Thứ sáu, 03/05/2024

26. Ông Lu. 1924

Ngày 12-11-1924, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản  báo tin  Người đã đến Quảng Châu, Trung Quốc. Cuối thư Người ghi địa chỉ liên lạc của mình là: Ông Lu, Hãng thông tấn RÔXTA, Quảng Châu, Trung Quốc. Sau này, trong nhiều thứ khác Nguyễn Ái Quốc cũng ghi địa chỉ liên lạc là Ông Lu.

27. Lý Thụy.1924

Nguyễn Ái Quốc dùng bí danh Lý Thụy trong thời gian Người hoạt động ở Trung Quốc.

Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, với các giấy tờ tùy thân mang tên mới: Lý Thụy.

Trong bức thư gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 18-12-1924, Nguyễn Ái Quốc ghi ở cuối thư: “Trong lúc này tôi là một người Trung Quốc, chứ không phải là một người An Nam, và tên tôi là Lý Thụy chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc”.

28. Lý An Nam. 1924-1925

Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc với bí danh là Lý Thụy, làm phiên dịch trong văn phòng của Đoàn cố vấn  Xô viết tại Quảng Châu. Mọi người thường gọi Người là anh Lý, anh Lý An Nam. Bà V.V.Visơniacôva-Akimôva, là thư ký của cố vấn Bôrôđin, cùng làm việc với Nguyễn Ái Quốc nhớ lại: “… Số phận đã đưa tôi làm việc gần gũi với một trong những người kiệt xuất hồi đó đã sống ở Quảng Châu. Đó là người Việt Nam họ Lý. Chúng tôi gọi đùa anh là Lý An Nam. Tôi vẫn nhớ như in anh có thân hình  gầy gò, không cao lắm, mặc bộ quần áo chúc bâu màu trắng, rộng thùng thình. Anh nói thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông và biết tiếng Nga. Anh đã dạy tôi những bài vỡ lòng tiếng Việt…Trong ngôi nhà của Bôrôđin anh là người nhà”.

29. Nilôpxki (N.A.Q). 1924

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu, Trung Quốc, Người đến ở và làm việc tại cơ quan của đồng chí Bôrôđin, cố vấn của ông Tôn Dật Tiên. Cương vị cũ Nguyễn Ái Quốc trong Quốc tế Cộng sản và nhiệm vụ công tác của Người chỉ có đồng chí Bôrôđin và vợ Bôrôđin là đồng chí Phanhia Xêmênôvôna Bôrôđinna biết. Về công khai Nguyễn Ái Quốc là cố vấn riêng và là phiên dịch của Bôrôđin, đồng thời là phóng viên của hãng ROOXXTA. Sống và làm việc giữa các đồng chí chuyên gia Xô viết, Nguyễn Ái Quốc mang thêm một tên Nga: Nilốpxki.

Nguyễn Ái Quốc ký tên Nilốpxki trong bài Phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông, ngày 16-10-1925.

Trong thư gửi đoàn Chủ tịch quốc tế nông dân, ngày 5-11-1925, Nguyễn Ái Quốc ký tên Nilốpxki (N.A.Q).

Hiện tập hợp được 6 thư và bài  Nguyễn Ái Quốc ký tên Nilốpxki (N.A.Q) và Nilốpxki.

30. Vương. 1925

Bí danh của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện vào đầu năm 1925, trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc.

Đầu năm 1926, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị tại số nhà 13-1 (nay là 258), đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Người trực tiếp lãnh đạo và là giảng viên chính của các khoa học. Người lấy tên là Vương.

Vương cũng là bí danh của Người khi bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở Trung Quốc năm 1925.

31. L.T.1925

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh L.T từ năm 1925. Người ký trong thư giử ông H (Thượng Huyền), ngày 9 tháng 4 1925.

Sau này, với bút danh L.T, Người còn viết khoảng 15 bài đăng trên báo Nhân dân trong các năm 1949, 1957, 1958, 1960. Trong đó có các bài viết:

Bài “Thuốc đắng dã tật nói thật mất lòng”, viết cho mục “Sửa đổi lối làm việc” của báo Sự Thật, đăng trên số 109, ngày 15-4-1949. Bài viết nêu lên sức mạnh của phê bình, phê bình công khai, cũng như thuốc đắng dã tật.

Bài “Tình nghĩa anh em Việt - Ấn – Miên”, viết về chuyến đi thăm hữu nghị hai nước Ấn Độ và Miến Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 2-1958. Bài viết được đăng liền trên báo Nhân dân trong một tháng, từ 26-2-1958 đến 25-3-1958. Dưới hình thức bức thư viết về cho em gái, Người với danh nghĩa là một cán bộ theo Bác đi thăm hai nước, đã viết thư kể về chuyến đi này, về tình hữu nghị thắm thiết anh em giữa ba nước Việt-Ấn-Miến, về cuộc sống, con người, nền văn minh, văn hóa của hai nước Ấn, Miến v.v..

 

 

32. HOWANG T.S.1925

Nguyễn Ái Quốc ký bút danh HOWANG T.S trong bài: Đại hội công nhân và nông dân, (2-5-1925), viết về Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông và là Đại hội lân thứ hai của công nhân toàn Trung Quốc, cả hai Đại hội cùng họp chung.

33. Z.A.C. 1925

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Z.A.C là bút danh Nguyễn Ái Quốc viết bài đăng trên báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tờ báo do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên ngày 21-6-1925. Nguyễn Ái Quốc là cây bút chủ chốt của tờ báo. Trong Ban biên tập còn có đồng chí Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm. Những bài quan trọng về chính trị, tư tưởng là bài của Nguyễn Ái Quốc. bài của Nguyễn Ái Quốc ký bút danh Z.A.C trong số ra đầu tiên có thể coi là tuyên ngôn của tờ báo:

“Để dẫn dắt nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần phải có sức mạnh lãnh đạo, sức mạnh lãnh đạo đó không phải có một vài người thôi, mà phát sinh từ sự hiệp lực của hàng nghìn vạn người”.

Muốn cho hàng vạn người ấy đoàn kết chặt chẽ với nhau thì họ phải cùng một ý chí như nhau, họ phải nuôi kỳ vọng giống nhau, có như vậy mới có đoàn kết.

Khi nào cùng ý chí, cùng kỳ vọng thì khi ấy mới có đoàn kết, bằng không dầu có hô hào đoàn kết mấy đi nữa cũng không thể nào đoàn kết được.

Sự nghiệp cách mạng lớn lắm. Những người cách mạng phải đoàn kết với nhau để thực hiện sự nghiệp đó. Người mình đã làm việc cách mạng nhiều năm rồi mà chưa thành công bởi vì thiếu đoàn kết với nhau”.

34. Lý Mỗ. 1925

Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ngày 13-7-1925 Người đến Ủy ban bãi công Cảng tỉnh đề nghị được tham gia vào đội diễn thuyết với danh nghĩa là hội viên Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức. Trong danh sách đội diễn thuyết có ghi tên là Lý Thụy. Về  việc này, báo Công nhân chi lộ đặc hiệu, số 20, ra ngày 14-7-1925 đã đưa tin một người Việt Nam gia nhập đội diễn thuyết và để giữ bí mật cho Nguyễn Ái Quốc, tờ báo dùng tên gọi Lý Mỗ.

35. Trương Nhược Trừng. 1925

36. Vương Sơn Nhi. 1925

Nguyễn Ái Quốc phụ trách tờ báo Thanh niên, ngoài việc lo chạy viết đủ bài hàng tuần cho báo, Người còn viết bài cho báo tiếng Anh “Quảng Châu báo”, với bút danh Vương Sơn Nhi, Trương Nhược Trừng.

37. Vương Đạt Nhân. 1926

Nguyễn Ái Quốc với bí danh Vương Đạt Nhân được Đoàn chủ tịch Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Quốc dân đảng Trung Quốc mời đến dự và phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 9 của Đại hội, họp ngày 14 tháng 1 năm 1926.

38. Mộng Liên. 1926.

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh Mộng Liên.1926. Người ký dưới bài viết: Mục dành cho phụ nữ: Về sự bất công, đăng trên báo Thanh niên, số 40, ngày 4 tháng 4 năm 1926. Bài viết về những bất công đối với phụ nữ trong gia đình và xã hội, coi gọi chị em vùng lên chống lại những áp bức bất công đó.

39. X. 1926.

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh X. trong các năm 1926, 1927. Với bút danh X. Người viết một loạt bài nhan đề: Các sự biến ở Trung Quốc, viết về tình hình chính trị ở Trung Quốc, đăng trên 7 số báo L’Annam. Bài đầu tiên đăng trong số 118, ngày 2-12-1926.

40. H.T. 1926

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh H.T từ năm 1926. Người ký trong bài viết: Bà Trưng Trắc, đăng trên báo Thanh niên, số 73, ngày 12-12-1926.

Cùng với bút danh Mộng Liên, H.T là bút danh của Nguyễn Ái Quốc viết bài cho báo Thanh niên. Còn một số bút danh khác như: Hạ Sĩ, Hương Mộng, Diệu Hương v.v… có thể là bút danh cuả Nguyễn Ái Quốc. Bởi lúc đó chưa có nhiều người viết bài báo cho Thanh niên.

41. Tống Thiệu Tổ. 1926

Theo hồi ký của một số Người hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc, Tổng Thiệu Tổ là bí danh của Nguyễn Ái Quốc khi Người hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc.

42. X.X. 1926

Nguyễn Ái Quốc ký bút danh X.X năm 1926 dưới bài viết: “Phong trào cách mạng ở Đông Dương” đăng trên tập san Thư tín quốc tế (Inprekorr), số 91, ngày 14-8-1926, viết về tình hình chính trị, đời sống khổ cực của nông dân, các phong trào yêu nước của sinh viên và hoạt động của một số tổ chức chính trị.

43. Wang. 1927

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh Wang trong các năm 1927, 1928.

Với bút danh Wang, Người viết một loạt bài đăng trên tập san Thư tín Quốc tế (Inprekorr). Bài đầu tiên là: Những tội ác kinh khủng của đế quốc Pháp ở Đông Dương, in trong tập san Inprekorr, số 99, ngày 28-9-1927.

Trong số 7 bài Người ký bút danh Wang được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, có 4 bài viết về phong trào nông dân và công nhân Ấn Độ, 3 bài viết về tội ác của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Đông Dương. Những bài viết không chỉ tố cáo tội ác của đế quốc Pháp mà còn giác ngộ thức tỉnh cho đồng bào.

44. N.K. 1927

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh N.K năm 1927. Người ký dưới bài: “Sự thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương”, đăng trong tập san Thư tín Quốc tế (Inprekorr), tiếng Pháp, số 104, ngày 15-10-1927. Hiện mới sưu tầm được một bài ký bút danh N.K.

45. N.Ái Quốc. 1927

46. Liwang. 1927

Ngày 16-12-1927, từ Béclin, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, đề nghị giúp đỡ tiền để chuẩn bị về nước. Thư viết: “Trong 2 hoặc 3 tuần lễ tôi sẽ trở về đất nước tôi. Chuyến đi của tôi chừng 500 đô la Mỹ vì tôi không có tiền nên tôi mong các đồng chí giúp tôi”. Thư ký tên N.Ái Quốc.

Trong thư Người đề nghị nếu có tiền xin gửi về Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản Đức cho “Liwang”.

47. Ông Lai. 1927

Cũng trong thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân ngày 16-12-1927, Nguyễn Ái Quốc ghi địa chỉ trả lời thư cho Người: Ông Lai, ở nhà ông Ésten, 21 phố Hale sơ, Béclin (Nguyễn văn: M.Lai, Chez M. Eckshtein, 21. Halle-chactrasse, Beclin).

48. A.P. 1927

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh A.P năm 1927. Với bút danh A.P Người viết bài “Văn minh” Pháp ở Đông Dương, đăng trên tập san Thư tín Quốc tế (Inprekorr), tiếng Đức, số 17, năm 1927. Bài viết tố cáo tội ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương.

 

49. N.A.K. 1928

Nguyễn Ái Quốc ký N.A.K trong Thư gửi Quốc tế Nông dân, ngày 3-2-1928. Trong thư Người thông báo trong khi chờ đợi ngày lên đường, Người tranh thủ thời gian viết về phong trào nông dân, chủ yếu về phong trào Hải Lục Phong, Quảng Châu, Trung Quốc, nơi đã lập các Xôviết nông dân.

50. Thọ. 1928

51. Nam Sơn. 1928

Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Xiêm (Thái Lan). Tháng 7 năm 1928. Người xuất hiện ở Bản Đông, huyện Phichít, tỉnh  Phítxanulốc miền Trung nước Xiêm. Đây là một làng Việt Kiều với chừng hai chục gia đình, từ năm 1926 đã có những tổ chức cách mạng Việt Nam, Hội hợp tác, Hội Việt kiều thân ái.

Trong buổi họp mặt đầu tiên với kiều bào, Nguyễn Ái Quốc tự giới thiệu là Thọ, biệt hiệu Nam Sơn. Những ngày sau đó Người đã nhanh chóng sống hòa mình với kiều bào, làm việc cùng mọi người. Buổi tối Người tổ chức nói chuyện cho kiều bào nghe về tình hình thế giới, tình hình trong nước.

Nguyễn Ái Quốc lưu lại ở Bản Đông chừng hai tuần.

52. Chín (Thầu Chín). 1928

Nguyễn Ái Quốc hoạt động tuyên truyền trong Việt kiều ở Thái Lan. Người thường di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Khoảng đầu tháng 8 năm 1928 Nguyễn Ái Quốc đến Uđon (Thái Lan). Người lấy tên là Chín. Mọi người tôn trọng gọi là “Thầu Chín” (ông già Chín).

Mục đích chính của Người trong thời gian hoạt động ở đây ở đây là xây dựng cơ sở, mở rộng tổ chức, từ đó tuyên truyền và gây ảnh hưởng về trong nước: “Trước kia ở Trung Quốc, ông Nguyễn từ phương Bắc tuyên truyền về nước. Bây giờ ở Xiêm, ông Nguyễn tuyên truyền về nước từ phương Tây”.

53. Víchto Lơbông (Victor Lebon). 1930

Ông Víchto Lơbông, 123 Đại lộ Cộng hòa, Pari, Pháp (M.Victor lebon, 123 av. De la Répblique, Paris, France) là địa chỉ Nguyễn Ái Quốc ghi để nhận thư của đại diện Đảng Cộng sản Pháp tại Quốc tế cộng sản và các đồng chí trong Đảng Cộng sản Liên Xô gửi cho Người.

Ngày 27-2-1930, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho đại diện Đảng Cộng sản Quốc tế thông báo về việc Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, yêu cầu được cung cấp tài liệu để tuyên truyền và giáo dục, đồng thời đề nghị Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ v.v..Người ghi địa chỉ nhận thư của mình là:

Ông Vích to Lơbông, 123 Đại lộ Cộng hòa, Pari, Pháp.

54. Ông Lý. 1930

Ông Lý, Hương Cảng tiểu dạ báo, 53 phố Uyhêm, Hồng Công (nguyên văn: Mr.Lee, The Hongkong Shiao Fih Pao, 53, Wyndham Str. Hongking) là địa chỉ Nguyễn Ái Quốc ghi để nhận sách báo gửi cho Người.

Địa chỉ này được ghi ở cuối thư Nguyễn Ái Quốc gửi văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Mỹ, ngày 27-2-1930 và trong một số thư khác.

55. Ng.Ái Quốc. 1930

56. L.M.Vang. 1930

Ngày 27 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc gửi Thư cho Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Đức ở Quốc tế Cộng sản đề nghị xin cho Người một giấy chứng nhận là phóng viên báo Thế giới. Thư ký tên Ng.Ái Quốc. Trong thư Người viết: “Trong hoàn cảnh tôi sống không hợp pháp, tôi cần có một nghề đề nói với người khác. Tôi đóng vai phóng viên báo chí. Nhưng cần phải chứng thực được danh nghĩa đó tôi. Trong số tất cả các báo của các Đảng chúng ta, tôi thấy chỉ có một tờ  báo “có tính chất lật đổ” và có thể cấp cho tôi một giấy chứng nhận thuận tiện, đó là báo Thế giới.

Tôi đề nghị các đồng chí xin cho tôi một giấy chứng nhận là phóng viên báo Thế giới. Tên của tôi sẽ là L.M.Wang”.

(Còn nữa)

 

Theo "Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,"

Bảo tàng Hồ chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2001

 

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: