Thứ sáu, 29/03/2024

Ngày 2/9/1945, nhân dân Nam Bộ kéo về Quảng trường Norodom (gần nhà thờ Đức Bà) chờ được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập từ Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Cũng trong buổi ngày hôm đó, vị bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, người được cử chức Bộ trưởng Y tế Chính phủ lâm thời thay mặt Chính phủ tuyên thệ trước quốc dân: “Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước, vượt qua khó khăn nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”. Hình ảnh của vị Bộ trưởng Y tế khi đó vẫn luôn được nhân dân ta trân trọng, nhớ mãi!

bac-sy-pham-ngoc-thach-b
Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968)

Vị bác sỹ hết lòng vì người bệnh

Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968) là một Nhà khoa học y khoa Việt Nam, Giáo sư tiến sĩ khoa học, nguyên Bộ trưởng Y tế trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1997 vì các cống hiến trong lĩnh vực khoa học.

Xuất thân từ một gia đình hiếu học và có truyền thống yêu nước, thuộc hàng “danh gia vọng tộc”, ông nội là quan Án sát Phạm Ngọc Quát, còn mẹ là cháu nội Tuy Lý Vương, lấy vợ người Pháp. Học trung học và Đại học Y ở Hà Nội, rồi mấy năm học tập tiếp và tốt nghiệp bác sĩ loại Giỏi ở Pháp, ông được giữ lại làm trợ lý tại Trường đại học Y khoa Paris. Năm 1936, ông về nước, mở phòng mạch tư tại Sài Gòn. Tại đây, ông vừa chữa bệnh vừa hoạt động cách mạng.

Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi về bệnh lao trên thế giới với 80 bài nghiên cứu về bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ... Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao. Bác sỹ là người đầu tiên đã dùng kích sinh chất Filatov tiêm vào huyệt phổi để điều trị lao có kết quả; đề xuất nghiên cứu vắcxin BCG chết (thay BCG sống) góp phần tích cực trong công tác phòng bệnh lao; dùng vi khuẩn Bacllus subtilis sống để điều trị lao và các bệnh về phổi cùng một số bệnh nhiễm khuẩn khác...

Những năm đầu thập niên 1990, khi nhìn lại công trạng người đi trước, Giáo sư bác sỹ Hoàng Minh khẳng định: “Đối với ngành lao và bệnh phổi, những nghiên cứu của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong việc áp dụng miễn dịch học chữa ung thư, điều trị lao, giải quyết các bệnh phổi mạn tính đã được các đồng nghiệp, học trò của ông thừa kế một cách sáng tạo…”.

Là một bác sỹ có học uyên thâm, nhưng bác sỹ Phạm Ngọc Thạch rất chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp cho tới ông lang, bà mế những kinh nghiệm chữa trị phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Ông cũng đọc kỹ từng bài báo nhỏ của đồng nghiệp, học trò về một vấn đề mới cho tới những công trình lớn của Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Claude Bernard…

Với lòng tự hào dân tộc sâu sắc, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đã có nhiều  công sức khai thác và xây dựng nền y học dân tộc, kết hợp Đông - Tây y để điều trị nhiều bệnh thu được kết quả tốt. Ông là tác giả nhiều sách về y học viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Tất cả những công trình nghiên cứu và ứng dụng của ông đều chứa chan lòng yêu thương con người hết mực.

Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch còn là lãnh đạo có uy tín. Với cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước ta, ông đã có công lớn trong việc tổ chức xây dựng mạng lưới y tế nhân dân từ địa phương tới trung ương trong kháng chiến. Giữa khói lửa đạn bom, hình ảnh Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch vai mang ba lô, đầu trần, chân đất có mặt trên mọi chiến trường đã gây xúc động mạnh. Ông quên ăn, quên ngủ để cứu chữa cho thương bệnh binh và đồng bào.

Hơn thế, ông cũng là người hết sức tận tụy với đồng nghiệp. Năm 1953, trên đường ra Việt Bắc, ông ghé thăm hai bác sỹ Tôn Thất Tùng và Hồ Đắc Di. Gặp lúc bác sỹ Hồ Đắc Di đang bệnh nặng, dù công việc rất gấp, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch vẫn xin phép cấp trên nán lại một tuần để chữa bệnh và chăm sóc đồng nghiệp. Không ít lần ông đã tự tiếp máu mình cho bệnh nhân khi gặp những ca cấp cứu nguy kịch. Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch là hiện thân sống động nhất của y đức “Lương y như từ mẫu”.

Tình thương vô hạn của ông đối với nhân dân không những thể hiện trong cách mạng, trong kháng chiến, mà còn ở tinh thần tận tụy suốt đời chăm lo sức khỏe của đồng bào, từ việc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, vì lợi ích của phụ nữ nước ta bao đời khổ cực và tương lai của nòi giống đến những công việc lớn lao về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống các bệnh xã hội, các bệnh dịch và cứu chữa người bệnh, người bị thương. Ông là người thầy thuốc của dân, luôn luôn thấm nhuần tư tưởng “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Ôn lại những kỷ niệm về bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Anh hùng Lao động Nguyễn Duy Cương - nguyên Thứ trưởng Y tế - kể: “Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch là một thầy thuốc nhân hậu, rất bình dân. Nửa đêm có người bệnh gõ cửa đánh thức, ông vẫn lái xe đến tận các khu nhà nghèo để khám và chữa bệnh cho người lao động”.

Luôn học tập theo tấm gương Bác Hồ kính yêu

Ở Paris đầu những năm 1930, ông đã được nghe tiếng và vô cùng ngưỡng mộ nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1940 đến năm 1945, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch hoạt động cách mạng và là một trong những người lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn. Thời gian này, ông rất mừng khi được các đồng chí Hà Huy Giáp và Trần Văn Giàu cho biết nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam và đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng và Mặt trận Việt Minh.

Tháng 3/1945, trước sự lớn mạnh của phong trào học sinh, sinh viên và trí thức yêu nước, một nhóm các nhà tri thức tiên phong đã đứng ra thành lập phong trào Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn, sau đó phát triển nhanh ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch được cử giữ chức Bí thư Đảng đoàn kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị phong trào Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Chỉ trong vòng ba tháng đầu, số đoàn viên Thanh niên Tiền phong lên tới 1.200.000 người, riêng Sài Gòn chiếm 200.000 người..

Bên cạnh Phạm Ngọc Thạch, tham gia lãnh đạo Thanh niên Tiền phong còn có các nhà trí thức: Thái Văn Lung, Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Văn Thủ, Trần Bửu Kiếm, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng,…

bac-sy-pham-ngoc-thach-a
Hàng đầu từ phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Trần Hữu Tước, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. (Nguồn Internet)

Tháng 8/1945, ông được Ủy ban dân tộc giải phóng và Hồ Chủ tịch chọn cử làm Bộ trưởng Y tế Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam độc lập. Nhưng thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ông xin ở lại tham gia chỉ đạo kháng chiến.

Tháng 11/1945, ông cùng đồng chí Trần Văn Giàu lên đường ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương và Hồ Chủ tịch. Khi qua khu Bốn, ông đã gặp bác Nguyễn Tài, một cán bộ kỳ cựu đã được gần Bác Hồ (lúc đó có tên là Thầu Chín) trong hơn một năm Người hoạt động ở Thái Lan. Gần trọn một đêm, ông được nghe và hỏi chuyện về Bác Hồ, về lòng yêu nước thương dân vô hạn, về tinh thần kiên cường vượt mọi khó khăn gian khổ, về đạo đức cách mạng và lối sống giản dị, về tác phong sâu sát quần chúng, cách làm việc khoa học và phương pháp tuyên truyền đầy sức thuyết phục của bác. Hỏi về điều gì Người quan tâm trong rèn luyện cán bộ, bác Tài nói: Cụ Hồ có lần tâm sự Cụ thích nhất câu:

Khí dĩ gian nan tráng/ Hoài nhân tụng độc tân, coi đó là phương châm tu dưỡng của mình và để khuyến khích các đồng chí rèn luyện trong khó khăn, gian khổ, đồng thời cố gắng hằng ngày học tập, hằng ngày đọc sách, đọc báo để nâng cao hiểu biết của mình. Bác Tài còn cho biết, ở Thái Lan, Bác Hồ hoạt động rất tích cực, khẩn trương mà còn kiên quyết hằng ngày học tiếng Thái, đọc và nói được tiếng Thái Lan.

Thêm vào đó, giữa tháng 11/1945, tới Bắc Bộ phủ, được trực tiếp báo cáo với Hồ Chủ tịch và sống gần Bác mấy hôm, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch càng thêm kính yêu và nguyện suốt đời noi gương Bác.

Trong kháng chiến chín năm, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch trở về hoạt động ở Nam Bộ, giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1953, nhận chỉ thị của Hồ Chủ tịch, ông ra chiến khu Việt Bắc.

bac-sy-pham-ngoc-thach-c
Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch bên cây đa Tân trào

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch lại vượt núi cao, rừng thẳm Trường Sơn, có mặt ở chiến trường B2 gian khó chồng chất. Giữa bom đạn, khói lửa, sáng lên hình ảnh bác sỹ Phạm Ngọc Thạch vai mang ba lô, chân đi đất, lặn lội trên chiến khu Đông Nam Bộ, ngày đêm phục vụ cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân. Không ngờ, một cơn sốt rét ác tính đã quật ngã người chiến sĩ gang thép ấy. Chiều ngày 7/11/1968, bác sỹ đã ra đi khi tuổi chưa đầy 60, trong một căn nhà tranh giữa chiến khu Đông Nam Bộ. Đột ngột nghe tin buồn, Hồ Chủ tịch đã ngồi lặng đi. Nhiều đồng nghiệp, cán bộ ngành Y tế đã không cầm được nước mắt...

Giáo sư André Roussel viết trên tạp chí của Hội Y học Pháp - Việt, tháng 3/1969, rằng: “Do những đức tính hiếm có và quý báu mà khi nói đến ông (bác sĩ Phạm Ngọc Thạch), người ta dùng một câu rất độc đáo: Đó là một người hiền sĩ đại...”.

Trên Báo Nhân Đạo (Pháp) số ra ngày 13/12/1968, nữ nhà báo Madeleine Riffeau viết: “Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đã vĩnh viễn ra đi, nhưng hình ảnh ông vẫn còn mãi trong làn nước trong xanh của hàng vạn giếng khơi mà ông đã cho đào, trong tiếng khóc chào đời của các cháu bé sơ sinh, trong những buồng phổi khỏe mạnh của nhân dân Việt Nam...”.

Nghệ sỹ điêu khắc Diệp Minh Châu, sau 72 giờ kể từ khi bác sỹ Phạm Ngọc Thạch ra đi, đã hoàn thành bức tượng bác sĩ to gấp 10 lần người thật. Trong hồi ký của mình, nhà điêu khắc viết: “Tôi say mê tài năng... Riêng cuộc đời giản dị, cao đẹp và tinh thần xả thân của đồng chí bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã chinh phục mạnh mẽ trái tim tôi, giúp tôi tạo nên tác phẩm ưng ý về ông”. Bức tượng này được đặt tại Viện Lao Phổi.

Có thể nói, trong cả cuộc đời hoạt động của mình, ông đã nêu cao đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trước những nhiệm vụ nặng nề và chồng chất trong thời chiến cũng như thời bình, ở cương vị người lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo ngành hay người thầy thuốc, ông lao động quên mình, không kể ngày nghỉ và đêm khuya, lao động với năng suất và hiệu quả rất cao. Bạn bè nước ngoài đã ca ngợi ông là người “một làm việc bằng mười!”.

Là Bộ trưởng Y tế, trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, ông không đòi hỏi gì đặc biệt cho ngành, càng không đòi hỏi gì cho riêng mình. Ông sống trung thực, thẳng thắn, giản dị, thanh bạch, luôn luôn học tập, nghiên cứu và rèn luyện trong khó khăn, gian khổ, đi sâu, đi sát thực tế, gần gụi cán bộ, nhân dân. Đạo đức, tác phong và lối sống của ông đã có sức động viên toàn ngành y tế và nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn và hiểm nghèo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng ngành Y tế cách mạng nước ta.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dựng nên tên tuổi và sự nghiệp bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, ngay sau ngày đất nước thống nhất tên ông đã được trân trọng chọn đặt cho một con đường lớn ở trung tâm thành phố và một bệnh viện chống lao. Ngày 10/10/2008, một ngôi trường Đại học Y khoa mang tên Phạm Ngọc Thạch cũng đã được khai giảng niên khoá đầu tiên. Hình ảnh nhà trí thức lớn mãi mãi hiện diện trong lòng dân tộc.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: