên truyền, cổ động, đồng thời phê phán một số địa phương và cán bộ đã mắc “bệnh khẩu hiệu”, đưa ra quá nhiều khẩu hiệu không thiết thực, khó hiểu và dài dòng.

114. Trần Thắng Lợi. 1949

Với bút danh Trần Thắng Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Đảng ta” đăng trên tạp chí “Sinh hoạt nội bộ” số 13, tháng 1-1949.

Bài báo điểm lại lịch sử phong trào công nhân Việt Nam từ năm 1947 đến việc đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, tổ chức Hội Việt Nam năm 1930, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam năm 1930, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cao trào kháng Nhật và vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Bài báo kết luận: “Sứ mệnh của Đảng ta rất to, không có vinh hạnh nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng cộng sản. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy ”.

115. Trần Lực. 1949

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh Trần Lực trong các năm 1949-1958 và năm 1961.

Với bút danh Trần Lực, Người viết gần 70 bài báo và một số tác phẩm ngắn.

Tác phẩm đầu tiên Người ký bút danh Trần Lực là: “Giấc ngủ 10 năm”, do Tổng bộ Việt minh xuất bản, Việt Bắc, tháng 4 năm 1949. Đây là một chuyện ngắn mang tính viễn tưởng, mở ra một viễn cảnh tương lai của đất nước.

Tác phẩm “Liên Xô vĩ đại”, Nhà xuất bản Sự thật xuất bản năm 1957.

Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” ký bút danh Trần Lực, đăng trên tạp chí Học tập1- tháng 12-1958. Người đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang”. “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Bài báo cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Trần Lực là bài “Cần phải chuẩn bị thật chu đáo, sẵn sàng để phòng lụt, chống lụt” đăng trên báo Nhân dân, số 2643, ngày 21-6-1961.

          116. H.G. 1949

          Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh H.G một lần năm 1949. Người viết bài: Trở lại vấn đề thi đua ái quốc, đăng trên báo Cứu quốc, chi nhánh Thủ đô, số 14, ngày 8-7-1949. Bài báo nêu một số  vấn đề thi đua ở Thủ đô Hà Nội, mặc dù lúc này đang là vùng địch tạm chiếm.

117. Lê Nhân. 1949

Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng năm 1949. Người viết bài: Thất bại và thành công, đăng trên báo Sự thật, số  117, ngày 19-8. Bài báo viết về công tác cán bộ. Cán bộ được dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng thành công. Bài viết cho chuyên mục “Sửa đổi lối làm việc” của báo Sự thật.

118. T.T. 1949

Bút danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký dưới bài viết: Hồ Chủ tịch và văn nghệ, viết năm 1949.

Bài viết về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tập làm báo từ những ngày ở Pháp, về nội dung các bài báo, các thể loại sáng tác của Người v.v..Tất cả với mục đích tuyên truyền cách mạng.

119. DIN. 1950

Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong những năm 1950, 1953.

Với bút danh Din, “Thư ký Mặt trận Liên Việt (Mặt trận dân tộc thống nhất) địa phương” Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bài: “Nước Việt Nam đấu tranh cho một nền độc lập của mình”, (bài viết bằng tiếng Pháp) nagỳ 22-3-1950, cho tạp chí “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân”, cơ quan ngôn luận của Cục Thông tin Quốc tế (Kominform).

Kèm theo bài báo, Người gửi một bức thư (đánh máy bằng tiếng Pháp) cho Ban biên tập và ký tên Hồ Chí Minh.

Cũng với bút danh Din, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: “Chúng tôi vững tin vào thắng lợi cuối cùng của mình”, đăng trên tạp chí “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân”, bản tiếng Pháp, số 250, ngày 21-8-1953.

120. Đinh. 1950

Bí danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký dưới bức thư gửi Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai và đồng chí Đặng Dĩnh Siêu, tháng 3-1950.

Cũng với bí danh Đinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Tướng Trần Canh (thư bằng chữ Hán) ngày 9-10-1950.

(Còn nữa)

Theo “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,”

Bảo tàng Hồ chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2001

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: