Thứ sáu, 29/03/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh”(1), và “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(2).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là hệ thống các nguyên lý, quan điểm về thế giới và thời đại, về đường lối quan hệ quốc tế, chiến lược và sách lược ngoại giao. Đó là nền ngoại giao vì mục đích hòa bình, độc lập, chủ quyền của dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Được tiến hành trên cơ sở pháp lý và đạo lý chung của quốc tế, đấu tranh pháp lý đi đôi với thuyết phục cảm hóa về đạo lý. Với cách thức tiến hành gắn kết đối nội với đối ngoại, lấy đối nội phục vụ đối ngoại và ngược lại. Đồng thời xác định lực lượng tiến hành ngoại giao là khối đại đoàn kết toàn dân. 

Với mục đích vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay, xin điểm lại một số nét đặc sắc trong tư tưởng ấy của Người. 

Mục đích ngoại giao Hồ Chí Minh là vì hòa bình, vì độc lập, chủ quyền cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, nền hòa bình của đất nước đã bị thực dân Pháp phá hoại bằng việc nổ súng đánh chiếm Nam Bộ và lan rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi Chính phủ Pháp đàm phán, thiết lập lại hòa bình. Trong lời tuyên bố với phóng viên Báo Pari - Sài Gòn, ra ngày 13-12-1946, Người khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… 

Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”(3).

Tuy nhiên, thực dân Pháp đã không chấp nhận các nỗ lực ngoại giao vãn hồi hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tiếp tục mở rộng chiến tranh xâm lược, buộc nhân dân ta phải đứng lên kháng chiến để giữ gìn nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố về mong muốn hòa bình của dân tộc ta: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! 

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(4).

Cơ sở của ngoại giao là pháp lý và đạo lý, đấu tranh pháp lý đi đôi với thuyết phục cảm hóa về đạo lý.

Ngay khi các nước Đồng minh họp Hội nghị bàn về việc giải giáp quân phát xít sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định phải nổi dậy giành chính quyền, để: Thành lập Chính phủ cách mạng rồi nhân danh Chính phủ cách mạng của nhân dân mà giao thiệp với họ(5). Đây chính là bước đi chuẩn bị sẵn sàng về phương diện pháp lý để đấu tranh với các thế lực thù địch đang có ý định biến nước ta trở lại thành thuộc địa của chúng. Sau này, khi quân Đồng minh vào Việt Nam, đã phải đối mặt với một thực tế pháp lý hoàn toàn nằm ngoài dự tính. 

Sự kiện bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khóa I là sự củng cố về mặt pháp lý cho đấu tranh ngoại giao. Chúng ta cần có một Quốc hội lập hiến do toàn dân phổ thông đầu phiếu lập nên và một Chính phủ hợp hiến do Quốc hội cử ra. Sau khi được Quốc hội bầu ra đúng ba ngày, Chính phủ ta đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 06-3-1946, nhằm đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng về nước.

Bên cạnh đấu tranh về pháp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tiến hành đấu tranh thuyết phục, cảm hóa bằng đạo lý. Tư tưởng trọng đạo lý, kiên trì thuyết phục của Người xuất phát từ lòng tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải, từ niềm tin vào tính hướng thiện của con người, kể cả những người bất đồng, đối địch, thậm chí là những người trong hàng ngũ địch. Tiêu biểu như khi Thủ tướng Pháp đón Người, ông này có nêu lên “chủ nghĩa nhân đạo”, “triết học phương Đông, phương Tây”… thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: Chúng ta đều có chung một lý tưởng triết học phương Đông và phương Tây, đều theo một giáo dục chung: “Mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình”.

Khi vận động người Pháp để vãn hồi hòa bình, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu điều nhân nghĩa, nhân đạo, cái lợi cho cả hai phía, Người kêu gọi Chính giới Pháp: “Công nhận nền độc lập của Việt Nam không những không làm giảm uy tín của nước Pháp, mà còn làm cho nó tăng cao trước thế giới và lịch sử. Cử chỉ này tỏ chung cho hoàn cầu và riêng cho người Việt Nam rằng nước Pháp ngày nay hoàn toàn khác nước Pháp đế quốc chủ nghĩa ngày trước. Nó sẽ được sự kính trọng của tất cả các dân tộc và lòng mến yêu của người Việt Nam vốn không mong gì hơn là Tổ quốc độc lập”(6). Đồng thời, Người thuyết phục nhân dân Pháp: “Các bạn hãy giúp chúng tôi cứu lấy tính mạng của bao nhiêu thanh niên Pháp và Việt, cứu lấy tình thân thiện giữa hai dân tộc và cứu lấy khối Liên hiệp Pháp”(7).

Cách thức ngoại giao là gắn kết đối nội với đối ngoại, lấy đối nội phục vụ đối ngoại và ngược lại.

Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, có thể thấy, ngay từ ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng gắn kết đối nội với đối ngoại. Công bố Tuyên ngôn độc lập vừa có tác dụng đối nội là đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Chính phủ lâm thời, vừa có tác dụng đối ngoại là tuyên bố với thế giới về nền độc lập, tự do và chủ quyền của nước Việt Nam mới.

Khi thành lập Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời những đại diện tiêu biểu của chính quyền cũ đã bị lật đổ vào tham gia chính quyền mới, như: các thượng thư triều Nguyễn, các bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Việc làm này vừa có ý nghĩa đối nội là tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, vừa có tác dụng đối ngoại, cho thế giới thấy Chính phủ lâm thời bao gồm đầy đủ các tầng lớp trong xã hội, thể hiện rõ tính dân chủ, nhân văn, đồng thời biểu thị tính đại diện của Chính phủ ta.

Cuộc vận động “Tuần lễ vàng” huy động đông đảo những nhà tư sản yêu nước hiến vàng cho Chính phủ, không những có tác dụng đối nội là một cuộc vận động gây quỹ, gây tình đoàn kết, tương thân tương ái mà còn là cuộc biểu dương tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, sẵn sàng đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đông đảo nhân dân ta. Đây còn là một đòn ngoại giao nhắc nhở các thế lực xâm lược về lòng yêu nước của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Lực lượng tiến hành ngoại giao là khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng tiến hành cách mạng nói chung và tiến hành hoạt động ngoại giao nói riêng là đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bác căn dặn: Một trong những mục đích chính của công việc ngoại giao là nâng cao uy tín và danh dự của nước mình đối với thiên hạ. Có những việc to do Chính phủ và các đoàn thể nhân dân làm. Có những việc nhỏ do mỗi công dân làm. Việc tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn. Ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử ngoại giao của dân tộc ta. Ngoại giao trở thành một mặt trận, triển khai khắp thế giới và ngay tại hậu phương của đối phương. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao không chỉ là việc riêng của các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán là những cơ quan chuyên môn phụ trách, mà còn là các tổ chức khác như ngoại thương, văn hóa, thanh niên, phụ nữ, công đoàn cũng đều làm ngoại giao cả. 

Trên cơ sở một số nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nêu trên, quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao vào đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Khẳng định mục đích vì hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trước nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc và toàn thế giới.

Ngày nay, khi đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cần tuyên truyền làm cho nhân dân ta, nhân dân Trung Quốc và toàn thế giới thấy rõ về mục đích giữ gìn hòa bình, tránh để xảy ra xung đột, cũng như biện pháp đấu tranh hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Thời gian tới đây, chúng ta cần thường xuyên khẳng định lại chủ trương, quan điểm và giải pháp hòa bình trong quá trình đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Cần tăng cường hơn nữa các hoạt động đối ngoại của Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng với các tổ chức quốc tế, các chính phủ, các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới. Để các tổ chức quốc tế, các chính phủ và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn mục đích hòa bình của Việt Nam. 

Quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cần dựa vững chắc trên cơ sở pháp lý và đạo lý chung của quốc tế, đấu tranh pháp lý đi đôi với tuyên truyền, thuyết phục cảm hóa về đạo lý.

Các cơ quan, cán bộ trực tiếp tham mưu và đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cần nghiên cứu, nắm chắc các quy định của luật pháp quốc tế có liên quan tới biển đảo, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, về Hiến chương Liên hợp quốc trong những vấn đề có liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia, cùng các điều khoản mà các quốc gia có tranh chấp với ta về biển, đảo đã ký. Ở lĩnh vực này, ta cần huy động các chuyên gia giỏi trong nước và kể cả chuyên gia nước ngoài.

Định hướng các cơ quan chức năng và nhân dân ta trong quá trình đấu tranh cần tuân thủ luật pháp và những chuẩn mực chung của đạo lý, tính nhân văn, nhân đạo quốc tế. Làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa và hợp pháp trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đồng thời, phải thu thập và cung cấp đầy đủ các bằng chứng trước công luận trong nước, công luận nước đối phương và công luận thế giới về sự bất chấp đạo lý, vô nhân đạo của đối phương, với các tư liệu hình ảnh, âm thanh, vật chứng, nhân chứng cụ thể, điển hình. 

Quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc phải gắn kết đối nội với đối ngoại, lấy đối nội phục vụ đối ngoại và ngược lại.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình, cần tăng cường củng cố sự ổn định về kinh tế - xã hội, sự đồng thuận và tin tưởng vào quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền của toàn thể dân tộc cho thế giới và đối phương thấy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thấy được lịch sử hàng ngàn năm anh dũng chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh và tàn bạo của dân tộc Việt Nam.

Phải khơi dậy, huy động tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần tăng cường tuyên truyền về hành động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của ta mang tính chính nghĩa, hợp đạo lý và phù hợp với luật pháp quốc tế. Khơi dậy truyền thống bất khuất của dân tộc, củng cố quyết tâm giữ gìn chân lý sống của dân tộc và thể diện của quốc gia, cũng như mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Phát động những cuộc vận động tìm hiểu và quyên góp ủng hộ công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tuyên dương những cán bộ, chiến sĩ và ngư dân ta đã anh dũng đấu tranh với kẻ thù xâm lấn hung bạo. Huy động toàn thể hệ thống chính trị, các cơ quan truyền thông, các nhà khoa học, giới văn nghệ sĩ cùng với toàn thể đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Vận động chính phủ các nước, nhân dân tiến bộ, văn minh, yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới cùng đấu tranh phản đối hành động sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế. Làm cho công luận thế giới thấy rõ và có tiếng nói, hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam đồng thời cũng là bảo vệ công lý quốc tế, bảo vệ những giá trị văn minh, những chuẩn mực đạo lý chung của nhân loại./.

---------------------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 518

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 126

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 473 

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 480

5. Chỉ thị: Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 66

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 128

ThS. Vũ Hải Thanh,
 Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng)

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: