Thứ sáu, 19/04/2024

Để có một nền dân chủ thật sự, trước hết phải thực hành dân chủ, một trong những khía cạnh quan trọng của thực hành dân chủ là để mọi người được tham gia thảo luận, tranh luận một cách bình đẳng. Cho nên, tổ chức các cuộc họp, các cuộc Hội nghị ở cơ quan, đơn vị thực chất là để thực hiện sự lãnh đạo tập thể và nguyên tắc sinh hoạt dân chủ trong cơ quan cũng như trong tổ chức Đảng. Thế nhưng trong thực tế ở nơi này, nơi khác đã tổ chức nhiều cuộc họp, Hội nghị để bàn bạc những nội dung, những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, của tổ chức cơ sở đảng nhưng thực tế vẫn thiếu dân chủ, vẫn là dân chủ hình thức.

Bởi vì, mặc dù vấn đề được đưa ra bàn trong các cuộc họp, các cuộc Hội nghị, nhưng có những đồng chí lãnh đạo lại nghĩ rằng, cán bộ cấp dưới  là người chịu sự lãnh đạo của mình. Do đó, bàn thì cứ bàn cho phải phép, cho có vẻ dân chủ, để trên khỏi chê, dưới khỏi trách, thậm chí có những việc hệ trọng nhưng không cần bàn bạc trong ban lãnh đạo, cứ theo ý mình mà kết luận và quyết định. Mặt khác, trong điều hành đôi khi có nhiều vấn đề bị hợp thức hóa bằng tập thể lãnh đạo. Đây là vấn đề cần phải được chấn chỉnh.

Thực tế đã chỉ rõ, thực hành dân chủ là chìa khóa giải quyết mọi khó khăn và tìm ra nhiều giải pháp hay để phát triển xã hội, “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”(1), đồng thời, chỉ có tin tưởng gắn bó với nhân dân, với đồng nghiệp thì mới thấy ở đó những sáng kiến vĩ đại, những con đường, biện pháp, lực lượng để đổi mới, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chỉ có thực hành dân chủ, coi việc nước là việc chung, mọi người cùng lo toan thì sẽ tìm thấy sáng kiến hay và lòng hăng hái của mọi ngưới sẽ được nhân lên gấp bội.

Theo Bác, “Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”(2) Vì thế, trong họp, Hội nghị có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, bởi đoàn kết của chúng ta là đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh Chính trị và Điều lệ Đảng, do đó, không nên tìm lý do để gạt đi những ý kiến đối lập, càng không nên giữ thành kiến dai dẳng đối với những người đưa ra ý kiến đó, vì như vậy sẽ làm cho cái dân chủ trên thực tế bị hạn chế, từ đó trong những cuộc họp, Hội nghị ý kiến thảo luận, tranh luận sẽ trở thành tẻ nhạt, xuôi chiều, những suy nghĩ sáng tạo, có căn cứ khoa học và thực tiễn sẽ không được ủng hộ. Như thế, nội dung của các cuộc họp, Hội nghị mang tính một chiều, Nghị quyết chung chung thiếu tính cách mạng tiến công.

Thực tế cho thấy, đối với những cán bộ, đảng viên có bề dầy kinh nghiệm trong thực tiễn nếu biết khai thác, biết phát huy và được tập hợp lại chắc chắn sẽ là nguồn sức mạnh vô tận, tạo nên trí tuệ, sức sáng tạo chung của cơ quan, đơn vị. Là người lãnh đạo một cơ quan, đơn vị đòi hỏi phải có tâm, có tầm, phải nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và những quy định có tính nguyên tắc có liên quan đến lĩnh vực mà mình phụ trách; Phải nghiên cứu thật kỹ, phải xem xét và giải quyết đúng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn với mỗi giai đoạn phát triển cụ thể của từng sự vật và hiện tượng, từng con người cụ thể với những biện pháp hết sức cụ thể; Phải chịu khó lắng nghe ý kiến của mọi người chung quanh, nhất là những người kế cận; phải bàn bạc, cân nhắc thận trọng để đưa ra quyết định đúng đắn. Chúng ta đều biết trong thảo luận, tranh luận sẽ có những ý kiến không hoàn toàn giống nhau, và đó là cơ sở giúp cho lãnh đạo nhìn nhận sự vật, hiện tượng khách quan hơn, trên cơ sở đó đề ra kết luận chính xác hơn. Là cán bộ, đảng viên thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, đấu tranh là để đi đến sự thống nhất cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, và đó là quy luật phát triển của Đảng.

Tuy nhiên, nội dung của thực hành dân chủ phải xuất phát từ động cơ trong sáng, công tâm, khách quan, có tình, có lý. Vì đây là lợi ích chung chứ không phải tìm cách soi mói. Cho nên, chúng ta cũng phê phán những ý kiến thiếu tinh thần xây dựng, những ý kiến lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, nói xấu lẫn nhau, những tranh luận không tôn trọng nguyên tắc, thiếu tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp, vì như vậy là trái với bản chất của vấn đề dân chủ, là vi phạm Điều lệ Đảng, là dân chủ quá trớn dân chủ cực đoan, dẫn đến tự do tùy tiện, xem thường tập thể. Vì thế, dân chủ trong Đảng là dân chủ có lãnh đạo, có tính nguyên tắc. Nói cách khác, dân chủ của ta là dân chủ có định hướng.

Do đó, trong mỗi tập thể dù nhỏ, muốn giữ gìn sự đoàn kết thống nhất thật sự, phải thực hành tốt dân chủ, nếu lãnh đạo cơ quan, đơn vị thiếu tôn trọng Nghị quyết của Cấp ủy, coi thường kết luận của tập thể, điều hành  như thế thì bao công sức, trí tuệ của cán bộ, đảng viên đã góp ý trong cuộc họp trở thành vô nghĩa và như vậy cũng có nghĩa Nghị quyết, kế hoạch chỉ dừng lại trên trang giấy, không thực hiện hoặc thực hiện nhưng nội dung bị méo mó không còn nguyên vẹn. Như thế, cho dù có tổ chức nhiều cuộc họp nhưng vẫn cứ thiếu dân chủ.

Thực tiễn chứng minh, nơi nào không thực hiện tốt vấn đề dân chủ đều dẫn đến bất lợi cho tổ chức, đều cản trở bước tiến của cách mạng, nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm cách khắc phục, dần dần nó sẽ triệt tiêu sức sáng tạo và tinh thần đấu tranh xây dựng của tập thể, tạo nên một lối sống an phận, nắng bề nào che bề nấy, đây là mảnh đất tốt để cho chủ nghĩa cá nhân phát triển và thực tế nơi nào thực hiện tốt phát huy dân chủ thật sự thì nơi đó sẽ động viên được tất cả mọi người tham gia đưa cách mạng đi đến thắng lợi. Do đó, cán bộ đảng viên phải chăm lo nhiều đến lề lối làm việc dân chủ, tác phong quan sát, sâu sát thực tế. Cho nên khi đã tổ chức cuộc họp, Hội nghị thì phải bàn cho ra lẽ, bàn xong phải có kết luận dứt khoát, phân định rõ đúng, sai. Trên cơ sở kết luận thông qua được tập thể đồng tình thì hình thành Nghị quyết. Khi chỉ đạo thực hiện, phải nói và làm theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Nếu làm trái với Nghị quyết thì các cuộc hội, họp dẫu có bàn sâu đến đâu, kéo dài bao lâu đi chăng nữa cũng chỉ là dân chủ hình thức, dân chủ giả hiệu.

Chú thích:

(1): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, Tập 6, tr 174

(2): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd... t10, tr118).

Theo Phan Thị Hữu Hạnh
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị
T
am trang(st)

 

Bài viết khác: